Báo Đồng Nai điện tử
En

Gương sáng cựu chiến binh

10:12, 17/12/2012

Ở xã vùng xa Phú Bình (huyện Tân Phú) có một cựu chiến binh (CCB) bị ảnh hưởng chất độc da cam nhưng vẫn vượt khó vươn lên. Từ hai bàn tay trắng, ông đã xây dựng cuộc sống kinh tế gia đình ổn định và tích cực tham gia vào các hoạt động ở địa phương.

 

Ở xã vùng xa Phú Bình (huyện Tân Phú) có một cựu chiến binh (CCB) bị ảnh hưởng chất độc da cam nhưng vẫn vượt khó vươn lên. Từ hai bàn tay trắng, ông đã xây dựng cuộc sống kinh tế gia đình ổn định và tích cực tham gia vào các hoạt động ở địa phương.

CCB Phan Văn Tuyển nguyên là lính trinh sát hoạt động ở Quân khu 5 thời trước ngày đất nước thống nhất. Năm 1982, ông phục viên và trở về quê hương Thanh Hóa lấy vợ, làm ruộng. Năm 1985, trong dịp vào ấp Phú Hợp B, xã Phú Bình thăm người bà con, ông Tuyển thấy đây là vùng đất lành nên nung nấu ý định vào Phú Bình lập nghiệp. Không lâu sau đó, ông Tuyển đã quyết định đưa vợ và 3 con gái (người lớn tuổi nhất lúc ấy mới lên 6) vào vùng đất Phú Hợp B sinh sống.

Trong vườn tiêu, cựu chiến binh Phan Văn Tuyển còn tận dụng làm nơi nuôi, dưỡng ong lấy mật.
Trong vườn tiêu, cựu chiến binh Phan Văn Tuyển còn tận dụng làm nơi nuôi, dưỡng ong lấy mật.

Với vốn liếng ít ỏi mang theo, ông nhờ những người bà con giúp đỡ trong bước đầu gầy dựng cuộc sống ở vùng quê mới. Được họ hàng giúp dựng cho căn nhà tranh ấm áp, vợ chồng ông Tuyển tích cực làm thuê, tranh thủ mót lúa trên những cánh đồng bát ngát sau khi làm thuê, hoặc những ngày không có việc làm. Nhờ vậy, vợ chồng ông Tuyển vừa đủ sức nuôi con, vừa dành dụm tiền mua được nền nhà mới để có nơi ở ổn định. Tận dụng sự tham gia lao động của các con, gia đình ông phát triển nghề nuôi tằm đang thịnh hành ở địa phương lúc đó, nên có thu nhập khá dần.

Dần dà, ông tích lũy mua được 0,5 hécta đất gần nhà. Mảnh đất này, đầu tiên ông trồng cây cà phê ở phần diện tích có nguồn nước tưới, còn nơi đất khô hơn thì trồng cây điều. Nhờ chịu khó chăm bón nên nguồn thu từ cà phê và điều, cộng với thu nhập từ việc làm thuê đã giúp ông Tuyển đủ trang trải cuộc sống gia đình. Ông còn lặn lội đi tận Lộc Ninh (tỉnh Bình Phước) để học hỏi những người bạn cùng chiến đấu khi xưa về nghề trồng tiêu.

Năm 1990, với kinh nghiệm thu thập được, ông Tuyển mạnh dạn chuyển 0,5 hécta điều, cà phê thành vườn tiêu xen canh cà phê. Nhờ vùng đất xen đá ong rất thích hợp cho cây tiêu nên chẳng bao lâu, vườn tiêu của ông đã cho thu nhập ổn định. Với nguồn thu chính từ cây tiêu, cộng thêm cà phê và các cây nông nghiệp khác, hiện mỗi năm CCB Tuyển có thu nhập khoảng 130 triệu đồng. Nhờ vậy, ông đã có điều kiện đầu tư cho con cái ăn học đàng hoàng và lo nhà cửa, nghề nghiệp cho các con đã lập gia đình.

Có cuộc sống kinh tế ổn định, ông Tuyển tích cực tham gia công việc chung. Hiện ông là Chi hội trưởng Chi hội CCB ấp Phú Hợp B, với 29 hội viên. Không chỉ tự nguyện đóng góp chi phí cho các buổi sinh hoạt chi hội, ông còn hỗ trợ các CCB gặp hoàn cảnh khó khăn. Hiện Chi hội CCB ấp Phú Hợp B là một trong những chi hội mạnh ở xã trong việc tham gia giữ gìn an ninh trật tự xóm, ấp. Ngoài ra, ông còn chi tiền thành lập tổ văn nghệ của ấp, sẵn sàng phục vụ vào các dịp sinh hoạt cộng đồng ở hai ấp Phú Hợp A và B.

Nói về kinh nghiệm vượt khó đã qua, ông Tuyển cho biết, CCB phải phát huy tinh thần kiên cường của “Bộ đội Cụ Hồ” trong việc chiến đấu với “giặc nghèo”. Cùng với sự giúp đỡ của Hội CCB, nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội, người CCB phải tính toán tìm những phương thức sản xuất, kinh doanh phù hợp và có một quyết tâm cao, thì khả năng thoát nghèo của CCB sẽ trong tầm tay.

Thanh Toàn

 

 

 

Tin xem nhiều