Hiến pháp năm 1992 là Hiến pháp của công cuộc đổi mới và có ý nghĩa vô cùng sâu sắc. Qua hơn 20 năm thực hiện, để phù hợp với tình hình thực tiễn trong nước và quốc tế, nhất là định hướng cho mục tiêu phát triển toàn diện, bền vững của đất nước, chúng ta cần phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu mới.
Hiến pháp năm 1992 là Hiến pháp của công cuộc đổi mới và có ý nghĩa vô cùng sâu sắc. Qua hơn 20 năm thực hiện, để phù hợp với tình hình thực tiễn trong nước và quốc tế, nhất là định hướng cho mục tiêu phát triển toàn diện, bền vững của đất nước, chúng ta cần phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu mới.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai trong một phiên thảo luận tổ tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII. Ảnh: Lưu Thị Hà |
Ở Chương I, dự thảo quy định về chế độ chính trị được diễn đạt rất chặt chẽ, phù hợp với tính tất yếu, khách quan của lịch sử và kỳ vọng của nhân dân, nhất là tiếp tục khẳng định và làm sâu sắc, đầy đủ hơn bản chất, vị trí, vai trò và trách nhiệm của Đảng đối với Nhà nước, đối với xã hội và nhân dân (Điều 4) và thể hiện rõ “Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân… Quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp” (Điều 2). Điều này xuất phát từ thực tiễn của đất nước, được thể hiện qua phẩm chất, bản lĩnh và trí tuệ của Đảng Cộng sản Việt Nam, của dân tộc Việt Nam.
Thật vậy, chỉ mới sau 15 năm thành lập, Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân vượt qua muôn ngàn khó khăn, từ địa vị nô lệ, đứng lên giành lấy chính quyền về tay nhân dân, lập nên Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam châu Á; tiếp đó thực hiện thắng lợi Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, thống nhất nước nhà. Như vậy, tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân... Quyền lực Nhà nước là thống nhất, là ý nguyện của cả dân tộc, bởi lẽ xét đến cùng, mục tiêu, lý tưởng, bản chất của Đảng, của Nhà nước ta không gì khác hơn là đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và dân tộc. Tất cả vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện. Vậy thử hỏi việc hiến định quyền lực Nhà nước là thống nhất và mục tiêu, lý tưởng, bản chất của Đảng, của Nhà nước ta như thế thì có đảng phái nào, tổ chức nào lại đề ra tốt đẹp hơn?
Dự thảo Hiến pháp sửa đổi, bổ sung lần này rất sát với thực tiễn, được thể hiện rất cô đọng và công phu. Tuy nhiên, ở Chương VII, từ Điều 99 đến Điều 106 quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Chính phủ, trong đó Điều 104 (sửa đổi, bổ sung Điều 116, Điều 177) có đề cập:
1. Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ là thành viên Chính phủ và là người đứng đầu bộ, cơ quan ngang bộ, lãnh đạo công tác của bộ, cơ quan ngang bộ; chịu trách nhiệm quản lý Nhà nước về ngành, lĩnh vực được phân công.
2. Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ báo cáo công tác trước Chính phủ; thực hiện chế độ báo cáo trước nhân dân về những vấn đề quan trọng thuộc trách nhiệm quản lý.
Hiến pháp là đạo luật gốc, luật cơ bản của Nhà nước, do đó diễn đạt như trên là hơi “hào phóng” và không cần thiết, mà các nội dung này nên để Luật về tổ chức và hoạt động của Chính phủ quy định. Nguyên điều này có thể bỏ hoặc nếu cần chỉ nên lồng ghép một vài ý chính vào Điều 100 của dự thảo thì sẽ làm cho bản Hiến pháp càng chặt chẽ, khái quát và cô đọng hơn.
Tóm lại, tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân, quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan Nhà nước, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản.
ThS. Viên Hồng Tiến
(Phó trưởng ban thường trực Ban Dân vận Tỉnh ủy)