Báo Đồng Nai điện tử
En

Giản dị mà vĩ đại...

10:10, 12/10/2013

Tháng 12-2003, lúc đó tôi là phóng viên Đài PT-TH Đồng Nai, được giao nhiệm vụ thực hiện bộ phim tài liệu nhân chuyến Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm Đồng Nai.

 

Tháng 12-2003, lúc đó tôi là phóng viên Đài PT-TH Đồng Nai, được giao nhiệm vụ thực hiện bộ phim tài liệu nhân chuyến Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm Đồng Nai.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp tiếp đoàn công tác Bộ Quốc phòng Ấn Độ tại Hội trường Tỉnh ủy Đồng Nai năm 2003.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp tiếp đoàn công tác Bộ Quốc phòng Ấn Độ tại Hội trường Tỉnh ủy Đồng Nai năm 2003.

1. Vì lý do bảo mật, thường chúng tôi chỉ được Văn phòng Tỉnh ủy báo trước lịch hoạt động của Đại tướng khoảng vài tiếng đồng hồ, có khi chỉ là vài chục phút, nên suốt nửa tháng liền, chúng tôi lúc nào cũng phải trong tư thế sẵn sàng. Thời điểm đó, Đại tướng 93 tuổi, sức đã yếu. Tuy Đại tướng vẫn còn rất minh mẫn, nhưng Ban bảo vệ sức khỏe của Đại tướng đã “ra nghị quyết” yêu cầu ông mỗi ngày chỉ làm việc, tiếp khách không đến một tiếng đồng hồ. Hơn nữa, đây là thời điểm chuẩn bị kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, ngoài lý do gắn bó với mảnh đất Đồng Nai qua những chiến công lịch sử, một trong những lý do của lần đến Đồng Nai lần này của Đại tướng là muốn nghỉ ngơi, tránh các nhà báo trong nước và quốc tế đang ùn ùn tới Hà Nội tìm ông.

Qua gần hai tuần, chúng tôi quay các hình ảnh Đại tướng đến với Văn miếu Trấn Biên, đền thờ Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, viếng Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh, thăm các cán bộ cách mạng lão thành, tiếp các đoàn khách quốc tế…

Qua các cuộc phỏng vấn, chúng tôi càng khâm phục tinh thần làm việc nghiêm túc của Đại tướng. Dù chỉ là trả lời phỏng vấn các nhà báo địa phương, ông vẫn chuẩn bị rất nghiêm túc, từ trang phục đến nội dung làm việc. Sau buổi phỏng vấn, ông còn nói chuyện thân mật với các nhà báo, chỉ bảo nhiều kinh nghiệm quý giá.

2. Những ngày làm phim về Đại tướng, điều chúng tôi hết sức cảm động và tâm đắc trong tính cách Đại tướng là ông không chỉ quan tâm tới những điều lớn lao, mà còn rất chú ý tới những con người cụ thể, nhất là những người lính.

Đại tướng luôn sống trong sự yêu quý, tôn kính của mọi người lính và ông cũng gắn bó với họ bằng cả tâm hồn mình. Chúng tôi hay nhớ về một khoảnh khắc rất cảm động trong những ngày Đại tướng ở Đồng Nai. Đó là ngày 22-12-2003, khi cả nước đang diễn ra nhiều hoạt động nhân lễ kỷ niệm 59 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, Đại tướng đến viếng Nghĩa trang liệt sĩ Đồng Nai. Tại đây, Đại tướng đã thắp nén hương trước tượng đài Tổ quốc ghi công và nghiêng mình  tưởng niệm những chiến sĩ đã hy sinh trong cuộc kháng chiến vì độc lập, tự do của dân tộc. Dáng vẻ của ông rất trầm ngâm và xúc động…

