Chiều 14-6, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII, thành viên Chính phủ cuối cùng đăng đàn trả lời chất vấn của các đại biểu là Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc...
Là người “chốt hạ” màn chất vấn trực tiếp các thành viên Chính phủ tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XIII, chiều 14-6, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phải đối diện với hàng loạt câu hỏi hóc búa về tăng trưởng, tái cơ cấu đầu tư công, chống tham nhũng, cải cách hành chính, “cục nợ” khổng lồ của Vinshin và Vinalines…
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời các câu hỏi của đại biểu Quốc hội |
Ngay sau báo cáo của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về tình hình kinh tế - xã hội 5 tháng đầu năm, một đại biểu (ĐB) đã tỏ ra lo ngại vì dù báo cáo nêu “kinh tế vĩ mô chuyển biến tích cực, lạm phát giảm, lãi suất thấp…”, song nhiều dự báo của các tổ chức kinh tế quốc tế lại khá bi quan về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
* Quá đề cao tăng trưởng sẽ lạm phát
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, những năm qua kim ngạch xuất khẩu luôn tăng trưởng tốt dù tổng giá trị GDP không cao, chứng tỏ Việt Nam hội nhập khá sâu. Tuy vậy, thực tế dù nóng ruột muốn hội nhập sâu hơn, nhanh hơn, song vì trải qua giai đoạn lạm phát quá dài nên sức yếu là hiển nhiên. “Tăng trưởng cao mà lạm phát cao thì vô nghĩa. Chúng ta cần tăng trưởng cao hơn, lạm phát thấp hơn và đảm bảo an sinh xã hội. Nếu quá đề cao tăng trưởng, thì có thể tái lạm phát, do đó không cần tăng trưởng nóng” – Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định.
Giải pháp mà Phó Thủ tướng đưa ra nhằm đảm bảo mục tiêu trên vẫn là thực hiện nghiêm Nghị quyết 02, đẩy nhanh xây dựng cơ bản, chuyển vốn của các dự án chậm triển khai sang các dự án cấp bách, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thúc đẩy xuất khẩu, hỗ trợ sản xuất…
* Theo dõi thường xuyên 2 dự án bauxite
Đại biểu Trần Du Lịch (TP.Hồ Chí Minh) đặt câu hỏi về 2 dự án khai thác bauxite Nhân Cơ và Tân Rai. Theo đại biểu, tính hiệu quả kinh tế của 2 dự án này là chưa thuyết phục, đề nghị Phó Thủ tướng trả lời. “Bên cạnh đó là vận chuyển bauxite. Hiện các tuyến đường bauxite đi qua là hoàn toàn quá tải và cử tri rất lo lắng. Tôi đề nghị Phó Thủ tướng làm rõ điều này” – đại biểu Trần Du Lịch chất vấn.
Trả lời chất vấn của đại biểu Trần Du Lịch, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, bauxite tại Việt Nam là nguồn tài nguyên có trữ lượng lớn và Bộ Công thương có chủ trương khai thác. “Tuy nhiên, Chính phủ chỉ đồng ý trên 3 cơ sở: đảm bảo hiệu quả kinh tế, có công nghệ tiên tiến và đảm bảo an toàn cho môi trường” – Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị Chủ tịch Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam Trần Xuân Hòa – chủ đầu tư dự án giải trình rõ hơn về vấn đề này, song Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải giải trình. Theo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, 2 dự án Tân Rai và Nhân Cơ hiện bị chậm tiến độ, đã có báo cáo chi tiết nêu lý do chậm và phương pháp tính hiệu quả kinh tế. “Bộ Công thương được giao đánh giá hiệu quả của 2 dự án. Trong quá trình đầu tư, chủ đầu tư phải thường xuyên báo cáo tiến độ, giá thị trường, nếu có bất lợi phải có phương án giải quyết, cần thiết thì phải ngưng” – Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nói.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải giải đáp các câu hỏi của đại biểu |
Về những lo lắng của cử tri đối với các tuyến đường vận chuyển bauxite, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định đã giao Tổng cục đường bộ và các địa phương lên phương án bảo đảm cho việc vận chuyển vật tư và sản phẩm của 2 dự án này. “Thời gian qua việc tu sửa đường có hơi chậm do thiếu vốn, song Bộ Giao thông và các địa phương vẫn đang cố gắng. Chúng tôi hiểu là các đại biểu vẫn chưa yên tâm về hiệu quả hinh tế, chúng tôi rất chia sẻ tâm tư này và Chính phủ sẽ theo dõi thường xuyên” – Phó Thủ tướng nói
Ngay tại buổi chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng nêu ra 4 yêu cầu đối với 2 dự án trên, bao gồm: an toàn; chất lượng, tiến độ và hiệu quả. “Khi công trình hoàn thành phải công khai báo cáo quyết toán với Quốc hội” – Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói.
* Tái cơ cấu Vinashin, Vinalines chậm tiến độ
Trả lời ý kiến của đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị) về việc làm rõ hơn tiến độ, hiệu quả của việc tái cơ cấu 2 tập đoàn khổng lồ Vinashin và Vinalines, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Vinashin thành lập từ năm 1986 và đến nay đã “đổ bể trên nhiều phương diện” và đã được xử lý nghiêm. Cụ thể, đã bắt tạm giam ông Phạm Thanh Bình và 8 cán bộ liên quan. Tại 5 địa phương đã khởi tố 18 bị can và hiện nay đang trong quá trình tố tụng. Về tái cơ cấu, đến nay, trong 216 doanh nghiệp không giữ lại, đã sắp xếp được 36 doanh nghiệp. Số lượng lao động còn giữ lại 59.999 người, giảm 41.000 người. Sau 3 năm thực hiện tái cơ cấu, Vinashin đã có kế hoạch bàn giao 170 con tàu lớn, trong đó xuất khẩu được 66 tàu với giá trị 1,215 tỷ USD. Nếu tiếp tục bàn giao những tàu còn lại sẽ tăng thêm ít nhất 10.000 tỷ đồng nữa. Chính phủ cũng đã chỉ đạo 19 ngân hàng trong nước giãn nợ cho Vinashin. Riêng 600 triệu USD mà doanh nghiệp tự vay cũng được khoanh lại. Đây là tiền đề quan trọng để tiếp tục tái cơ cấu Vinashin.
Đối với Vinalines, Phó Thủ tướng cho biết, doanh thu của doanh nghiệp này trong năm 2012 đạt 21.200 tỷ đồng, nộp ngân sách hơn 670 tỷ đồng. Năm 2013, Vinalines đã thực hiện xong thoái vốn tại 16 doanh nghiệp, cổ phần hóa 4 doanh nghiệp, hoàn thành phương án tái cơ cấu.
Nhận định quá trình tái cơ cấu đã có những bước khá khả quan, song Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vẫn thừa nhận, ngoài việc chậm tiến độ bởi nhiều khó khăn khách quan lẫn chủ quan, cả 2 tập đoàn trên vẫn đang lỗ rất nặng.
Thứ hai, ngày 17-6, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và t hảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật đất đai (sửa đổi). Phiên họp này cũng sẽ được phát thanh, truyền hình trực tiếp để đồng bào và cử tri cả nước cùng theo dõi.
Kim Ngân