Báo Đồng Nai điện tử
En

Phát huy hơn nữa vai trò của Công đoàn

10:07, 28/07/2013

Từ ngày 27 đến 30-7, tại thủ đô Hà Nội diễn ra Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XI (nhiệm kỳ 2013-2018).

Từ ngày 27 đến 30-7, tại thủ đô Hà Nội diễn ra Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XI (nhiệm kỳ 2013-2018).  Đại hội là dịp để đội ngũ đoàn viên, cán bộ, công chức, viên chức, công nhân, lao động cả nước khẳng định quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức, ra sức thi đua trong lao động, sản xuất, công tác, góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Dịp này, đồng chí Đặng Ngọc Tùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã dành cho phóng viên Báo Đồng Nai cuộc phỏng vấn về những yêu cầu mới đặt ra với tổ chức Công đoàn. Đồng chí Đặng Ngọc Tùng cho biết:

- Hoạt động Công đoàn trong nhiệm kỳ vừa qua đã có nhiều đổi mới, với phương châm hướng về cơ sở, tạo điều kiện cho Công đoàn hoạt động, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động. Công đoàn đã góp tiếng nói quan trọng vào sửa đổi Bộ luật Lao động mới, trong đó có nhiều điều khoản mới, như: nâng thời gian nghỉ thai sản của lao động nữ từ 4 tháng lên 6 tháng, không tăng thời gian làm thêm giờ, tăng ngày nghỉ có hưởng lương, đặc biệt là quy định mới mức lương tối thiểu phải đảm bảo điều kiện sống tối thiểu của người lao động.

 Trên thực tế, cán bộ Công đoàn vẫn còn bị hạn chế trong quyền hạn, đồng chí nghĩ gì về điều này?

- Để cán bộ Công đoàn hoạt động thoải mái và hiệu quả nhất, thời gian qua Công đoàn các cấp đã tập hợp nhiều ý kiến, kiến nghị Quốc hội sửa đổi Bộ luật Công đoàn mới cho phù hợp với thực tiễn, trong đó đưa vào những điều khoản quy định rõ ràng về quyền của người cán bộ Công đoàn phải được chủ doanh nghiệp tôn trọng. Khi có quy định rõ ràng, cán bộ Công đoàn sẽ an tâm thực hiện quyền của mình mà chủ doanh nghiệp không thể viện bất cứ lý do nào để sa thải hoặc đuổi việc.

Đời sống người lao động còn khó khăn

Chính sách tiền lương tuy đã được điều chỉnh, bổ sung nhưng chưa được cải tiến, đổi mới cơ bản nên còn nhiều mâu thuẫn và bất hợp lý, rõ nhất là mức lương tối thiểu thấp, chỉ đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu sống tối thiểu của người lao động; chưa khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức, người lao động phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ; tiền lương của cán bộ lãnh đạo, quản lý ở một số doanh nghiệp quá cao so với hiệu quả sản xuất - kinh doanh, tạo ra sự bất hợp lý và khoảng cách thu nhập lớn trong xã hội. Do tiền lương, thu nhập thấp nên đời sống của số đông người lao động còn khó khăn.

(Trích Dự thảo báo cáo của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa X tại Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XI)

Hiện nay, lương của công nhân lao động ở các khu công nghiệp, khu chế xuất còn quá thấp. Công đoàn sẽ tham gia như thế nào để giúp công nhân tăng lương, ổn định cuộc sống, thưa đồng chí?

- Đúng là lương của người lao động, đặc biệt là công nhân ở các khu công nghiệp, khu chế xuất hiện nay còn thấp, chỉ từ 2,5 - 4,5 triệu đồng/tháng. Lương mới chỉ đáp ứng được gần 70% đời sống tối thiểu của người lao động. Thời gian tới, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ tiếp tục cùng với Bộ Lao động - thương binh và xã hội có những đề xuất, kiến nghị với Chính phủ trong việc đẩy nhanh lộ trình cải cách tiền lương, bởi vì tiền lương và tiền công chính là cơ sở mấu chốt để xây dựng chế độ lao động hài hòa, tiến bộ.

