Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Xuân Lộc được mệnh danh là cánh “cửa thép” của tuyến phòng thủ của địch. Trên mảnh đất này, địch ra sức đánh phá cách mạng ác liệt và chúng phải chịu nhiều tổn thất nặng nề.
Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Xuân Lộc được mệnh danh là cánh “cửa thép” của tuyến phòng thủ của địch. Trên mảnh đất này, địch ra sức đánh phá cách mạng ác liệt và chúng phải chịu nhiều tổn thất nặng nề.
Sau ngày đất nước thống nhất, với tinh thần cách mạng tiến công, Đảng bộ và quân dân Xuân Lộc đã ra sức thi đua hàn gắn vết thương chiến tranh và trở thành đơn vị anh hùng trong thời kỳ đổi mới.
* Một thời đạn bom
Có dịp về thăm Xuân Lộc trong một ngày cuối tháng 4 này, đi trên mảnh đất chiến trường xưa, nơi cách đây 38 năm còn đổ nát vì bom đạn chiến tranh, ông Nguyễn Văn Toàn, Bí thư Huyện ủy Xuân Lộc, cho biết: “38 năm qua, kế thừa và phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, Đảng bộ và chính quyền, nhân dân huyện đã tích cực vượt qua mọi khó khăn, thử thách, tích cực thi đua lao động sản xuất để xây dựng huyện Xuân Lộc ngày thêm giàu đẹp. Từ một vùng đất nghèo nàn, lạc hậu, mang đầy thương tích của bom, đạn chiến tranh ngày nào, sau 38 năm xây dựng và phát triển, Xuân Lộc đã trở thành một huyện giàu đẹp, có nền kinh tế - văn hóa - xã hội phát triển, đời sống người dân ngày càng được cải thiện, an sinh xã hội luôn được bảo đảm”.
Thu hoạch nông sản ở huyện Xuân Lộc. |
Bồi hồi nhớ lại những năm tháng ác liệt của cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, ông Nguyễn Văn Toàn cho biết, do vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng của Xuân Lộc, nên trong những năm tháng thực hiện cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, địch xem mảnh đất Xuân Lộc là vùng ưu tiên cho chủ trương “tìm diệt” và “bình định”. Đặc biệt, năm 1957, đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai đã lấy huyện Xuân Lộc để thành lập tỉnh Long Khánh. Chúng thực hiện những âm mưu thâm độc nhằm chia rẽ dân tộc, chia rẽ tôn giáo, như: cưỡng bức dân di cư từ miền Bắc vào bố trí dọc quốc lộ 1 và quốc lộ 20, nhằm xây dựng hậu thuẫn chính trị cho ngụy quyền Sài Gòn, đồng thời cô lập, chia cắt mối quan hệ giữa nhân dân đối với cách mạng. Khi tiến hành các chiến lược chiến tranh, đế quốc Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn còn nhiều lần thực hiện di dân từ miền Trung, miền Tây Nam bộ, từ Bình Long, Phước Long, Campuchia,... về bố trí dọc những trục đường quan trọng của huyện Xuân Lộc.
Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Biên Hòa, Tỉnh ủy Bà Rịa - Long Khánh, Huyện ủy Xuân Lộc đã vượt qua bao khó khăn, thử thách, kiên cường bám dân, bám đất để làm tốt công tác vận động quần chúng, công tác binh vận, kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, liên tục tiến công địch, biến khó khăn thành thuận lợi, thâm nhập chính sách cách mạng vào đồng bào di dân, vận động, giáo dục và tập hợp đồng bào vào tổ chức cách mạng, xây dựng và bổ sung được nguồn lực tại chỗ phục vụ cho cách mạng, cho kháng chiến.
* Hồi sinh trên vùng đất lửa
Ông Nguyễn Văn Toàn cho biết thêm: “Kế thừa truyền thống cách mạng của quê hương, sau ngày đất nước thống nhất, quân dân Xuân Lộc luôn nhận thức khó khăn, thách thức còn ở phía trước. Do vậy, kể từ khi thành lập lại huyện Xuân Lộc vào năm 1991, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện phải trải qua bao lo toan, làm sao để khắc phục được những hạn chế, thiếu sót trong quá trình phát triển, đồng thời triển khai tốt các nhiệm vụ mà nghị quyết của Đảng bộ huyện đề ra”.
