Báo Đồng Nai điện tử
En

Đẩy mạnh công tác dân vận

09:04, 17/04/2013

Bên cạnh những kết quả đạt được trong công tác dân vận với nhiều hoạt động thiết thực chăm lo lợi ích chính đáng cho nhân dân, phát huy được sức mạnh toàn dân đóng góp vào sự phát triển của địa phương...

Bên cạnh những kết quả đạt được trong công tác dân vận với nhiều hoạt động thiết thực chăm lo lợi ích chính đáng cho nhân dân, phát huy được sức mạnh toàn dân đóng góp vào sự phát triển của địa phương... Công tác dân vận cũng đang đứng trước nhiều thách thức, trong đó việc thực hiện quy chế dân chủ, dân vận chính quyền, cải cách hành chính... đang đặt ra nhiều vấn đề phải suy nghĩ.

Ra quân làm công tác dân vận tại xã Quảng Tiến (huyện Trảng Bom).
Ra quân làm công tác dân vận tại xã Quảng Tiến (huyện Trảng Bom).

Ông Nguyễn Văn Thuộc, Phó giám đốc Sở Nội vụ cho biết, công tác dân vận trên địa bàn tỉnh cần phải được đẩy mạnh hơn nữa, bởi việc thực hiện quy chế dân chủ, dân vận chính quyền, cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh còn nhiều hạn chế. Nếu không có những giải pháp thực hiện hiệu quả thì niềm tin của nhân dân vào đội ngũ cán bộ, công chức ngày càng bị suy giảm.

Theo ông Thuộc, nhân dân hiện nay rất ngại gặp các cơ quan chính quyền, nhiều nơi không có sự thân thiện, nhiệt tình và trách nhiệm với nhân dân. Qua kiểm tra ở 38 đơn vị cấp xã và các sở, ngành thấy ở những nơi này có thực hiện cải cách hành chính, thực hiện công tác dân vận nhưng chuyển biến chưa cao. Bên cạnh đó, có một thực trạng là huyện nào, đơn vị nào cũng làm giống nhau, rất chung chung. Ngoài ra, nhiều cán bộ, công chức không hiểu thế nào là dân vận chính quyền, thế nào là quy chế dân chủ...

Nói để dân tin

Tại  hội nghị tổng kết công tác dân vận năm 2012, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Lê Hồng Phương chỉ rõ, cán bộ của Đảng là đầy tớ của nhân dân; công chức Nhà nước là công bộc của nhân dân. Xác định được vị trí như vậy thì trong công tác dân vận, trách nhiệm đầu tiên của cán bộ là phải nghe dân nói, nói cho dân hiểu. Song, cái bệnh của cán bộ, công chức hiện nay là không muốn nghe dân nói mà chỉ thích nói nhưng nói lại không đúng cách, không đúng đối tượng. Đồng chí Lê Hồng Phương cho rằng, để nói cho dân hiểu, cán bộ, công chức phải suy nghĩ, xây dựng phương pháp tuyên truyền phù hợp từng đối tượng, từng giới, phụ thuộc vào trình độ lý luận của từng cấp, ngành. Khi nói, cố gắng nói cho dân hiểu, đừng cường điệu hóa, đừng nói theo văn kiện mà phải diễn giải cho dân hiểu. Điều quan trọng nữa là phải nói để dân tin. Bệnh của cán bộ, công chức hiện nay là nói một đằng làm một nẻo.

Ông Nguyễn Văn Thuộc cho rằng, việc quan trọng nhất là phải xây dựng được cách ứng xử có văn hóa của cán bộ, công chức với nhân dân. Cần kịp thời khen thưởng và nhân rộng điển hình trong thực hiện cải cách hành chính, quy chế dân chủ... Phải tạo được một nhận thức đầy đủ trong cán bộ, công chức về quy chế dân chủ, dân vận chính quyền, cải cách hành chính. Đây là các yếu tố quan trọng để góp phần vào sự phát triển của Đồng Nai. Đồng thời, thời gian tới phải xây dựng được đội ngũ cán bộ, công chức đủ bản lĩnh và khả năng thuyết phục được nhân dân.

TS.Huỳnh Văn Tới, Ủy viên Ban TVTU, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy nhận xét, cán bộ, công chức dù có bằng cấp gì đi nữa, nhưng điều quan trọng là phải lấy kiến thức thực tế và công việc hàng ngày để làm thước đo cho mỗi người.

Tại hội nghị tổng kết Chỉ thị 18 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác dân vận được tổ chức mới đây, PGS-TS Lê Quốc Lý, Phó giám đốc Học viện Chính trị - hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, nhận định: công tác dân vận trong giai đoạn hiện nay không chỉ được thực hiện chu đáo ở vấn đề niềm tin với Đảng và Nhà nước mà còn ở vấn đề niềm tin giữa con người với con người. Dân vận phải bắt đầu từ lối nghĩ, cách hành xử của mỗi người.

Dương An

 

 

Tin xem nhiều