Mỗi năm, tại Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh có hàng chục trường hợp vô gia cư nhập viện. Không có người thân, không có tiền nhưng các bệnh nhân này vẫn được chữa trị, chăm sóc tận tình.
Mỗi năm, tại Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh có hàng chục trường hợp vô gia cư nhập viện. Không có người thân, không có tiền nhưng các bệnh nhân này vẫn được chữa trị, chăm sóc tận tình.
Từ giữa tháng 8 đến nay, khoa ngoại Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh ồn ào hơn bình thường vì có một bệnh nhân bị tâm thần đang nằm điều trị tại đây. Đó là trường hợp của bệnh nhân Tằng Sìu Dánh, 43 tuổi, được người đi đường đưa vào bệnh viện cấp cứu trong tình trạng rất nguy kịch.
* Chăm sóc tận tình
Bác sĩ Dương Quang Thi, Trưởng khoa ngoại Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh, cho biết bệnh nhân Dánh nhập viện trong tình trạng đau bụng dữ dội. Dù biết ông Dánh là người lang thang, không có người thân nhưng các bác sĩ vẫn tận tình cấp cứu, chẩn đoán ông bị thủng dạ dày. Đây là ca phẫu thuật khó nên bệnh viện đã chuyển ông lên Bệnh viện đa khoa Đồng Nai. Sau khi mổ xong, qua cơn nguy kịch, ông Dánh được chuyển về lại Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh để chăm sóc. Tại đây, ngoài được chữa trị bệnh miễn phí, ông còn được các y, bác sĩ và nhân viên của bệnh viện chăm lo cho ăn uống, vệ sinh cá nhân.
Bác sĩ Nguyễn Văn Thạch khám bệnh cho bệnh nhân Cồ Huy Hồng. |
Ông Đỗ Thiên Tài, ở ấp 6, xã Xuân Bắc (huyện Xuân Lộc), bệnh nhân đang điều trị tại khoa ngoại, cho biết các bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên ở khoa này giúp đỡ cho ông Dánh rất tận tình, cho ăn uống đàng hoàng. Vì vậy, thân nhân, bệnh nhân trong khoa cũng không ngần ngại giúp đỡ một tay. Người cho hộp sữa, hộp bánh, người cho trái cây... Bây giờ ông Dánh đã khỏe và có thể đi khắp phòng bệnh để chọc ghẹo mọi người.
Đến nay, 97 bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh đã trực tiếp hiến 97 đơn vị máu cứu sống nhiều bệnh nhân qua cơn nguy kịch. Trong đó, dược sĩ Hồ Văn Thúc có 45 lần hiến máu cấp cứu bệnh nhân, điều dưỡng Phạm Thị Dân đã 22 lần hiến máu... |
Tại khoa nội Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh cũng đang điều trị bệnh cho ông Cồ Huy Hồng, bệnh tâm thần sống lang thang. Vừa khám bệnh cho ông Hồng, bác sĩ Nguyễn Văn Thạch, Trưởng khoa nội vừa kể, cách đây 1 tuần, ông Hồng được đưa vào bệnh viện do bất tỉnh nằm lăn lóc ven đường, người lấm lem bùn đất, cáu bẩn. Ông Hồng bị suy kiệt nặng, chân tay lở loét do nhiễm trùng da. Dù biết ông Hồng vô gia cư, nhưng các bác sĩ vẫn điều trị thuốc tốt để ông mau hồi phục sức khỏe. Ông còn được cho ăn uống miễn phí, tắm rửa sạch sẽ, gọn gàng.
* Mỗi ngày làm một việc tốt
Bác sĩ Sử Sơn, Giám đốc Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh, cho biết hiện nay, sức khỏe của 2 bệnh nhân nêu trên đều đã ổn định và chuẩn bị xuất viện. Bệnh viện sẽ chuyển họ lên Bệnh viện tâm thần Trung ương 2 để tiếp tục được chăm sóc và điều trị. Để chăm sóc tốt cho các bệnh nhân này phải kể đến sự tận tâm của các nhân viên hộ lý trong bệnh viện, như: Nguyễn Thị Nương, Trần Thị Yên, Đỗ Thị Hiên, Nguyễn Thị Tiên, Nguyễn Đan Thư, Nguyễn Thị Sim... Họ đã không ngại khó, dơ bẩn để tắm gội, thay quần áo, đút cơm cho những bệnh nhân không thân nhân, không nhà cửa như ông Dánh, ông Hồng.
