Báo Đồng Nai điện tử
En

Nghe kể chuyện tình báo...

11:04, 26/04/2013

Chiến thắng của ngày 30-4 lịch sử là kết quả của một quá trình đấu tranh lâu dài, bền bỉ và rất đỗi anh hùng. Trong đó,  có sự đóng góp của những điệp viên được cài sâu trong lòng địch để thu thập tin tức, tài liệu phục vụ cho những cuộc tiến công và nổi dậy của quân và dân ta.

Chiến thắng của ngày 30-4 lịch sử là kết quả của một quá trình đấu tranh lâu dài, bền bỉ và rất đỗi anh hùng. Trong đó,  có sự đóng góp của những điệp viên được cài sâu trong lòng địch để thu thập tin tức, tài liệu phục vụ cho những cuộc tiến công và nổi dậy của quân và dân ta.

Sáng 25-4, thông qua buổi nói chuyện truyền thống nhân kỷ niệm 38 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, cán bộ công chức các cơ quan khối Đảng của tỉnh đã vinh dự được tìm hiểu phần nào những chiến công, cuộc đời và sự nghiệp của các điệp viên nội thành Sài Gòn trong các cuộc chiến tranh cứu nước.

* Đánh giặc bằng lòng dũng cảm

 Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Văn Tàu (Trần Văn Quang - Tư Cang), nguyên Trưởng ban liên lạc Phòng Tình báo miền Nam kể, quê ông ở Long Phước (Bà Rịa - Vũng Tàu). Năm 17 tuổi, ông gia nhập Thanh niên Tiền Phong. Lúc này không còn bộ máy cai trị của Pháp đặt ra trong mỗi làng, mọi việc đều do Thanh niên Tiền Phong đảm nhận. Thủ lĩnh Thanh niên Tiền Phong ở làng ông do thầy giáo Mã Văn Thái - người có trình độ văn hóa cao nhất làng và giỏi võ nghệ, lại có tài diễn thuyết trước đám đông - đảm trách. Ông được làm đội viên bảo vệ cho thầy Thái.

Lãnh đạo Văn phòng Tỉnh ủy tặng hoa cho các anh hùng lực lượng vũ trang. Ảnh: P. Hằng
Lãnh đạo Văn phòng Tỉnh ủy tặng hoa cho các anh hùng lực lượng vũ trang. Ảnh: P. Hằng

Ngày 25-8-1945, ông Tư Cang cùng dân làng cầm tầm vông vạt nhọn dưới sự chỉ huy của thầy Thái ra giành chính quyền tại TX.Bà Rịa. Tại đây, ông Tư Cang đã gặp thầy Lưu Văn Vầy là thủ lĩnh Thanh niên Tiền Phong tỉnh và được thầy Vầy giới thiệu gia nhập cơ quan Quân báo tỉnh Bà Rịa. Một trong những tiêu chuẩn được chọn làm quân báo lúc bấy giờ là phải thông thạo ngoại ngữ, do đó ông Tư Cang đã được quân đội tuyển chọn làm tình báo cả hai thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ.

Suốt cuộc đời làm điệp báo của mình, ông Tư Cang đã trải qua nhiều cương vị, chức vụ công tác, như ở thời kỳ quân đội ta giành chiến thắng ở trận Điện Biên Phủ (7-5-1954), ông là Chỉ huy phó lực lượng quân báo của tỉnh Bà Rịa - Chợ Lớn, kiêm Tổ trưởng quân báo liên huyện Cần Đước - Cần Giuộc - Nhà Bè. Năm 1961, cụm tình báo quân sự H.63 ra đời, đóng tại căn cứ Bời Lời (Tây Ninh) để phục vụ điệp viên nổi tiếng Hai Trung (X6, Phạm Xuân Ẩn) từ Mỹ trở về, hoạt động giữa Sài Gòn với tư cách phóng viên báo nước ngoài. Ông đã được lựa chọn là Cụm trưởng Cụm tình báo H.63  rồi Phó chính ủy Phòng Tình báo Bộ Tham mưu B2. Hai đơn vị này đều được Nhà nước tuyên dương anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân với những điệp viên tiêu biểu, như: Hai Trung, Tám Thảo, Mười Nho, Nguyễn Thị Ba và Tư Cang...

