Báo Đồng Nai điện tử
En

Minh bạch để phát triển

09:04, 15/04/2013

Muốn xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa “của dân, do dân và vì dân” thì tính minh bạch trong hoạt động quản lý là lẽ đương nhiên.

Muốn xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa “của dân, do dân và vì dân” thì tính minh bạch trong hoạt động quản lý là lẽ đương nhiên.

Minh bạch trước hết là nhằm bảo đảm bản chất dân chủ của xã hội, thể hiện quyền của người dân trong việc tham gia quản lý Nhà nước. Minh bạch cũng là một giải pháp rất quan trọng để khắc phục tệ quan liêu tham nhũng, làm trong sạch bộ máy quản lý. Minh bạch trong quản lý cũng là điều kiện không thể thiếu để bộ máy Nhà nước tiếp thu trí tuệ của dân đóng góp cho các hoạt động quản lý. Minh bạch cũng là một yêu cầu cần thiết để thành công trong hội nhập quốc tế.

Trong tình hình nước ta hiện nay, minh bạch gắn với trách nhiệm giải trình không chỉ là một yêu cầu cấp thiết để thực hành dân chủ, bảo đảm quyền của dân trong tham gia quản lý đất nước, mà quan trọng hơn nữa, chính là một giải pháp hữu hiệu nhằm phòng, chống tệ nạn tham nhũng - nỗi nhức nhối của xã hội, làm trong sạch bộ máy và củng cố niềm tin của dân đối với Nhà nước. Qua đó, cho thấy tiền đề quan trọng nhất để dân và MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội thực hiện có hiệu quả chức năng giám sát theo quy định của Đảng và của pháp luật là minh bạch, trách nhiệm giải trình. Song quá trình thực hiện việc này không hề dễ dàng, sẽ có nhiều trở ngại.

 Vì vậy, muốn thực sự  phát huy có hiệu quả vai trò giám sát của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội cũng như của dân cần phải khẳng định rõ ràng, nhất quán quan điểm xuyên suốt: “Bộ máy Nhà nước và cán bộ, công chức được dân cử ra để thực hiện chức năng quản lý đất nước theo pháp luật; họ được dân trả công bằng tiền thuế do dân đóng góp và họ cũng sẽ bị dân sa thải nếu không hoàn thành nhiệm vụ được giao”. Công việc của họ nhất thiết phải đặt dưới sự giám sát của dân và do đó phải công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình với dân. Cần xóa bỏ  tâm lý cán bộ, công chức là người đứng trên dân, có quyền ban phát cho dân mà không có trách nhiệm với dân, còn dân lại là người phải chịu ơn của cán bộ, công chức. Do đó, giáo dục đạo đức cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là công việc thường xuyên liên tục để hình thành “đạo đức nghề nghiệp” khiến họ cảm thấy xấu hổ khi tham nhũng, nhũng nhiễu người dân. Muốn vậy phải liên tục đổi mới công tác quản trị cán bộ, công chức, viên chức phù hợp với thực tế tình hình.

Bên cạnh đó, cần có cơ chế ràng buộc mọi cơ quan Nhà nước phải thực hiện đúng đắn các quy định về công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong quản lý. Những vấn đề hoặc văn bản Nhà nước thuộc loại “mật” hoặc “tuyệt mật” cần được quy định chặt chẽ, có giám sát, phòng ngừa những trường hợp lạm dụng để hạn chế quyền được thông tin và quyền giám sát của dân.

Theo phương hướng đó, cần tăng tốc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực giám sát của đội ngũ cán bộ MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội đi đôi nâng cao dân trí từng bước xây dựng “ý thức xã hội” và thái độ tích cực tham gia quản lý đất nước như là nhu cầu của cuộc sống.

Nguyễn Ngọc Đức

(Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh)

 

 

Tin xem nhiều