Trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, chiến thắng Điện Biên Phủ là một mốc son chói lọi của sự lãnh đạo tài tình mà Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo.
Trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, chiến thắng Điện Biên Phủ là một mốc son chói lọi của sự lãnh đạo tài tình mà Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo.
Cờ đỏ sao vàng tung bay trên hầm giặc Pháp ở Điện Biên Phủ. Ảnh: T.L |
Đến cuối năm 1953, chiến tranh Đông Dương đã kéo dài 9 năm, thực dân Pháp lâm vào thế bị động trên chiến trường. Trong khi đó, chúng ta đã thiết lập được quyền kiểm soát vững chắc tại nhiều khu vực rộng lớn ở Tây Nguyên, Khu 5, các tỉnh Cao Bắc Lạng và nhiều khu vực ở đồng bằng Bắc bộ. Nước Pháp hầu như không còn đủ sức chịu đựng gánh nặng chiến tranh Đông Dương, đã phải cầu viện sự trợ giúp của Hoa Kỳ. Pháp bổ nhiệm tổng chỉ huy Henri Navarre sang Đông Dương tìm kiếm một chiến thắng quân sự quyết định để làm cơ sở cho một cuộc thảo luận hòa bình trên thế mạnh với kế hoạch hai bước, trong đó có việc xây dựng lòng chảo Điện Biên Phủ thành một căn cứ quân sự kiên cố vững chắc, “bất khả chiến bại” để khống chế lực lượng Việt Minh đánh chiếm từ phía Thượng Lào về.
Lực lượng địch tại tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ gồm 17 tiểu đoàn bộ binh và lính dù, chủ yếu là người Pháp và Âu Phi; 3 tiểu đoàn pháo binh gồm 40 khẩu pháo, 1 tiểu đoàn công binh, 1 đại đội xe tăng, 1 đại đội xe vận tải có khoảng 200 chiếc và 1 phi đội không quân thường trực 14 chiếc. Số quân lính địch khoảng 16.200 tên, chúng bố trí 10 trung tâm đề kháng và chia ra thành 49 cứ điểm, tạo nên một hệ thống hỏa lực liên hoàn nhiều tầng, khống chế toàn bộ khu vực lòng chảo. Trong số 10 trung tâm đề kháng, cụm cứ điểm chia làm 3 phân khu. Trong đó, phân khu trung tâm gồm 2/3 lực lượng, nằm ngay giữa cánh đồng Mường Thanh rộng lớn.
Sau nhiều nghiên cứu, nhận định tình hình địch và huy động chuẩn bị lực lượng, ngày 13-3-1954, ta nổ súng tiến công tuyến phòng ngự vòng ngoài của địch, bao gồm các cụm cứ điểm Him Lam, Độc Lập, Bản Kéo. 18 giờ ngày 30-3-1954, ta mở đợt tấn công thứ hai tại đồi A1, cuộc chiến đấu tại đây diễn ra hết sức gay go, ác liệt, hai bên giằng co từng tấc đất. Đến ngày 4-4-1954, mỗi bên chiếm giữ một nửa đồi. Đánh vào khu Đông, ta diệt 2.500 tên địch, chiếm phần lớn các cao điểm có lợi. Trước tình hình đó, quân đội viễn chinh Pháp đã tập trung hầu hết máy bay chiến đấu, máy bay vận tải ở Đông Dương cho mặt trận. Lúc này, Mỹ đã chi viện cho quân đội Pháp gần 100 máy bay oanh tạc chiến đấu và gần 50 máy bay vận tải, đồng thời tổ chức diễn tập “đổ bộ ồ ạt vào Đông Dương”...
Đêm 1-5-1954 ta mở đợt tấn công thứ 3. Quân ta đánh chiếm các cứ điểm còn lại ở phía Đông và phía Tây, bẻ gãy cuộc phản kích của địch. Đêm 3-5-1954, lực lượng bộ đội ta chỉ cách sở chỉ huy địch 300m, và đúng 17 giờ 30 ngày 7-5-1954, những trận pháo kích của bộ đội ta nhắm thẳng vào sở chỉ huy địch. Tướng De Castries và toàn bộ tham mưu tập đoàn cứ điểm của địch bị bắt sống. Gần 1 vạn quân địch xin đầu hàng. Sau 56 ngày đêm chiến đấu cực kỳ anh dũng, chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đã toàn thắng. Ta tiêu diệt và bắt sống 16.200 tên địch, bắn rơi phá hủy 62 máy bay, thu toàn bộ vũ khí kho xăng, đạn dược, quân trang quân dụng.
Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ góp phần quyết định đập tan hoàn toàn dã tâm xâm lược của thực dân Pháp, buộc chúng phải ký Hiệp định Genève, kết thúc chiến tranh ở Đông Dương, mở ra một thời kỳ mới cho cách mạng Việt Nam, góp phần quan trọng đối với phong trào giải phóng dân tộc, mở đầu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên phạm vi toàn thế giới.
Nguyễn Minh Đức