Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XI) xác định: Từ nay đến năm 2016 cơ bản không tăng tổng biên chế của cả hệ thống chính trị (trừ trường hợp lập thêm tổ chức hoặc phát sinh nhiệm vụ mới).
Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XI) xác định: Từ nay đến năm 2016 cơ bản không tăng tổng biên chế của cả hệ thống chính trị (trừ trường hợp lập thêm tổ chức hoặc phát sinh nhiệm vụ mới).
Chủ trương này nhằm giảm tải nhân sự cho bộ máy của Nhà nước, song ở những địa phương đông dân và cơ quan còn thiếu cán bộ thì việc không được tăng thêm biên chế sẽ khó khăn trong thực thi nhiệm vụ.
* Ít cán bộ khó đáp ứng công việc
Theo ông Lâm Văn Nghĩa, Chánh văn phòng Tỉnh ủy, hiện nay Văn phòng Tỉnh ủy Đồng Nai có 7 phòng và 1 đơn vị trực thuộc với tổng biên chế được giao 59 cán bộ. Với đội ngũ cán bộ, công chức, người lao động như hiện tại, để đáp ứng công việc được giao là tham mưu, đề xuất, giúp việc cho Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo các nghị quyết của Đảng, nhất là những lúc cấp bách, đội ngũ văn phòng phải làm việc cả thứ bảy, chủ nhật, thậm chí cả đêm. Sắp tới theo dự kiến mới, bộ máy Văn phòng cấp ủy không còn Phòng Nội chính vì có chủ trương thành lập Ban Nội chính Tỉnh ủy. Tuy nhiên, văn phòng lại có thêm chức năng “tiếp dân” nằm trong Phòng Hành chính - tiếp dân, với tổng biên chế của văn phòng theo dự kiến mới là 45-55 cán bộ. Như vậy, đội ngũ cán bộ của văn phòng không những không được tăng thêm mà còn phải giảm đi. Để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ được giao, Văn phòng Tỉnh ủy vẫn phải cần có từ 48-58 cán bộ.
Văn phòng Tỉnh ủy khen thưởng các đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. |
Trong khi đó, ông Đặng Mạnh Trung, Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, cho hay theo dự thảo quy định của Trung ương, các đơn vị trực thuộc Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, gồm: Văn phòng, Phòng Lý luận chính trị và lịch sử Đảng, Phòng Tuyên truyền, Phòng Văn hóa - văn nghệ, Phòng Khoa giáo, với tổng biên chế 22-28 cán bộ. Số lượng biên chế này chưa phù hợp với thực tế nhiệm vụ được giao của đơn vị. Để đáp ứng công việc đề ra, biên chế của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cần tối thiểu 35 cán bộ.
* Không nên cào bằng
Ông Hồ Thanh Hồng, Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh, cho hay dự thảo Trung ương quy định biên chế cơ quan LĐLĐ cấp tỉnh từ 25-40 cán bộ, nơi có đặc thù không quá 50 cán bộ, riêng Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh không quá 68 cán bộ. Bên cạnh đó, biên chế của LĐLĐ cấp huyện từ 3-6 cán bộ, nơi có đặc thù không quá 10 người. Song hiện nay, giữa Ban Tổ chức Trung ương và Tổng LĐLĐ Việt Nam chưa thống nhất về việc giao biên chế cho LĐLĐ cấp tỉnh. Việc phân bổ biên chế cho Công đoàn ngành, Công đoàn huyện và Công đoàn khu công nghiệp cũng chưa được quy định cụ thể.
Ông Nguyễn Thành Công, Phó ban Tổ chức Tỉnh ủy, cho biết thời gian qua các đơn vị đã được giao kinh phí theo kiểu khoán, cho nên biên chế như thế nào, nhiều hay ít đều ảnh hưởng đến kinh phí của đơn vị. Cho nên ở cơ sở lúc nào cũng phải tính toán giữa kinh phí và biên chế. Vì vậy, nên tách kinh phí ra khỏi biên chế. |
Còn theo lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh, nơi nào đáp ứng đủ số lượng cán bộ theo yêu cầu thì hoạt động nơi đó ổn định. Những nơi ít cán bộ, như ở cấp huyện chỉ có 3-4 cán bộ thì chỉ việc làm báo cáo, hội họp cũng hết thời gian, chưa nói đến chuyện đi cơ sở, dẫn đến hành chính hóa trong hoạt động đoàn thể là điều khó tránh khỏi.
Theo ông Lâm Văn Nghĩa, Chánh văn phòng Tỉnh ủy, không nên cào bằng về biên chế trên phạm vi cả nước. Trung ương khi giao biên chế cho các địa phương cần căn cứ vào các tiêu chí: diện tích, dân số, số lượng đảng viên và tính đặc thù của từng địa phương để phân bổ biên chế cho hợp lý, tránh tình trạng địa phương có diện tích lớn, dân số đông mà biên chế bằng với địa phương có diện tích nhỏ, dân số ít.
Ông Đặng Mạnh Trung, Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, thì cho rằng khi giao biên chế, cần dựa trên chất lượng đội ngũ cán bộ. Nếu cán bộ có trình độ, chất lượng công việc cao thì một đơn vị có vài ba cán bộ cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Phương Hằng