 Đồng chí có thể cho biết những vấn đề được coi là quan trọng nhất sẽ tập trung thảo luận tại Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XI?

Công nhân Công ty Taekwang Vina  (Khu công nghiệp Biên Hòa 2) trong giờ làm việc.
Công nhân Công ty Taekwang Vina (Khu công nghiệp Biên Hòa 2) trong giờ làm việc.

- Đại hội lần này sẽ tập trung thảo luận nhiều vấn đề quan trọng, nhưng quan trọng nhất vẫn là phải đề ra được các giải pháp để tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò của Công đoàn nhằm  đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng người lao động, tập trung xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, tiến bộ. Công đoàn từ trung ương tới cơ sở phải phát động và thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, lao động sản xuất giỏi, lao động sáng tạo để cùng cả nước vượt qua khó khăn, đóng góp ngày càng lớn vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước.

 Đồng chí đánh giá như thế nào về hoạt động của tổ chức Công đoàn tỉnh Đồng Nai trong thời gian qua?

- Đồng Nai là tỉnh công nghiệp lớn, rất đông công nhân, đặc biệt là công nhân nhập cư, do đó Công đoàn ở đây có vai trò rất lớn trong việc đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng cho người lao động. Thời gian qua, mặc dù kinh tế lâm vào suy thoái kéo dài, ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập và đời sống của người lao động nhưng quan hệ lao động ở Đồng Nai vẫn giữ được sự hài hòa, hạn chế được các vụ đình công, lãn công…

 Xin cảm ơn đồng chí!

Trước khi lên đường ra Hà Nội dự đại hội, các đại biểu đoàn Đồng Nai đã  cho biết ý kiến của mình về đại hội.

Ông Huỳnh Tấn Kiệt, Ủy viên Ban TVTU, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh, Trưởng đoàn đại biểu Đồng Nai dự Đại hội Công đoàn Việt Nam  lần thứ XI: Đề xuất nhiều vấn đề nóng

Đoàn đại biểu Đồng Nai sẽ đóng góp tại đại hội 2 tham luận liên quan đến hoạt động hỗ trợ lao động tham gia kiện tại tòa án để đòi quyền lợi và hỗ trợ tư vấn pháp luật cho công nhân lao động. Đoàn cũng sẽ kiến nghị nhiều vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích của người lao động hiện nay, như: giải pháp xử lý triệt để tình trạng nợ bảo hiểm xã hội, xây dựng Đề án về chiến lược phát triển giai cấp công nhân Việt Nam, một số chế độ liên quan đến cán bộ Công đoàn.

Ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch Công đoàn khu công nghiệp: Kiến nghị về lương tối thiểu

Với tư cách là đại biểu dự đại hội, tôi sẽ kiến nghị về việc xây dựng mức lương tối thiểu phải đảm bảo được mức sống tối thiểu của người lao động. Tôi cũng sẽ kiến nghị với các bộ, ngành liên quan giải quyết các vấn đề an sinh cho công nhân, như: nhà ở xã hội, trường mầm non cho con công nhân, xe đưa rước, xây dựng các thiết chế văn hóa phục vụ sinh hoạt của công nhân các khu công nghiệp.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Ẩn, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.Biên Hòa: Công nhân khó “với” tới nhà ở xã hội

Vừa qua Chính phủ ban hành gói hỗ trợ 30 ngàn tỷ đồng để người có thu nhập thấp có thể mua hoặc thuê nhà ở xã hội, tuy nhiên thu nhập của công nhân hiện nay chỉ từ 3 - 4 triệu/tháng, rất khó “với” tới nhà ở xã hội. Do đó, Nhà nước nên có giải pháp thực tế hơn với người thu nhập thấp thực sự như công nhân các khu công nghiệp. Chính phủ nên có nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả hơn, vì sự sống còn của doanh nghiệp có liên quan thiết thực đến việc làm và đời sống công nhân.

Thành Nam (ghi)

 

Công Nghĩa (thực hiện)

 

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều