Báo Đồng Nai điện tử
En

Góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992: Không thể “tam quyền phân lập”

09:04, 12/04/2013

Góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, bên cạnh những ý kiến tâm huyết, phản ánh đúng bản chất thì cũng đã và đang xuất hiện những luận điệu đòi “tam quyền phân lập” theo mô hình nhà nước tư sản, chia rẽ sự thống nhất các quyền lực tối thượng của nhân dân.

Góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, bên cạnh những ý kiến tâm huyết, phản ánh đúng bản chất thì cũng đã và đang xuất hiện những luận điệu đòi “tam quyền phân lập” theo mô hình nhà nước tư sản, chia rẽ sự thống nhất các quyền lực tối thượng của nhân dân.

Thực chất những thiển ý này muốn phân chia các nhánh quyền lực, là cơ sở để đòi đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, đi ngược lại sự phát triển tiến bộ của chế độ nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam!

* Sự thống nhất về quyền lực nhà nước

Học thuyết chủ nghĩa Mác-Lênin luôn nhấn mạnh, giành chính quyền đã khó, giữ và xây dựng được chính quyền còn khó gấp bội lần, nhất là trong thời đại ngày nay. Cách mạng Việt Nam một mặt phải luôn đáp ứng với nguyện vọng chính đáng của nhân dân cũng như đòi hỏi của tiến trình lịch sử, mặt khác phải giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và phát triển trong nước cũng như trên thế giới. Do vậy, nhất thiết phải có sự thống nhất về quyền lực nhà nước nhưng có sự phân công, phối hợp và kiểm soát hết sức chặt chẽ, hiệu quả, bằng những cơ chế cụ thể đối với mọi tổ chức và cá nhân thực thi quyền lực của nhân dân.

Đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp xúc cử tri huyện Xuân Lộc để lắng nghe nguyện vọng của người dân.  Ảnh: Hùng Cường
Đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp xúc cử tri huyện Xuân Lộc để lắng nghe nguyện vọng của người dân. Ảnh: Hùng Cường

 Xét từ bản chất nhà nước tư sản, mặc dù đã tồn tại mấy trăm năm trong lịch sử, nhưng chế độ tam quyền phân lập vẫn không thể nào đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng chính đáng về quyền làm chủ của người dân vì đó là chế độ dân chủ tư sản, nhà nước không phải là nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân thực sự, mà là chế độ bảo vệ quyền và lợi ích của giai cấp tư sản thống trị nhân dân. Do vậy, cùng với chế độ tư bản, mô hình nhà nước tam quyền phân lập của giai cấp tư sản đã bộc lộ những nhược điểm, hạn chế không thể khắc phục được, không thể đáp ứng được yêu cầu lịch sử và nguyện vọng chính đáng của nhân dân Việt Nam.

* Chính quyền nhân dân

Lịch sử cách mạng Việt Nam cho thấy, dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta, nhân dân Việt Nam đã giành được chính quyền và làm chủ vận mệnh đất nước từ năm 1945 và đã quyết định điều hệ trọng nhất: xây dựng chính quyền nhân dân - một nhà nước của dân, do dân, vì dân đầu tiên ở Đông Nam Á mang bản chất giai cấp công nhân, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Đó là Nhà nước mà theo Hồ Chí Minh: “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân; bao nhiêu quyền hạn đều của dân; công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân; sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân; chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương do dân cử ra; đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên; nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”.

Cho nên, ngay trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời ngày 3-9-1945, Người đã nêu nhiệm vụ cấp bách: “Trước chúng ta đã bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế, nên nước ta không có hiến pháp. Nhân dân ta không được hưởng quyền tự do dân chủ. Chúng ta phải có một hiến pháp dân chủ”.

Thực tế cho thấy, điều kiện lịch sử lập hiến có khác nhau, nhưng nhân dân ta đã ủy thác ban hành Hiến pháp năm 1946 và các lần sửa đổi, bổ sung, phát triển năm 1959, 1980 và 1992 đều khẳng định: “Quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, là quyền lực thống nhất, có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp”.

Đến nay, Hiến pháp đã được sửa đổi, bổ sung, phát triển hoàn thiện một cách căn bản để phù hợp với tình hình thực tiễn phát triển của đất nước trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa...

Sau khi tiếp thu ý kiến nhân dân góp ý cho Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã khẳng định: Nhà nước pháp quyền tư sản phân chia quyền lực dựa trên nguyên tắc “tam quyền phân lập”, còn nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng không phân chia quyền lực mà có sự “phân công”, “phối hợp” và “kiểm soát” trong thực hiện các quyền cơ bản được nhân dân ủy thác: quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Như vậy, một mặt chúng ta đã thừa kế một cách căn bản những mặt tích cực tư tưởng tam quyền phân lập; mặt khác, đã khắc phục được những hạn chế cố hữu của nó, khác hẳn bản chất nhà nước pháp quyền của giai cấp tư sản.

Vì những lý do trên, phải khẳng định quyền lực Nhà nước là thống nhất, đó là sự thống nhất ý chí nguyện vọng của toàn dân tộc, của khối đại đoàn kết toàn dân chung quanh Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Sự thống nhất đó được diễn ra trong một không gian và thời gian nhất định của một quốc gia độc lập có chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Sự thống nhất đó sẽ đảm bảo cho Nhà nước thực hiện trọn vẹn chức năng đối nội và đối ngoại một cách đầy đủ, hiệu quả, tránh được những phái sinh do các nhóm lợi ích, các vùng, miền, các dân tộc khác nhau trong cùng một quốc gia, không thể lợi dụng sự ủy quyền của nhân dân để lộng quyền và lạm quyền. Đồng thời, nhờ có sự phân công, phối hợp và kiểm soát kịp thời, hiệu quả của các cơ quan nhà nước, thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

 Trung tá Nguyễn Minh Đức

(Trường đại học Nguyễn Huệ)

 

Tin xem nhiều