Tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội đã dành trọn ngày 7-6, để thảo luận tại Hội trường về sử dụng nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ..
Tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội đã dành trọn ngày 7-6, để nghe và thảo luận tại Hội trường về kết quả giám sát việc thi hành Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTL, CLP) trong sử dụng nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ cho đầu tư xây dựng cơ bản giai đoạn 2006-2012.
* Sử dụng nguồn vốn Trái phiếu vẫn còn một số hạn chế, bất cập
Nhiều đại biểu đã đồng tình với các nội dung phân tích, đánh giá của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) về kết quả giám sát việc thi hành Luật THTK, CLP trong sử dụng nguồn vốn TPCP cho đầu tư xây dựng cơ bản giai đoạn 2006 - 2012. Theo đó, việc QH, Ủy ban TVQH, Chính phủ quyết định chủ trương phát hành TPCP cho đầu tư các công trình, dự án quan trọng giai đoạn 2006 - 2012 là đúng đắn, góp phần quan trọng nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH, tác động tích cực tới sự phát triển KT-XH của đất nước nói chung và của từng địa phương nói riêng.
Chủ nhiệm Ủy ban tài chính, ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển trình bày báo cáo tại kỳ họp |
Tuy nhiên, việc thực hiện Luật THTK, CLP trong sử dụng nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2006 - 2012 còn một số hạn chế, bất cập. Ý kiến các đại biểu tập trung nhấn mạnh nguyên nhân thất thoát, là chất lượng công tác quy hoạch chưa tốt, tình trạng quy hoạch chồng lấn, quy hoạch chậm. Giữa quy hoạch ngành, quy hoạch xây dựng của từng dự án cụ thể chưa có sự gắn kết để tránh lãng phí nguồn lực đầu tư. Bên cạnh đó, các văn bản hướng dẫn về tiêu chí để rà soát các hạng mục công trình để đầu tư từ nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ thiếu cụ thể, thời gian để các địa phương rà soát quá gấp, nhất là giai đoạn đầu của chương trình kiên cố hóa trường lớp học phải điều chỉnh nhiều lần.
Một số đại biểu nêu rõ, trong quá trình thực hiện Luật THTK, CLP trong sử dụng nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2006 - 2012, thực tế cho thấy nguồn lực được phân bổ hàng năm chưa đáp ứng được nguồn vốn các dự án, công trình phê duyệt. Do đó ở nhiều địa phương, lĩnh vực, kết quả đạt được chưa tương xứng với nguồn lực đầu tư, không ít nơi số dự án còn dở dang chiếm tỷ lệ lớn, diễn ra tình trạng bố trí vốn dàn trải, bố trí vốn chưa đáp ứng tiến độ thực hiện dự án, bị chậm tiến độ, nợ đọng trong xây dựng cơ bản gây thất thoát, lãng phí. Số dự án phải điều chỉnh tổng mức đầu tư là khá phổ biến. Các đại biểu đề nghị báo cáo đánh giá của Ủy ban TVQH cần đề cập thật rõ nguyên nhân do lỗi chủ quan trong quá trình thực hiện các khâu của dự án đầu tư. Một số đại biểu nhấn mạnh, báo cáo giám sát chưa chỉ ra được địa chỉ cụ thể gây thất thoát, lãng phí, việc xử lý các sai phạm trong thực hiện Luật THTK, CLP trong sử dụng vốn Trái phiếu Chính phủ thời gian qua cũng chưa được thực hiện nghiêm túc. Vì vậy, cần tiến hành thanh tra, kiểm tra việc sử dụng nguồn vốn vừa qua, nêu cụ thể trách nhiệm người có thẩm quyền.
Một số đại biểu đề cập thực tế vừa qua, cơ chế phân bổ vốn Trái phiếu Chính phủ chưa hợp lý, không có tiêu chí phân bổ cụ thể mà phân bổ theo dự án, dẫn tới chưa thật sự công bằng giữa các vùng, miền, giữa các địa phương, dễ tạo ra cơ chế xin - cho. Các đại biểu cho rằng, "gốc rễ" vốn Trái phiếu Chính phủ cũng là tiền vay của dân, lại phân bổ dàn trải, phần không mong muốn lại mở rộng tăng lên cả về mục tiêu, số lượng, dự án, tổng mức đầu tư. Ðiều đó đã dẫn đến nhiều dự án triển khai dở dang phải đình hoãn, giãn, chuyển mục đích đầu tư, gây thất thoát, lãng phí. Vì vậy, QH cần làm tốt hơn nữa việc sửa đổi luật, Chính phủ làm tốt công tác chỉ đạo, điều hành, và các bộ, ngành phải làm tốt công tác tham mưu cũng như các tỉnh, thành phố làm tốt hơn công tác quản lý ở địa phương. Qua đó hạn chế những yếu kém như vừa qua.
Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng phát biểu tại phiên thảo luận |
Nhiều ý kiến cho rằng, một trong những mục tiêu chính, quan trọng của QH là ưu tiên đầu tư cho giao thông, thủy lợi khu vực miền núi. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, tỷ lệ phân bổ vốn Trái phiếu Chính phủ cho các tỉnh miền núi khó khăn chiếm tỷ trọng không cao, vốn bố trí thấp hơn rất nhiều so với các địa phương không thuộc địa bàn được ưu tiên bố trí vốn.
Trong ngày làm việc, một số Bộ trưởng liên quan đã tham gia phát biểu ý kiến, thừa nhận rằng, các đại biểu QH đã thẳng thắn chỉ ra những thiếu sót, bất cập trong việc tổ chức thực hiện Luật THTK, CLP trong sử dụng nguồn vốn TPCP cho đầu tư xây dựng cơ bản giai đoạn 2006-2012. Ðồng thời xin tiếp thu để tiếp tục chỉ đạo sử dụng nguồn vốn này hiệu quả hơn. Các Bộ trưởng cũng giải trình, làm rõ thêm những vấn đề mà các đại biểu QH quan tâm.
Qua thảo luận, nhiều đại biểu nhất trí đề nghị QH ban hành nghị quyết về kết quả giám sát việc thi hành Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2006 - 2012.
* Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật
Thời gian tới, theo các đại biểu, QH cần sớm xem xét sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan việc THTK, CLP để tạo sự thống nhất trong quá trình tổ chức thực hiện, khắc phục những bất cập, hạn chế mà báo cáo giám sát đã nêu. Ðồng thời, đề nghị QH sớm sửa đổi đồng bộ Luật THTK, CLP, Luật Ðấu thầu, Luật Xây dựng, Luật Ðất đai, ban hành Luật Ðầu tư công gắn với THTK, CLP theo hướng pháp điển hóa, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, tránh trùng lắp giữa các văn bản liên quan, khắc phục các khiếm khuyết trong hệ thống văn bản. Bên cạnh đó, cần cụ thể hóa tối đa các quy định liên quan nhằm tạo căn cứ pháp lý đầy đủ cho tổ chức thực hiện, tránh vận dụng tùy tiện gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước. Mặt khác, cần rà soát, bãi bỏ các quy định không còn phù hợp, các quy định vượt thẩm quyền.
Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Bùi Quang Vinh giải trình thêm tại kỳ họp |
Tại kỳ họp này, QH cũng sẽ cho ý kiến sửa đổi Luật THTK, CLP. Một số đại biểu cho rằng, dự thảo luật lần này cần quy định rõ hơn về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức và những người liên quan vi phạm trong đầu tư xây dựng cơ bản, bổ sung nội dung các biện pháp thực hiện công khai, minh bạch trong quản lý và sử dụng tài sản vốn và chế tài xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Ðại biểu một số địa phương đề nghị Chính phủ sửa đổi Quyết định số 60 nêu các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2011 - 2015. Theo đó, các địa phương phải bố trí đối ứng vốn cho các chương trình, dự án. Như vậy, đối với địa phương đang hưởng trợ cấp ngân sách T.Ư hơn 70% rất khó thực hiện, nhiều dự án cấp bách sẽ không được thực hiện ở địa phương.
Giải trình ý kiến của các đại biểu QH về kết quả việc thực hiện Trái phiếu Chính phủ trên lĩnh vực kiên cố hóa trường lớp học và nhà ở cho giáo viên, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho biết, năm 2007, trên cơ sở kiến nghị của ngành giáo dục, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo và QH chấp thuận triển khai một chương trình đặc biệt dùng Trái phiếu Chính phủ hỗ trợ các địa phương để thực hiện tăng tỷ lệ kiên cố hóa trường lớp. Qua đó, đã xây dựng thêm 93.000 phòng học, góp phần phục vụ thêm khoảng 3 triệu học sinh, nhất là những vùng khó khăn có được phòng, lớp học mới. Bên cạnh đó, đã xây dựng mới 22.997 phòng ở giáo viên, góp phần cải thiện điều kiện sống cho 88.000 giáo viên ở vùng khó khăn. Phó Thủ tướng cho rằng, theo sự chỉ đạo của QH, Thanh tra Chính phủ đã thanh tra suốt năm 2012 về vấn đề kiên cố hóa trường, lớp học. Qua thanh tra hơn 10 tỉnh, thành phố và hàng trăm dự án được xác định, tỷ lệ chi chưa đúng quy định nhà nước chiếm gần 1,7% trong tổng nguồn vốn đầu tư.
Thứ bảy, ngày 8-6, buổi sáng, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi đua, khen thưởng và thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cư trú; buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở tổ về các dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi đua, khen thưởng và Luật việc làm.
PV (tổng hợp)