Ông Tư Cang cho biết, những người làm tình báo thời chiến chủ yếu là kiếm tài liệu, tin tức của địch để chuyển cho cấp trên nắm được tình hình mà chỉ đạo chiến đấu giành thắng lợi. Muốn làm được điều này, các điệp báo của ta phải đi sát địch, luồn vào hậu phương của địch, công việc này nếu làm không khéo léo thì việc hy sinh tính mạng, bị địch bắt, tra tấn tù đày là điều không tránh khỏi. Suốt hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ, ông thường xuyên ra vào vùng địch nhiều lần, đối mặt với cái chết nhưng luôn hoàn thành nhiệm vụ cấp trên giao, không để xảy ra một sơ sót nào dù nhỏ. Nhiều tài liệu quan trọng, kế hoạch bí mật, chiến đấu... của địch đã được ông và đồng đội nắm gọn, cung cấp kịp thời cho cách mạng.

Anh hùng lực lượng vũ trang Trn Minh Tâm: “Làm cái gì cũng phải có sự sáng tạo. Trong cuộc đời, ai cũng gặp lúc gian khó, nhưng có ý chí là thành công. Ngày nay trong xã hội đang có sự phân hóa giàu - nghèo, chúng ta hãy cố gắng vượt qua để giữ gìn phẩm chất đạo đức và bản chất của người cộng sản. Các thế hệ đảng viên phải có trách nhiệm giữ gìn, vun đắp cho Đảng mãi mãi trường tồn”.

Trong câu chuyện kể, ông Tư Cang không nói nhiều về thành tích của mình mà chỉ nói về sự giúp đỡ của nhân dân với cách mạng, với tổ chức. Ông kể: Có lần chạy trốn sự truy bắt của giặc, ông được một gia đình ở Sài Gòn che chở, dù gia đình này không biết ông là ai. Nếu giặc phát hiện ông trốn ở đây thì cả gia đình này sẽ gặp nguy hiểm, nhưng họ sẵn sàng che chở cho ông, cho cách mạng. “Đây là lực lượng rất quan trọng làm nên mọi thắng lợi cho dân tộc” - ông Tư Cang khẳng định.

* Đào tạo, xây dựng lực lượng hùng hậu

Anh hùng lực lượng vũ trang Lê Văn Gấu, hiện là Trưởng ban liên lạc Phòng Tình báo miền Nam thì kể rằng, ông tham gia cách mạng khi mới 15 tuổi. Trong một lần được giao nhiệm vụ tiêu diệt quân địch tại Định Quán (Đồng Nai), chỉ trong vòng mấy phút, ông và đồng đội đã bắn cháy 4 chiếc xe của địch. Một lần khác, chỉ trong vòng 15 phút, ông và đồng đội cũng đã bắt sống hơn 100 tên giặc ở đồn Gia Ray. Sau này, với tài mưu trí, dũng cảm của mình, ông được quân đội tuyển chọn làm tình báo. Ông chia sẻ, làm tình báo không những phải giỏi thu thập tin tức mà còn phải biết phân biệt tin nào đúng, tin nào giả. Đảng ta đã xây dựng được một lực lượng tình báo rất hùng hậu, làm việc hiệu quả, nhiều chiến công.

Còn theo Anh hùng lực lượng vũ trang Trần Minh Tâm, điệp báo Đơn vị H.67 - Cục Tình báo miền Nam, ông sinh ra giữa lúc đất nước đang có chiến tranh nên không được học hành bài bản. Cả cha và mẹ ông đều đi kháng chiến, tiếp nối truyền thống gia đình và được những cán bộ đi trước dìu dắt, ông được biết tới Đảng và Bác Hồ, rồi cũng theo cách mạng để đánh Mỹ. Bây giờ đất nước ngày càng phát triển, cán bộ công chức đã được đào tạo bài bản, phải rèn luyện cho tốt, phát huy những cái đã được học để làm việc phục vụ nhân dân.

Phương Hằng

 

 

 

Tin xem nhiều