Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ Năm, Quốc hội khóa XIII, sáng 21-5, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật phòng, chống khủng bố.
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ Năm, Quốc hội khóa XIII, sáng 21-5, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật phòng, chống khủng bố.
Các đại biểu nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật phòng, chống khủng bố; đồng thời tán thành với báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý của dự thảo Luật và cho rằng, dự thảo Luật đã được nghiêm túc hoàn thiện trên cơ sở những ý kiến đóng góp của các ĐBQH. Các đại biểu đề nghị làm rõ, bổ sung thêm một số vấn đề quan trọng liên quan đến những điều, khoản của dự thảo Luật phòng, chống khủng bố.
ĐBQH tỉnh Đồng Nai Nguyễn Công Hồng phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận. Ảnh TTXVN |
Thảo luận về khái niệm "khủng bố", các đại biểu Nguyễn Văn Minh (tỉnh Bắc Kạn), Nguyễn Công Hồng (tỉnh Đồng Nai), Nguyễn Minh Kha (thành phố Cần Thơ), Nguyễn Thái Học (tỉnh Phú Yên), Phạm Hồng Hương (tỉnh Hải Dương)… đồng tình như trong dự thảo Luật. Tuy nhiên, khái niệm về "khủng bố" cần bao quát hơn để đảm bảo tính toàn diện.
Giải thích từ ngữ “tài trợ khủng bố”, một số ĐBQH đề nghị cần thiết kế lại khoản 2 (Điều 3) dự thảo Luật cho dễ hiểu, dễ nhận biết; đồng thời bổ sung các dạng hỗ trợ khác như: hỗ trợ tinh thần, kinh nghiệm, công cụ, phương tiện hoặc một số loại vật chất khác cho tổ chức, cá nhân khủng bố.
Đối với chính sách phòng, chống khủng bố (Điều 4), nhiều ĐBQH đề nghị bổ sung: chính sách khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia phòng, chống khủng bố; chính sách đối với người phát hiện hành vi khủng bố và người thân của họ; chính sách bảo vệ người thân thích của người tham gia phòng, chống khủng bố khi có căn cứ cho rằng những người đó bị đe dọa trả thù; chính sách khen thưởng khi cung cấp thông tin về khủng bố.
Về trách nhiệm, quyền hạn của người chỉ huy chống khủng bố (Điều 14), đại biểu Nguyễn Văn Minh (tỉnh Bắc Kạn), Nguyễn Anh Sơn (tỉnh Nam Đinh) nhất trí như trong dự thảo Luật, nhưng đề nghị cần làm rõ thẩm quyền của từng cấp để đảm bảo tính khả thi của Luật. Một số ĐBQH cũng cho rằng, khi chưa có quyết định người chỉ huy thì người đứng đầu cơ quan trực tiếp sẽ là người chỉ huy và đối với cấp tỉnh khi chưa có quyết định người chỉ huy thì nên để Trưởng Công an là người chỉ huy.
Liên quan đến Ban chỉ đạo phòng, chống khủng bố (Điều 9), đại biểu Nguyễn Anh Sơn (tỉnh Nam Đinh) và một số ĐBQH khác cho rằng việc thành lập các Ban chỉ đạo phòng, chống khủng bố hoạt động thường xuyên là cần thiết chứ không phải khi nào có vụ việc phát sinh mới thành lập. Tuy nhiên, cần bổ sung thêm thành phần Ban chỉ đạo ở cấp tỉnh và vai trò thường trực của Công an tỉnh.
Bàn về trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong phòng, chống khủng bố (Chương VII), nhiều đại biểu đề nghị làm rõ hơn vai trò của quân đội trong phòng, chống khủng bố bởi quy định như dự thảo còn chung chung, chưa đầy đủ, nhất là chức năng của bộ đội biên phòng. Bên cạnh đó cần làm rõ trách nhiệm của Bộ Tài chính, Hải quan và các bộ, ngành có liên quan trong nhiệm vụ phối hợp thực hiện phòng, chống khủng bố.
Góp ý trong hợp tác quốc tế về phòng, chống khủng bố (Chương VI), đại biểu Trần Đình Nhã (tỉnh Thừa Thiên Huế) và một số đại biểu khác nhất trí như trong dự thảo Luật nhưng cần quy định chặt chẽ để đảm bảo linh hoạt.
* Cũng tại phiên làm việc buổi sáng, các đại biểu Quốc hội đã nghe tờ trình của Chính phủ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng cháy, chữa cháy (PCCC);
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang đã đọc tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC. Chủ nhiệm Ủy ban quốc phòng và an ninh của Quốc hội Nguyễn Kim Khoa trình bày báo cáo thẩm tra về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật này.
Theo Tờ trình của Chính phủ, qua 10 năm triển khai thực hiện, các quy định của Luật PCCC đã thực sự đi vào đời sống xã hội, tạo cơ sở pháp lý cho việc xác định trách nhiệm của mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác phòng cháy, chữa cháy; phong trào toàn dân tham gia PCCC ngày càng được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm, chỉ đạo triển khai thực hiện và đưa công tác này trở thành nhiệm vụ của toàn dân.
Tuy nhiên, qua thực hiện, Luật đã bộc lộ một số vướng mắc, bất cập cần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và tăng cường công tác quản lý nhà nước về PCCC trong tình hình mới. Cụ thể: Luật chưa quy định cụ thể, rõ ràng trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, hộ gia đình trong việc chỉ đạo, tuyên truyền, tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật về PCCC. Luật cũng chưa quy định cụ thể, đầy đủ về điều kiện bảo đảm an toàn PCCC đối với các loại hình công trình đặc thù về cháy, nổ; quy định về trách nhiệm xây dựng phương án chữa cháy ở cơ sở và khu dân cư chưa phù hợp với yêu cầu thực tiễn của công tác phòng cháy, chữa cháy… Mặt khác, Luật chưa có sự đầu tư từ các nguồn lực khác của xã hội. Dự án Luật sẽ sửa đổi, bổ sung 12/65 điều của Luật PCCC.
Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật PCCC của Ủy ban quốc phòng và an ninh Quốc hội cũng đánh giá Luật hiện hành đã bộc lộ nhiều vấn đề bất cập, vướng mắc cần được sửa đổi, bổ sung nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy trong tình hình mới, góp phần bảo đảm cho sự phát triển kinh tế xã hội bền vững.
* Buổi chiều, Quốc hội làm việc ở tổ, thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp.
Thứ tư, ngày 22-5, Quốc hội tiếp tục làm việc ở tổ, thảo luận về đánh giá bổ sung kết qủa thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2012; việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2013 và quyết toán ngân sách nhà nước năm 2011
P.V (Tổng hợp)