Nhờ thay đổi cách nghĩ, cách làm và được thụ hưởng nhiều chính sách hỗ trợ của Nhà nước nên đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc làng Chăm ở ấp 4, xã Xuân Hưng (huyện Xuân Lộc) từng ngày thêm khởi sắc.
Nhờ thay đổi cách nghĩ, cách làm và được thụ hưởng nhiều chính sách hỗ trợ của Nhà nước nên đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc làng Chăm ở ấp 4, xã Xuân Hưng (huyện Xuân Lộc) từng ngày thêm khởi sắc.
Nhiều căn nhà mới mọc lên tại làng Chăm. |
Làng Chăm có 394 hộ dân với 1.956 nhân khẩu, sinh sống chủ yếu bằng nghề nông nghiệp. Do thiên nhiên khắc nghiệt, đất đai bạc màu, đồng thời bà con lại quen với lối canh tác cũ, chủ yếu phụ thuộc vào thiên nhiên nên đời sống kinh tế gặp nhiều khó khăn. Những năm gần đây, được sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước thông qua các chương trình hỗ trợ đã giúp cho đời sống đồng bào làng Chăm không ngừng được nâng lên. Trong 4 năm qua, từ các nguồn kinh phí, làng Chăm được đầu tư xây dựng trên 3km đường giao thông nông thôn; xây dựng 83 căn nhà tình thương và lắp đặt 413 hệ thống nước sạch sinh hoạt. Bên cạnh đó, huyện còn tạo điều kiện hỗ trợ vốn cho bà con đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế với tổng số tiền trên 5,5 tỷ đồng.
Ông Chàm Mách Gi - một người dân ở làng Chăm phấn khởi cho biết: “Tôi được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tạo điều kiện cho vay 15 triệu đồng đầu tư chăn nuôi bò, đến nay đàn bò đã có 4 con. Vừa qua, tôi đã bán 2 con bê để trả nợ ngân hàng, đồng thời mua sắm một số vật dụng cần thiết trong nhà…”. Hay như hộ ông Noorudeen, từ một hộ nghèo thiếu đất sản xuất, được Nhà nước xây dựng nhà theo Chương trình134, hỗ trợ 100 con gà ta thả vườn, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho vay thêm 15 triệu đồng nuôi bò, đến nay gia đình ông có cuộc sống khá ổn định.
Nhờ thực hiện đồng bộ có hiệu quả các chương trình giảm nghèo đã giúp cho đời sống vật chất, tinh thần của bà con ở làng Chăm không ngừng được nâng lên, bộ mặt bản làng ngày thêm khởi sắc. Tính đến cuối năm 2011, tỷ lệ hộ nghèo trong làng giảm xuống còn 0,2%. |
Cùng với việc phát triển kinh tế, đời sống văn hóa tinh thần của người dân làng Chăm cũng không ngừng được nâng lên. Hiện 100% hộ dân làng Chăm có trang thiết bị nghe, nhìn và phương tiện đi lại; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp các cấp đạt từ 60-100%. Đặc biệt, làng Chăm có gần 20 em học đại học, cao đẳng…
Nói về những bước tiến của làng Chăm hôm nay, ông Lê Văn Hết, thành viên ban giáo cả của làng Chăm cho biết: “Trước đây, đường sá lầy lội, đi lại gặp nhiều khó khăn, đa số bà con không có kinh nghiệm trong chăn nuôi và trồng trọt nên làng Chăm có nhiều người nghèo. Nhưng nay thì khác rồi, bà con làng Chăm được Nhà nước xây dựng kết cấu hạ tầng như điện - đường - trường - trạm. Đến nay, 100% hộ dân được sử dụng điện, hệ thống nước sạch được lắp đặt đến từng hộ dân đã mang lại sức khỏe cho đồng bào chúng tôi. Bên cạnh đó, người dân làng Chăm còn được cán bộ hỗ trợ giống lúa, giống cây, giống vật nuôi, đồng thời hướng dẫn cho cả cách nuôi, cách trồng và chăm sóc để có năng suất cao. Chúng tôi mừng lắm vì làng Chăm còn rất ít người nghèo”.
Hải Đình - Như Trang