Nhắc lại điều này, ông Nguyễn Văn Toàn cho biết, lúc ấy kinh tế của huyện Xuân Lộc chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, nhưng trình độ sản xuất thấp, chưa hình thành được các vùng nông sản hàng hóa có giá trị kinh tế cao. Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chỉ ở quy mô nhỏ, kỹ thuật lạc hậu, thương mại, dịch vụ không đáng kể. Hạ tầng giao thông nông thôn hầu hết là đường tạm, không điện, không cơ sở y tế, giáo dục thiếu giáo viên, cơ sở vật chất xuống cấp nghiêm trọng, học sinh phải học ca 3. Đời sống nhân dân hết sức khó khăn, hộ đói, nghèo theo chuẩn cũ chiếm trên 20% dân số huyện.
Một trong những ngôi trường đạt chuẩn quốc gia ở huyện Xuân Lộc. |
Trong bối cảnh ấy, để đổi mới vươn lên khẳng định mình, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Xuân Lộc đã nêu cao tinh thần đoàn kết, tích cực đổi mới, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, củng cố an ninh quốc phòng và đạt được nhiều thành quả to lớn. Đặc biệt, trong vòng 10 năm (2000-2010), kinh tế - xã hội của huyện Xuân Lộc tăng trưởng với tốc độ cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, với tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm 11,9%; cơ cấu kinh tế được phát triển theo hướng công nghiệp - dịch vụ, nông - lâm nghiệp.
Đi suốt cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, quân dân Xuân Lộc đã đánh 11.570 trận lớn, nhỏ, diệt 9.765 tên địch, trong đó có 865 tên Mỹ và chư hầu; loại khỏi vòng chiến đấu 15.785 ngụy quân; phá hủy 756 xe quân sự; bắn rơi 47 máy bay; phá hủy gần 200 tấn đạn, 30 ngàn lít xăng; thu hàng ngàn tấn đạn, quân trang, quân dụng… Chiến công ấy đã góp phần cùng quân dân cả nước làm nên đại thắng mùa xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Huyện Xuân Lộc đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang và nhiều huân chương cao quý khác. |
Quá trình cải cách, đổi mới, xác định được thế mạnh của mình trong sản xuất nông nghiệp, Đảng bộ huyện đã chú trọng đẩy mạnh phát triển nông, lâm nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp - nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, kinh tế hợp tác xã và trang trại thường xuyên được củng cố, phát triển ngày càng đa dạng, đặc biệt là các mô hình câu lạc bộ năng suất cao đã mang lại những hiệu quả kinh tế cao trong sản xuất nông nghiệp, như: vùng chuyên canh cây ăn trái ở Xuân Hưng, Xuân Định; rau sạch ở Xuân Thọ; chăn nuôi ở Suối Cao, Xuân Thành..., phù hợp với hướng đi của các loại hình kinh tế hợp tác hiện nay.
Năm 2010, huyện Xuân Lộc triển khai thực hiện kế hoạch xây dựng nông thôn mới đối với 2 xã điểm: Xuân Phú và Xuân Định. Qua quá trình nỗ lực thực hiện, đến nay toàn huyện đã có 5/14 xã hoàn thành chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới theo 19 tiêu chí trong Bộ Tiêu chí quốc gia về chương trình xây dựng nông thôn mới, gồm các xã: Xuân Định, Xuân Phú, Bảo Hòa, Xuân Thọ, Suối Cao. Nhiều xã khác, như: Suối Cát, Lang Minh, Xuân Hiệp hoàn thành từ 16-17 tiêu chí. Còn lại 5 xã cũng hoàn thành từ 13-15 tiêu chí. Kết quả mà chương trình xây dựng nông thôn mới mang lại đã làm thay đổi diện mạo của nhiều vùng quê vốn còn rất nhiều khó khăn của huyện Xuân Lộc. Ở những nơi này, chính sách xã hội, xóa đói giảm nghèo luôn được quan tâm thực hiện tốt. Qua đó góp phần kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo trong huyện từ 20,8% năm 1991 xuống còn 2,41% năm 2012.
Ông Nguyễn Văn Toàn cho biết, trong năm 2013 và những năm tiếp theo, Đảng bộ và nhân dân huyện Xuân Lộc tiếp tục phấn đấu thực hiện thắng lợi mục tiêu chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới ở các xã còn lại.
Đức Việt