Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhà lý luận xuất sắc, lãnh tụ tài năng

11:07, 08/07/2012

Trong lịch sử của Đảng ta và dân tộc ta, tên tuổi đồng chí Nguyễn Văn Cừ mãi mãi được nhân dân ghi nhớ và tôn vinh.

Đồng chí Nguyễn Văn Cừ (1912-1941)
Đồng chí Nguyễn Văn Cừ (1912-1941)

Trong lịch sử của Đảng ta và dân tộc ta, tên tuổi đồng chí Nguyễn Văn Cừ mãi mãi được nhân dân ghi nhớ và tôn vinh.

Xuất thân trong một gia đình Nho học, là hậu duệ đời thứ 17 của đại anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi, từ nhỏ, Nguyễn Văn Cừ đã nổi tiếng là thần đồng. Nếu không dấn thân vào con đường cách mạng, với trí thông minh cùng cái nôi từ Trường Bưởi nổi tiếng, Nguyễn Văn Cừ có thể trở thành một ông quan, hay một công chức cao cấp của chính quyền thuộc địa.

Cùng với nhiều nhà yêu nước, nhiều trí thức đương thời, cùng đau nỗi đau mất nước của dân tộc mình, Nguyễn Văn Cừ đã dấn thân vào con đường cách mạng. Năm 17 tuổi, khi còn là học sinh Trường Bưởi, Nguyễn Văn Cừ đã tham gia hoạt động trong tổ chức Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên, sau đó được phân công đi vô sản hóa trong phong trào công nhân ở Quảng Ninh. Đồng chí đã tổ chức thành lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên ở khu mỏ Mạo Khê, sau đó chỉ đạo thành lập Đảng ủy Đặc khu mỏ Quảng Ninh.

Ngày 15-2-1931, trên đường đi công tác, Nguyễn Văn Cừ bị địch bắt, kết án khổ sai và đày đi Côn Đảo. Trong tù, đồng chí đã biến nơi đây thành “Trường học cách mạng” và luôn học tập không ngừng để rèn luyện nghị lực và nâng cao trình độ bản thân. Trước phong trào đấu tranh mạnh mẽ của nhân dân trong nước và của Mặt trận Bình dân Pháp, năm 1936, Nguyễn Văn Cừ được trả tự do và về hoạt động bí mật ở Hà Nội. Đầu năm 1937, đồng chí được bầu vào Xứ ủy viên Bắc kỳ, rồi lần lượt được bầu vào Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng (9-1937), Tổng bí thư của Đảng (3-1938), khi đó Nguyễn Văn Cừ chưa đầy 26 tuổi.

Trên cương vị nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng, bằng tài năng, trí tuệ của mình, đồng chí đã lãnh đạo Đảng ta kịp thời đề ra các chủ trương, đường lối đúng đắn, phát động cao trào đấu tranh sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân về đòi dân sinh, dân chủ (1936-1939), tạo ra cục diện mới của cách mạng Việt Nam. Phong trào này sau này được đánh giá là cùng với phong trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh (1930-1931) tạo tiền đề dẫn đến thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945.

Trên cương vị Tổng bí thư của Đảng, đồng chí đã thẳng thắn, kiên quyết đấu tranh với các trào lưu cách mạng cải lương, cơ hội. Đồng chí đã viết tác phẩm nổi tiếng T ch trích với những luận điểm nổi tiếng: “Chúng ta đã phải chiến thắng những xu hướng sai lầm trong hàng ngũ: xu hướng “tả khuynh”, cô độc, nó muốn làm cho Đảng co bé, rút hẹp bởi biệt phái, cách xa quần chúng, và xu hướng thỏa hiệp hữu khuynh, lung lay trước những tình hình nghiêm trọng, nhãng quên hoặc che lấp sự tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin, lăm le rời bỏ những nguyên tắc cách mệnh”.

Ngày 18-1-1940, Tổng bí thư Nguyễn Văn Cừ bị kẻ thù bắt tại Sài Gòn. Sau khi không thể mua chuộc, dụ dỗ, ngày 28-8-1941, tại Trường bắn Hóc Môn - Gia Định, cùng với các lãnh đạo khác của Đảng bị bắt trong cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ, đồng chí đã ngã xuống trước họng súng quân thù ở tuổi 29.

Vũ Thị Sen

Tin xem nhiều