Hộ lý Nguyễn Thị Sim cho bệnh nhân Tằng Sìu Dánh uống sữa. |
Bác sĩ Sử Sơn cho biết, Bác Hồ từng dạy: “Lương y như từ mẫu”, để học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác, Đảng bộ Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh đã phát động phong trào ”Mỗi ngày làm một việc tốt vì bệnh nhân” với mong muốn, nâng cao ý thức trách nhiệm và lòng nhiệt tình của đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên bệnh viện vì bệnh nhân. Do đó, từng người, từng khoa, phòng đều có việc làm cụ thể trong từng lĩnh vực mình được phân công để hưởng ứng phong trào, như: hiến máu cứu bệnh nhân, cấp thuốc cho bệnh nhân trong ngày, khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho người nghèo, không nhận phong bì của bệnh nhân...
Trong đó, việc chăm sóc, chữa trị cho bệnh nhân nghèo, không có thân nhân là một trong những nội dung làm theo lời Bác khá hiệu quả. Tại Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh, những bệnh nhân nghèo, neo đơn được chăm sóc chu đáo, ăn uống miễn phí, khi khỏi bệnh được bệnh viện điều xe đưa về nhà, nếu qua đời bệnh viện tổ chức mai táng. Hàng tháng, mỗi cán bộ viên chức của bệnh viện đều ủng hộ 10-50 ngàn đồng vào quỹ “Nồi cháo tình thương” để cấp miễn phí cho bệnh nhân nghèo, neo đơn, không có thân nhân.
Ngọc Thư
Cần tiêu chí đánh giá đại biểu
Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Đồng Nai vừa có kiến nghị gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội sớm chỉ đạo việc xây dựng và ban hành Bộ tiêu chí làm cơ sở để nhận xét, đánh giá hoạt động của ĐBQH, Đoàn ĐBQH, nhất là đại biểu chuyên trách ở địa phương. Đây là kiến nghị đang nhận được sự đồng tình của rất nhiều đại biểu và nhất là cử tri bởi thực tế cho thấy từ trước đến nay, ĐBQH hoạt động tích cực hay không tích cực không hề được bình xét, kiểm điểm. Điều này dù ít hay nhiều dẫn đến tình trạng cào bằng trong hoạt động của đại biểu, đại biểu không làm “tròn vai” cũng không bị nhắc nhở gì.
Phó chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Đỗ Hải Yến cho hay, gần đây, văn phòng đã tiến hành thống kê số lượt tham gia của ĐBQH Đồng Nai đối với các hoạt động của Quốc hội, HĐND. Thống kê này giúp đại biểu nắm được nội dung công việc mà mình đã tham gia để có sự sắp xếp, bố trí phù hợp nhằm phát huy được vai trò, trách nhiệm của người đại biểu. Bên cạnh đó, cũng thông qua việc thống kê này, Đoàn ĐBQH còn giúp MTTQ tỉnh giám sát được tốt hơn đại biểu do cử tri tỉnh nhà bầu lên để có căn cứ trả lời cử tri về hoạt động cụ thể của từng đại biểu.
Rõ ràng là hoạt động của các ĐBQH Đồng Nai đang đi vào thực chất hơn, từng bước được cử tri tin tưởng, kỳ vọng. Bởi thực tế, không chỉ cử tri Đồng Nai mà cử tri cả nước đã rất quen thuộc và chờ đợi vào những câu hỏi chất vấn có trách nhiệm của các ĐBQH Đồng Nai, như Dương Trung Quốc, Trương Văn Vở... tại kỳ họp Quốc hội. Báo cáo của Ban Công tác ĐBQH trong 6 tháng đầu năm 2013 đã đánh giá khá cao hoạt động giám sát, chất vấn và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của Đoàn ĐBQH Đồng Nai. Các ĐBQH Đồng Nai cũng tham gia khá tích cực vào các đoàn khảo sát, giám sát của các cơ quan của Quốc hội và HĐND tỉnh.
Chính sự chuyển biến tích cực trong hoạt động của Đoàn ĐBQH đòi hỏi các ĐBQH, nhất là ĐBQH không chuyên trách phải có sự chủ động sắp xếp, bố trí công việc để thực hiện tốt nhiệm vụ của mình. Bởi không thể xảy ra tình trạng ở kỳ họp nào, cử tri cũng chỉ thấy vài đại biểu trong số 11 ĐBQH của Đồng Nai tham gia thảo luận, chất vấn. Tất nhiên, đây mới chỉ là các hoạt động bề nổi, cử tri dễ thấy trong hoạt động của Quốc hội. Còn rất nhiều hoạt động khác của Quốc hội cần sự tham gia đóng góp của ĐBQH, như: làm luật, giám sát, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân… Do đó, hiệu quả của người đại biểu dân cử cần được đánh giá bằng những tiêu chí cụ thể, giúp cử tri giám sát được tốt hơn người đại diện mà mình bầu ra.
Nguyễn Phượng