Đến 17 giờ ngày 13-10, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã yên nghỉ tại núi Rồng (Vũng Chùa - Đảo Yến) trong sự tiếc thương của hàng vạn người dân cả nước về đây tiễn đưa Đại tướng về với đất mẹ Quảng Bình.
Đến 17 giờ ngày 13-10, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã yên nghỉ tại núi Rồng (Vũng Chùa - Đảo Yến) trong sự tiếc thương của hàng vạn người dân cả nước về đây tiễn đưa Đại tướng về với đất mẹ Quảng Bình.
Người dân Quảng Bình vĩnh biệt Đại tướng Võ Nguyên Giáp. |
Chưa bao giờ vùng núi Rồng lại đón một lượng người khổng lồ như vậy. Từ sáng sớm, hàng chục ngàn người đã vượt 5km để đến núi Rồng, đội cái nắng chang chang của Quảng Bình suốt một ngày trời, chỉ mong được tiễn biệt Đại tướng lần cuối.
Người dân Quảng Bình khóc thương tiễn đưa Đại tướng về với đất mẹ. |
Trong biển người ở núi Rồng, có những cựu chiến binh còn mang vết thương chiến tranh trên mình, có những em bé hãy còn măng sữa; có người ở các tỉnh miền Bắc, miền Trung, miền Nam và cả Tây Nguyên; hầu hết đều mang hoa và ảnh Đại tướng cùng những băng rôn mang dòng chữ tiếc thương. Dọc hai bên đường suốt từ sân bay Đồng Hới đến xã Quảng Đông (huyện Quảng Trạch), hàng trăm ngàn người dân Quảng Bình đứng hai bên đường suốt mấy giờ đồng hồ dưới nắng trưa, tay ôm di ảnh, vẫy hoa chào khi đoàn xe tang đi qua. Tình dân đối với vị tướng của nhân dân được bộc lộ không cần lời nói…
* Quảng Bình đêm không ngủ
Đêm trước đó, TP.Đồng Hới dường như không ngủ. Người Quảng Bình nôn nao đón người con của quê hương trở về. 21 giờ, giờ chấm dứt viếng tang theo quy định, dòng người trước UBND tỉnh Quảng Bình vẫn còn dài. Lãnh đạo tỉnh đã quyết định mở cửa suốt đêm để thỏa lòng ngưỡng vọng đối với vị Đại tướng của nhân dân. Trong các ngôi nhà, người dân Quảng Bình lập bàn thờ Đại tướng ở nơi trang trọng nhất.
Thầy thuốc nhân dân Từ Thanh Chương và các đại biểu Hội đồng hương tỉnh Quảng Bình tại Đồng Nai viếng Đại tướng tại Nhà tang lễ tỉnh Quảng Bình. |
22 giờ, trái với lệ thường, ngôi nhà nhỏ ở phường Hải Đình (TP.Đồng Hới) của đôi vợ chồng cựu thanh niên xung phong Bùi Xuân Học và Ngô Thị Tuyết Lộc vẫn sáng đèn. Cụ Học tập hợp toàn bộ con, dâu, cháu ra trước bàn thờ Đại tướng để sinh hoạt truyền thống gia đình. Bằng giọng nói run run xúc động, cụ kể cho cả nhà nghe những lần được vinh dự gặp Đại tướng, sự quan tâm của Người với lực lượng thanh niên xung phong.
Ngay cả cánh báo chí cũng không kìm được cảm xúc khi tiễn đưa Đại tướng. Tại lễ truy điệu ở UBND tỉnh Quảng Bình, phóng viên Minh Huyền (Báo Quảng Trị) nức nở từng hồi khi xem truyền hình trực tiếp, vừa lau nước mắt vừa tác nghiệp. “Tôi là đồng hương Quảng Bình với Đại tướng. Người Quảng Bình chúng tôi vô cùng tự hào vì sản sinh vị tướng đức độ, được người dân cả nước yêu quý như Người. Người mất đi, chúng tôi đau lòng quá...” - Minh Huyền thổ lộ với phóng viên Báo Đồng Nai. |
Trong một quán ăn ở phường Bắc Lý, đôi vợ chồng Nhân - Thưởng lập bàn thờ Đại tướng ngay trong quán, khách đến ăn cũng lặng lẽ cùng vợ chồng chủ quán thắp nén hương dâng lên Đại tướng. “Cụ đã như ông, như cha của chúng tôi rồi” - anh Nhân cho hay.
