Báo Đồng Nai điện tử
En

Độc đáo Di chúc Bác Hồ

07:08, 31/08/2013

Kỷ niệm 44 năm ngày mất Chủ tịch Hồ Chí Minh (2-9-1969 – 2-9-2013), Trung tâm Văn miếu Trấn Biên đã tổ chức tọa đàm về “Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh và việc học tập, làm theo Di chúc của Người”.

Kỷ niệm 44 năm ngày mất Chủ tịch Hồ Chí Minh (2-9-1969 – 2-9-2013), Trung tâm Văn miếu Trấn Biên đã tổ chức tọa đàm về “Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh và việc học tập, làm theo Di chúc của Người”.

Các đoàn viên thanh niên chia sẻ suy nghĩ về Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Các đoàn viên thanh niên chia sẻ suy nghĩ về Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: P.Hằng

Tại buổi tọa đàm, TS. Huỳnh Văn Tới, Ủy viên Ban TVTU, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã cung cấp nhiều thông tin độc đáo về Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tài liệu “Tuyệt đối bí mật”

Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Huỳnh Văn Tới cho biết, Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh do chính Chủ tịch Hồ Chí Minh viết. Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt đầu viết Di chúc mà Người gọi là “Tài liệu tuyệt đối bí mật” vào ngày 10-5-1965, dịp Người tròn 75 tuổi. Theo cuốn hồi ký của đồng chí Vũ Kỳ “Bác Hồ viết Di chúc như thế nào”, thì Bác Hồ đã chọn đúng lúc 9 giờ - giờ đẹp nhất của một ngày; chọn đúng vào lúc sức khỏe tốt để viết về ngày ra đi của mình. Rồi từ đó, cứ vào dịp sinh nhật mình, Bác lại tìm sự vắng lặng để chỉnh sửa Di chúc. Mỗi lần chỉnh sửa, Bác cẩn trọng từng từ, từng câu, thêm bớt các nội dung, bổ sung ý nghĩa để phù hợp từng giai đoạn, thời kỳ của đất nước. Mỗi lần chỉnh sửa Bác đều ký tên.

Bản Di chúc của Bác là “Tài liệu tuyệt đối bí mật” theo cách gọi của Bác, nhưng lại được Bộ Chính trị công bố rộng rãi ngay trong Quốc tang ngày 9-9-1969 tại Quảng trường Ba Đình, Thủ đô Hà Nội do Tổng bí thư Lê Duẩn đọc. Từ đó, “Tài liệu tuyệt đối bí mật” của Chủ tịch Hồ Chí Minh được Bộ Chính trị gọi là Di chúc.

Phải làm trái ý Bác

Có mặt tại buổi tọa đàm, Nguyễn Thành Nhân, đoàn viên thanh niên Tổng công ty công nghiệp thực phẩm Đồng Nai, bày tỏ học tập và làm theo Di chúc của Người, thế hệ trẻ Đồng Nai luôn phải ra sức học tập và rèn luyện. Riêng bản thân tôi sẽ học Bác ở đức tính cần, kiệm, liêm, chính; trong đó chú trọng việc thực hành tiết kiệm cho công ty và gia đình.

Trong Di chúc, Bác căn dặn: “Sau khi tôi qua đời, không tổ chức phúng điếu linh đình, lãng phí thời gian và tiền bạc của nhân dân. Thi hài tôi xin được hỏa táng. Tro hỏa táng chia làm 3 phần, bỏ vào 3 hộp sành cho 3 miền Bắc, Trung, Nam. Mỗi hộp tro hỏa táng chôn trên một quả đồi, không dựng tượng đồng, bia đá trên đó. Ai đến thăm thì nên trồng một cây làm bóng mát cho đời”.

Tuy nhiên, khi Bác qua đời, Bộ Chính trị đã quyết định giữ thi hài của Bác để nhân dân cả nước vẫn được nhìn thấy Bác, cho dù Bác đã đi vào cõi vĩnh hằng. TS.Huỳnh Văn Tới cho rằng, Bộ Chính trị phải làm trái ý Bác trong việc giữ lại thi hài Bác cũng là vì nhân dân, giúp nhân dân được thể hiện tấm lòng của mình đối với Bác. Hiện nay, mỗi năm có 30 triệu lượt khách trong và ngoài nước đến viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Bác ra đi đến nay đã 44 năm. 44 năm sau ngày Di chúc của Bác được công bố, chúng ta vẫn nhìn thấy tầm thời đại trong mỗi lời thiêng liêng Người để lại. “Noi gương Người, toàn thể nhân dân ta, thanh niên ta nguyện ra sức trau dồi thành những con người mới, làm chủ đất nước, làm chủ xã hội mới, mang lá cờ bách chiến bách thắng của Hồ Chủ tịch tới đích cuối cùng” - TS. Huỳnh Văn Tới nhấn mạnh.

Phương Hằng

 

 

 

Tin xem nhiều