 Suốt 60 năm gắn bó với lịch sử của một quân đội anh hùng, hơn ai hết, vị Tổng tư lệnh đầu tiên và duy nhất của quân đội Việt Nam hiểu rõ giá trị của sự hy sinh. Cho nên, hễ có dịp là ông quan tâm tới những người lính của mình, dù đó là người còn sống hay đã vĩnh viễn yên nghỉ, dù đó là những cán bộ cấp cao hay chỉ là những người lính bình thường. Vì vậy, khi viếng nghĩa trang xong, bỏ qua những lễ nghi đưa đón, ông ghé lại thăm nhà bác Tư, người quản trang, cũng là một cựu chiến binh và là cha của một liệt sĩ Đoàn 10 đặc công  Rừng Sác. Ông ân cần hỏi thăm về đời sống, dặn dò ông chăm sóc mộ phần anh em liệt sĩ cho chu đáo.

 Một thí dụ khác rất tiêu biểu cho tính cách cao quý ấy của Đại tướng là sự quan tâm chu đáo của ông đến Đại tá - Anh hùng lực lượng vũ trang Trần Công An (Hai Cà), người góp phần khai sinh ra cách đánh đặc công nổi tiếng.  Năm 1998, ông Hai Cà đã được vinh dự báo cáo với Đại tướng về những chiến công của quân dân Đồng Nai. Không ai ngờ 5 năm sau, khi trở lại thăm Đồng Nai, Đại tướng đã đến tận nhà thăm ông Hai Cà. Lúc đó là thời điểm giáp năm mới 2004. Ông Hai Cà cảm động đến rơi nước mắt khi lại được cùng  người Tổng chỉ huy quân đội năm xưa, mái đầu nay cũng đã trắng xóa ôn lại những kỷ niệm chiến đấu. Đại tướng tặng ông Hai Cà một tấm thiệp chúc mừng năm mới, rồi tiến lại gần chỗ bác gái, vốn là thương binh đang ngồi trên xe lăn, tặng quà, hỏi thăm sức khỏe và tình hình chữa bệnh của bà. Đại tướng còn trang trọng đặt vòng hoa tại tượng đài Chiến thắng sân bay Biên Hòa, một biểu tượng ghi nhận những chiến công lừng lẫy của quân dân Đồng Nai trong những ngày chống Mỹ.

3. Khi Đoàn đại biểu quân sự cao cấp của Bộ Quốc phòng Ấn Độ được Đại tướng tiếp kiến tại Hội trường Tỉnh ủy Đồng Nai, Đô đốc Madhendia Singh, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Ấn Độ, kiêm Tư lệnh Hải quân Ấn Độ đã bày tỏ sự ngưỡng mộ và kính trọng sâu sắc đối với Đại tướng. Ông nói: “Đại tướng là một người mà tên tuổi và chiến công có tầm quốc tế, được nhân dân Ấn Độ rất yêu mến và khâm phục. Riêng bản thân tôi đã được học tập về tên tuổi của Đại tướng từ những ngày còn ngồi trên ghế nhà trường. Sau này, khi trở thành một sĩ quan, tôi  đã nghiên cứu và rất khâm phục các chiến lược và chiến thuật của Đại tướng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ vừa qua”. Rồi vượt qua những nghi thức ngoại giao, Đô đốc Madhendia Singh cùng các vị tướng Ấn Độ cùng đi trong đoàn đã xin chữ ký của  Đại tướng, một thần tượng mà từ lâu họ ngưỡng mộ.

Là những người trực tiếp chứng kiến lần gặp gỡ đó,  chúng tôi rất tự hào về Đại tướng Võ Nguyên Giáp -  một tên tuổi lớn được thế giới yêu mến, kính phục. Chúng tôi hiểu, điều làm Đại tướng được cả thế giới kính phục, được cả dân tộc yêu quý không chỉ vì những chiến công lừng lẫy,  mà còn vì ông có cả một tâm hồn thiết tha gắn bó với những gì tốt đẹp nhất của truyền thống văn hóa - lịch sử dân tộc, một nhân cách vĩ đại mà hết sức bình dị...

Thanh Tùng

 

Tin xem nhiều