Báo Đồng Nai điện tử
En

Đổi thay ở sóc Bon Gõ

10:08, 26/08/2013

Cách đây gần 20 năm, người Châu Mạ ở xã Thanh Sơn, huyện Tân Phú sinh sống rải rác ven suối, ven rừng, đã được tập trung về sống ở khu định cư, định canh ấp Bon Gõ (hay còn gọi là sóc Bon Gõ). Nhờ đó, đời sống của bà con ngày càng ổn định, thoát khỏi cảnh đói cơm, đói chữ.

Cách đây gần 20 năm, người Châu Mạ ở xã Thanh Sơn, huyện Tân Phú sinh sống rải rác ven suối, ven rừng, đã được tập trung về sống ở khu định cư, định canh ấp Bon Gõ (hay còn gọi là sóc Bon Gõ). Nhờ đó, đời sống của bà con ngày càng ổn định, thoát khỏi cảnh đói cơm, đói chữ.

Các con đường vào sóc Bon Gõ hiện nay đều được bê tông nhựa nóng. Ven đường là những cánh đồng lúa rộng mênh mông. Những căn nhà sàn xập xệ không còn nữa, thay vào đó là những căn nhà xây dựng kiên cố, điện được kéo về đến tận nhà. 

* Qua rồi thời cơ cực

Ông K’Khái năm nay đã 92 tuổi nhưng vẫn còn minh mẫn và khỏe mạnh. Ông kể, hồi trước sống ở rừng, phát rừng làm rẫy bữa đói, bữa no, cả năm không biết đến chợ, có ai đau bệnh thì tổ chức cúng thần chứ nào biết trạm xá, bệnh viện ở đâu. Nay nhờ Nhà nước cho nhà ở, điện thắp sáng, nước sạch. Ốm đau cũng được chữa trị chu đáo, con cháu được học hành đến nơi đến chốn nên bà con ai cũng phấn khởi.

Người dân ở sóc Bon Gõ với niềm vui trúng mùa lúa hè - thu.
Người dân ở sóc Bon Gõ với niềm vui trúng mùa lúa hè - thu.

Theo lãnh đạo UBND xã Thanh Sơn, sóc Bon Gõ có 80 hộ dân thì có đến 54 hộ dân đã được Nhà nước hỗ trợ xây nhà ở kiên cố. Hơn 1.300m đường trong ấp đã được bê tông nhựa nóng với tổng kinh phí trên 270 triệu đồng. Tại khu định canh, định cư cũng có 2 công trình nước sạch để phục vụ sinh hoạt của bà con. Hiện nay, nhiều hộ gia đình khá lên cũng đã tự khoan giếng để sử dụng. Hầu hết các hộ dân đều có bồn chứa nước sạch và nhà vệ sinh riêng từ nguồn kinh phí do Nhà nước hỗ trợ.

Ông Nguyễn Hữu Hiệp, cán bộ phụ trách tôn giáo, dân tộc xã Thanh Sơn, cho biết điều đáng mừng là người dân ấp Bon Gõ ngày càng quan tâm đầu tư cho con em học hành. Trước đây, rất ít trường hợp học hết THPT, thì nay nhiều gia đình cho con học lên đến đại học, cao đẳng, như: Ka Hiềng, Ka Hon đang học ở Trường đại học sư phạm TP.Hồ Chí Minh; Ka Thơm, Ka Trà My đang học điều dưỡng ở Trường cao đẳng y tế Đồng Nai…

* Chí thú làm ăn

Ông K’Mãn, Trưởng ấp Bon Gõ, cho hay đa số bà con trong sóc đều có đất sản xuất. Trung bình mỗi hộ có từ 2-3 sào đất ruộng, ngoài ra mỗi hộ cũng có từ 5 sào đến 7 hécta đất rẫy trồng tràm, trồng điều. Đặc biệt, từ khi Nhà nước có chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở vùng này thì đời sống của bà con đỡ hơn trước rất nhiều. Từ làm ruộng chỉ 2 vụ/năm đến nay đã trồng thêm 1 vụ bắp đông - xuân nên thu nhập của bà con hàng năm cũng tăng lên.

Ông Nguyễn Văn Cường, Chủ tịch UBND xã Thanh Sơn, cho biết so với khoảng 20 năm trước, đời sống đồng bào dân tộc thiểu số Châu Mạ ở Thanh Sơn thay đổi rất nhiều. Thực hiện chương trình 134, 135 giai đoạn 1 và giai đoạn 2 của Chính phủ và các nguồn vận động khác, UBND xã đã đầu tư xây dựng nhà cửa, bê tông hóa đường nông thôn, hỗ trợ phát triển sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số Châu Mạ ở sóc Bon Gõ. Nhờ đó, nhiều hộ nghèo dân tộc thiểu số được xây dựng nhà ở, có điều kiện đầu tư chăm sóc ruộng vườn, có vốn chăn nuôi phát triển kinh tế gia đình.

Bên cạnh đó, người dân ở Bon Gõ còn được Nhà nước hỗ trợ giống lúa, giống bắp; hướng dẫn cách trồng trọt nên những năm gần đây bà con thu hoạch lúa, bắp đều cho năng suất cao. Mùa lúa hè - thu năm nay, bà con trong vùng trồng lúa được mùa. Như nhà ông K’Mãn có 2,5 sào lúa cũng thu được gần 8 tạ lúa. Nhiều nhà phải bán bớt lúa vì không có chỗ chứa.

Trong sóc Bon Gõ cũng xuất hiện nhiều hộ gia đình chăm chỉ lao động, chí thú làm ăn, thoát nghèo, như: K’Minh, K’Điệp, K’Hải, K’Bô, K’Tẻo, K’Tiểu... Ông K’Hải cho biết, từ nguồn vốn vay của Nhà nước, ông đã mua được xe máy, mua trâu để cày ruộng và mua được máy xới để đi cày thuê cho bà con trong vùng. Nhờ đó mà gia đình ông thoát khỏi cái đói, cái nghèo, 4 người con của ông đều được đến trường.

Trưởng ấp Bon Gõ K’Mãn phấn khởi cho biết, qua rồi cái thời cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc. Bây giờ, đồng bào dân tộc thiểu số Châu Mạ ở xã Thanh Sơn không chỉ đủ ăn, đủ mặc mà nhiều nhà còn được ăn ngon, mặc đẹp.

Ngọc Thư

 

 

 

Tin xem nhiều