Cuối tháng 12-2003, giữa lúc nhân dân cả nước đang náo nức chuẩn bị kỷ niệm 50 năm Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử (7-5-1954 - 7-5-2004), chúng tôi được tin Đại tướng về thăm và nghỉ dưỡng tại Đồng Nai.
Cuối tháng 12-2003, giữa lúc nhân dân cả nước đang náo nức chuẩn bị kỷ niệm 50 năm Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử (7-5-1954 - 7-5-2004), chúng tôi được tin Đại tướng về thăm và nghỉ dưỡng tại Đồng Nai.
Phóng viên Đức Việt chụp ảnh lưu niệm với Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào tháng 12-2003. |
[links(left)]Qua chỉ đạo và được sự giúp đỡ, tạo điều kiện của Tỉnh ủy, Ban biên tập Báo Đồng Nai đã phân công tôi thực hiện bài phỏng vấn Đại tướng Võ Nguyên Giáp về ý nghĩa của chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử để đăng trên số báo xuân Đồng Nai năm 2004. Tranh thủ cơ hội ngàn năm có một này, tôi đã chuẩn bị đầy đủ nội dung câu hỏi phỏng vấn và đợi Văn phòng Tỉnh ủy xếp lịch cho chúng tôi gặp gỡ Đại tướng.
Được sự giúp đỡ và hết lòng tạo điều kiện của các anh trong Văn phòng Tỉnh ủy về mặt thời gian, cuộc phỏng vấn của chúng tôi với Đại tướng Võ Nguyên Giáp được diễn ra theo kế hoạch. Là một vị tướng huyền thoại, một trong những nhà chiến lược quân sự lừng danh nhất trong lịch sử nhân loại, con người và sự nghiệp của ông đã đi vào lịch sử cách mạng Việt Nam, đã được ghi tạc vào lòng dân muôn thuở không mờ phai. Tên tuổi của ông gắn liền với chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Đại thắng mùa xuân 1975, đặt dấu chấm hết cho chủ nghĩa thực dân cũ và mới trên đất nước ta. Vậy mà khi trả lời phỏng vấn của chúng tôi, ông vẫn khiêm tốn trong từng lời nói, cho rằng chiến công ấy là nhờ có sự lãnh đạo tài tình của Trung ương Đảng, Bác Hồ, của cả dân tộc Việt Nam và nghệ thuật quân sự Việt Nam trước những kẻ thù xâm lược hùng mạnh nhất.
Suốt hơn 2 giờ thực hiện cuộc phỏng vấn, được ngồi gần bên vị Đại tướng đức độ, tài ba, chúng tôi cảm thấy mình nhỏ nhoi quá. Vậy mà được trò chuyện cùng ông, thấy ông quan tâm hỏi han tỉ mỉ chuyện đời thường, chuyện nghề, hoàn cảnh, cuộc sống gia đình của từng anh em phóng viên có mặt hôm ấy, khiến cho anh em chúng tôi càng thêm xúc động và thêm lòng tin yêu, kính trọng và hứa với lòng phải sống sao cho thật xứng đáng với tấm gương của những người đi trước. Trước khi chia tay tiễn chúng tôi ra về, Đại tướng ân cần căn dặn chúng tôi là nhà báo cách mạng phải nhanh nhạy, có tâm huyết với nghề và hãy vì dân trước hết.
Đức Việt