Ở xã Quảng Đông (huyện Quảng Trạch) - nơi an táng Đại tướng, hàng ngàn người từ các địa phương trong cả nước đã kéo về, đợi hôm sau tiễn đưa Đại tướng. Ông Lê Xuân Thới, 71 tuổi, cựu chiến binh ở tỉnh Quảng Trị, cho biết nhiều cựu chiến binh quê ông rất muốn đến với Đại tướng trong ngày cuối, nhưng không có điều kiện. Riêng ông quyết tâm đón xe đò vượt 150km, ăn bánh mì, trải áo mưa nằm tạm ở UBND xã Quảng Đông, tá túc đợi đến hôm sau lên núi Rồng sớm. “Vất vả mấy tôi cũng chịu được, miễn sao được trực tiếp tiễn biệt Đại tướng” - ông Thới run run nói.
* Có cái chết hóa thành bất tử
7 giờ sáng 13-10, lễ truy điệu Đại tướng bắt đầu trong cả nước. Tại Quảng Bình, từ sáng sớm dòng người đã chảy về không dứt. Trong tiếng nhạc truy điệu, chứng kiến lễ di quan Đại tướng qua màn hình, nỗi đau đớn trào dâng khiến những dòng nước mắt cứ tuôn rơi không sao kìm được. Ông Võ Quang Ngọc, Trưởng phòng Hành chính Trường Chính trị tỉnh Đồng Nai - một cựu chiến binh thời kháng chiến chống Mỹ, đã ra Quảng Bình để viếng và tiễn đưa Người Anh Cả của quân đội, cứ thẫn thờ suốt buổi lễ truy điệu. “Trong lòng tôi đau xót như mất đi người thân yêu. Biết rằng rồi Người cũng sẽ ra đi theo quy luật cuộc sống, nhưng khi đối diện với sự thật, vẫn thấy đau đớn quá. Chúng tôi quyết định từ Đồng Nai ra tiễn Người đến nơi yên nghỉ mới an lòng” - ông Ngọc bày tỏ.
Cùng chung suy nghĩ với ông Ngọc, vợ chồng bác sĩ, thầy thuốc nhân dân Từ Thanh Chương (nguyên Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai) cũng đến Vũng Chùa từ sớm. Hai vợ chồng ông với băng tang đen trên tay áo, không quản cái nắng gay gắt như cháy da, đứng suốt mấy giờ đồng hồ chỉ để được nhìn thấy linh xa đưa Đại tướng chầm chậm đi qua, rồi khuất về phía núi Rồng. “Biết bao giờ mới có lại một vị lãnh tụ được dân yêu quý như thế. Đại tướng ra đi, nhưng những giá trị Người để lại thật to lớn, và sẽ sống mãi trong lòng người dân” - ông Từ Thanh Chương nghẹn ngào.
Dù cả một biển người mênh mông, nhưng không khí thật trang nghiêm, trật tự. Chỉ đến khi đoàn xe tang của Đại tướng ngang qua, nỗi đau trong lòng vốn được kìm nén mới òa vỡ. Những cụ già với di ảnh trong tay, cứ ôm mặt nức nở: “Đại tướng ơi, anh Văn ơi, thế là từ nay không còn thấy mặt Người nữa rồi...”.
Đất mẹ Quảng Bình đã đón Người về. Trong đêm 13-10, dòng người vẫn tiếp tục đổ về Vũng Chùa không dứt...
Thanh Thúy (từ Quảng Bình)