Nhân dịp kỷ niệm 82 năm Ngày truyền thống công tác Tuyên giáo của Đảng (1-8-1930 - 1-8-2012), Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Huỳnh Văn Tới đã chia sẻ với phóng viên Báo Đồng Nai một vài tâm tư, trăn trở về công tác Tuyên giáo trong tình hình mới.
Nhân dịp kỷ niệm 82 năm Ngày truyền thống công tác Tuyên giáo của Đảng (1-8-1930 - 1-8-2012), Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Huỳnh Văn Tới đã chia sẻ với phóng viên Báo Đồng Nai một vài tâm tư, trăn trở về công tác Tuyên giáo trong tình hình mới.
* Phóng viên: Thưa đồng chí, với cương vị là Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, đồng chí đánh giá như thế nào về những thuận lợi và khó khăn của công tác Tuyên giáo hiện nay?
- Đồng chí Huỳnh Văn Tới: Công tác Tuyên giáo thời nay có nhiều thuận lợi cùng nhiều khó khăn, thách thức. Theo tôi, có 5 thuận lợi cơ bản. Một là, sự lãnh đạo của Đảng trực tiếp, tập trung, chú trọng thường xuyên đối với công tác Tuyên giáo. Hai là, nền tảng thành công, phương pháp và kinh nghiệm công tác Tuyên giáo được tích lũy từ 82 năm qua. Ba là, thành tựu kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng tạo lòng tin vào sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước. Bốn là, hệ thống tổ chức, đội ngũ cán bộ và phương tiện kỹ thuật làm công tác Tuyên giáo không ngừng được nâng cao về số lượng và chất lượng. Năm là, vai trò của cấp ủy và người đứng đầu trong toàn hệ thống chính trị đối với công tác Tuyên giáo được khẳng định, dần được phát huy.
Đồng chí Huỳnh Văn Tới (phải) trong một lần tiếp lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương. Ảnh: N.HÀ |
Tuy nhiên, nói đến khó khăn, cũng có 5 vấn đề đang thách thức: Thứ nhất, xã hội đang phát triển toàn diện, nhóm lợi ích, mức sống giàu nghèo, tâm tư nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân diễn biến theo hướng đa nguồn, đa chiều nên đối tượng của công tác Tuyên giáo phân hóa thành nhiều thành phần, phức hợp, đa dạng, yêu cầu cao, ngày càng khó đáp ứng. Thứ hai, làm công tác Tuyên giáo trước khi “hay” phải “đúng”. Sự thật - cái đúng chỉ có một, nhưng không phải lúc nào cũng ở phía đông người, do đó không dễ nhận ra. Nhất là trong thực tế đang có sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống và chủ trương chống tham nhũng, lãng phí chưa thật thành công. Khó như ông bà đã nói “Dò sông dò biển dễ dò. Mấy ai lấy thước mà đo lòng người”. Quản lý, điều chỉnh hành vi ít khó, mà có cả hệ thống khổng lồ về lập pháp, tư pháp, kiểm sát phụ trách việc này. Diễn biến, tư tưởng, tâm trạng, lòng tin của con người “vô ngôn” rất khó nắm bắt, càng khó diễn tả; nhưng hệ thống chuyên trách làm công tác tư tưởng mỏng manh, thiếu đào tạo chuyên nghiệp.
Thứ ba, thời đại bùng nổ thông tin, toàn cầu hóa thị trường và thế giới phẳng đã làm thay đổi về công nghệ truyền thông, thông tin có thể đến tận giường ngủ của mọi người nhanh hơn làn gió khiến công tác Tuyên giáo phải đổi mới toàn diện, cả về tư duy, nội dung, phương pháp, phương tiện, chất lượng đội ngũ và mục tiêu chiến lược phù hợp từng giai đoạn. Ví dụ, trước đây, công tác Tuyên giáo nhọc nhằn với công tác tuyên truyền, cung cấp thông tin nhanh; nay phải nhọc nhằn hơn tập trung cho việc nắm bắt, phân tích, định hướng thông tin xã hội; trước đây thông tin chủ yếu thuận chiều trên giấy, trên sóng phát thanh truyền hình, nay phải bao quát, xử lý cả thông tin nghịch chiều trên mạng internet và trong dư luận xã hội.
Thứ tư, công tác Tuyên giáo phải bám rễ trong dân. Nhưng chỗ cọ sát với dân nhất là cơ sở thì lực lượng làm công tác yếu nhất. Yếu là do đội ngũ, trước hết là do đào tạo, bồi dưỡng và chính sách bất cập dành cho đội ngũ này. Người ta hay nhắc đến mô hình “nón lá ngửa”, nghĩa là chỗ chạm đến cơ sở là chóp nón nên nó chông chênh. Việc này, ngoài tầm trách nhiệm của địa phương nên Tỉnh ủy đã nghe, đã thấy, đã kiến nghị nhiều mà chưa được khắc phục.
Thứ năm, thực chất công tác Tuyên giáo thuộc trách nhiệm của cấp ủy, trước hết là trách nhiệm của người đứng đầu. Tuy nhiên trong thực tế, nhiều cấp ủy giao khoán cho Ban Tuyên giáo. Ở đâu còn tình trạng giao khoán này, ở đó công tác Tuyên giáo nhiều khó khăn, không mạnh.
* Đã nhận diện, nêu tên được những khó khăn thách thức, vậy trong năm 2012, công tác Tuyên giáo ở Đồng Nai sẽ có những đổi mới gì để vượt qua thử thách, phù hợp tình hình mới, thưa đồng chí?
- Cái mới của công tác Tuyên giáo ở Đồng Nai năm 2012 là tiếp tục làm mới những nội dung, giải pháp đổi mới theo Nghị quyết của Tỉnh ủy. Có mấy nét đáng chú ý. Thứ nhất, việc học tập làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã chuyển thành nhiệm vụ thường xuyên của Đảng gắn với trách nhiệm của cấp ủy và người đứng đầu. Thứ hai, nhiệm vụ công tác tư tưởng tập trung phòng chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống theo Kế hoạch 69 của Tỉnh ủy Đồng Nai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI). Thứ ba, đội ngũ báo cáo viên các cấp có quyết định mới, chính sách mới, phương pháp tập huấn, bồi dưỡng và cung cấp tài liệu tiếp tục cải tiến để thuận tiện và nâng cao chất lượng (hội thi cán bộ Tuyên giáo ứng dụng công nghệ thông tin, tư liệu báo cáo viên qua trang tin điện tử). Thứ tư, nếu dự án đầu tư thiết bị hội nghị trực tuyến online được tiếp tục thực hiện, việc tổ chức hội nghị, hội thảo, tiếp dân, đối thoại, quán triệt nghị quyết, đào tạo từ xa... trên địa bàn tỉnh sẽ được đổi mới toàn diện với hiệu quả cao. Thứ năm, công tác nghiên cứu về khoa giáo và lịch sử Đảng được tập trung chỉ đạo để tạo sản phẩm vừa nâng tầm tư duy vừa phổ cập kiến thức trong hệ thống trường học (đưa giá trị văn hóa lịch sử địa phương vào giảng dạy trong trường phổ thông, nâng tầm nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ tỉnh). Thứ sáu, đổi mới công tác cán bộ để trẻ hóa đội ngũ và nâng cao chất lượng công tác Tuyên giáo.
* Xin cảm ơn đồng chí!
Nam Hà (thực hiện)