Sau 37 năm đất nước thống nhất, bộ mặt nông thôn ở Đồng Nai đã có sự chuyển mình mạnh mẽ về nhiều mặt nhờ có những quyết sách đúng, phù hợp của Đảng và Nhà nước.
Sau 37 năm đất nước thống nhất, bộ mặt nông thôn ở Đồng Nai đã có sự chuyển mình mạnh mẽ về nhiều mặt nhờ có những quyết sách đúng, phù hợp của Đảng và Nhà nước.
Đổi thay từ những vùng đất hôm nay chính là sự nỗ lực không mệt mỏi của cán bộ và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh để chiến thắng cái đói, cái nghèo trước đây, làm cho đời sống ngày càng thêm đủ đầy và sung túc.
* Vượt lên sau chiến tranh
Già làng Năm Nổi (ấp Lý Lịch 1, xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu) đã bước sang tuổi 80 nhưng ông vẫn chưa thể nào quên được cái nghèo, cái khó cứ bám dai dẳng bà con trong ấp những năm chiến tranh ác liệt và cả những năm đầu sau ngày giải phóng miền Nam. Đến nay cái nghèo, cái khó ấy đã không còn mà thay vào đó là cuộc sống đổi thay, nhà nào cũng có của ăn, của để, có phương tiện nghe nhìn, đi lại.
Bà con dân tộc Chơro ở TX.Long Khánh trong lễ mừng lúa mới. Ảnh: C.NGHĨA |
Hiện xã Phú Lý có trên 270 hộ đồng bào dân tộc Chơro với trên 1,1 ngàn nhân khẩu, phần lớn đều có cuộc sống ổn định. Từ năm 2005, 64 hộ đồng bào dân tộc Chơro đã được Nhà nước xây tặng nhà và kéo điện, khoan giếng nước sinh hoạt theo mô hình làng phát triển bền vững. Người Chơro hôm nay được hưởng nhiều ưu đãi từ chính sách của Đảng và Nhà nước, như việc học hành của con em, đào tạo nghề, vay vốn phát triển sản xuất...
Chủ tịch UBND xã Phú Lý Trần Viết Hạnh cho biết: Với sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước, từ cách đây vài năm xã đã có phòng khám đa khoa, trạm y tế, trường THPT và 1 trường mầm non chuẩn quốc gia.
Còn ông Cao Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Xuân Phú (huyện Xuân Lộc) vui mừng cho biết: Người dân Xuân Phú vốn đoàn kết trong kháng chiến, nay tinh thần ấy lại càng được phát huy mạnh mẽ trong thời bình. Nếu như cuối năm 2010, thu nhập bình quân của người dân là 18 triệu đồng/năm thì nay đã đạt 25 triệu đồng/người/năm. Xã đã thành lập được một số câu lạc bộ nuôi heo, thủy sản, rau sạch... cùng liên hiệp câu lạc bộ gắn kết các mô hình kinh tế hộ gia đình. Ông Hùng cho biết thêm: Đến nay xã đã hoàn thành cơ bản các điều kiện về kết cấu hạ tầng, như 1 trạm xá đạt chuẩn quốc gia 3 năm liền, 5 trường học cao tầng hiện đại đạt chuẩn quốc gia, đường giao thông liên xã, liên ấp được đổ bê tông kiên cố… Trong năm nay, xã sẽ hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới.
Trước đây, người dân xã Long Thọ (huyện Nhơn Trạch) sống chủ yếu bằng nông nghiệp, đánh bắt thủy sản nhưng những năm gần đây, cơ cấu kinh tế của xã đã có sự chuyển biến mạnh mẽ. Hiện giá trị sản xuất nông nghiệp đã giảm chỉ còn 40%, trong khi đó giá trị sản xuất công nghiệp và dịch vụ đã tăng lên 60%. Ông Võ Văn Tính, Chủ tịch UBND xã Long Thọ cho hay: Người dân trong xã hôm nay đã có công việc và thu nhập ổn định tại các nhà máy, xí nghiệp ở các khu công nghiệp của huyện, đặc biệt hệ thống đường giao thông, chợ, trường học, trạm y tế đều được xây mới, bộ mặt nông thôn đã và đang đổi thay từng ngày nhờ chính sách phù hợp của Đảng và sự đồng thuận của người dân.
* Thêm nhiều thành quả
Ông Hà Văn Diêm, Chủ tịch UBND xã Phú Vinh (huyện Định Quán) chia sẻ: Để tạo ra những bước chuyển mạnh mẽ trong đời sống kinh tế - xã hội, Đảng bộ và chính quyền Phú Vinh đã thực hiện nhiều khâu đột phá, vận động người dân mạnh dạn thay các giống cây cũ, ít hiệu quả bằng những cây có hiệu quả kinh tế cao hơn, như: cà phê, tiêu, cây ăn trái, lúa, bắp. Người dân làm nông nghiệp đã biết ứng dụng cơ giới hóa để giảm sức lao động, nâng cao hiệu quả, đồng thời xã cũng đầu tư mạnh cho công tác thủy lợi, đào tạo nghề và hỗ trợ nông dân vay vốn sản xuất. Đến nay, xã Phú Vinh đã có 99,7% người dân được kéo điện lưới, người dân được chăm sóc sức khỏe tại trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia, đặc biệt nhiều hộ dân đã tình nguyện hiến đất để làm đường giao thông và các công trình phúc lợi…
Anh Phạm Xuân Tiên, công nhân khai thác mủ Nông trường cao su Bình Lộc (xã Xuân Thiện, huyện Thống Nhất) thuộc Tổng công ty cao su Đồng Nai phấn khởi cho biết, đời sống công nhân ngành cao su nay đã được cải thiện rất nhiều nhờ thu nhập không ngừng nâng cao. Nhiều chính sách về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế được công ty chăm lo tốt. Cũng theo anh Tiên, đa phần công nhân ngành cao su hiện nay đã có nhà ở kiên cố, con cái được học hành đầy đủ.
Còn chị Wa Di Ha Vi, dân tộc Chăm, hiện là Phó bí thư Chi đoàn ấp 4, xã Xuân Hưng (huyện Xuân Lộc) vui mừng chia sẻ: “Cuộc sống của người Chăm đã thay đổi rất nhiều. Lớp trẻ làng Chăm hôm nay nhiều người được học hành cao, không ít thanh niên người Chăm đã biết vươn lên phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng. Tổ chức Đoàn Thanh niên ở làng Chăm đã là nơi tập hợp và đoàn kết nhiều thanh niên tham gia sinh hoạt, đồng thời thanh niên còn được hỗ trợ vay vốn, học nghề, giới thiệu việc làm…”.
Công Nghĩa