Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài cuối: Quét địch ra khỏi hai huyện vùng tam giác phía Đông

10:04, 27/04/2012

Sau khi phòng tuyến Xuân Lộc bị sụp đổ, TX.Long Khánh được giải phóng hoàn toàn, để cứu vãn tình thế, địch rút quân ở một số nơi về lập vành đai bảo vệ Sài Gòn. Long Thành và Nhơn Trạch là những địa điểm chiến lược được địch tập trung quân cố thủ ở hướng Đông.

Sau khi phòng tuyến Xuân Lộc bị sụp đổ, TX.Long Khánh được giải phóng hoàn toàn, để cứu vãn tình thế, địch rút quân ở một số nơi về lập vành đai bảo vệ Sài Gòn. Long Thành và Nhơn Trạch là những địa điểm chiến lược được địch tập trung quân cố thủ ở hướng Đông. Quân và dân Long Thành, Nhơn Trạch đã kề vai, sát cánh với bộ đội chủ lực đập tan tuyến phòng thủ này, góp phần giải phóng Sài Gòn, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đến ngày toàn thắng.

Xét về mặt quân sự, Long Thành và Nhơn Trạch nằm ở giữa khu tam giác Vũng Tàu - Biên Hòa - Sài Gòn, là vị trí chiến lược quan trọng của miền Đông Nam bộ, với nhiều hệ thống đường sá, sông, rạch chằng chịt tạo thành mạng lưới giao thông hết sức quan trọng.

* Đánh rã hệ thống đồn, bót của địch

Do vị trí đặc biệt đó, khi thực hiện chiến tranh xâm lược Việt Nam, thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã bố trí ở đây nhiều căn cứ quân sự quan trọng và hệ thống đồn, bót khép kín để đàn áp phong trào cách mạng. Trong chiến dịch mùa Xuân năm 1975, phối hợp với các chiến trường, các lực lượng vũ trang của ta là Tiểu đoàn 240 Biên Hòa, bộ đội địa phương và dân quân du kích Long Thành, Nhơn Trạch đã phối hợp với Trung đoàn 4, bộ đội chủ lực tiến công và bẽ gãy các trận càn, lấn chiếm của địch trên tuyến quốc lộ 15, tỉnh lộ 25, hương lộ 17, 19…

Các cựu chiến binh Tiểu đoàn 240 Biên Hòa ôn lại những ngày tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh.
Các cựu chiến binh Tiểu đoàn 240 Biên Hòa ôn lại những ngày tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh.

Tiêu biểu như trận chống càn đầu tháng 3-1975, địch đã điều liên đoàn 7 biệt động quân càn quét 12 ngày đêm vào khu vực lòng chảo Nhơn Trạch. Lúc bấy giờ, Tỉnh đội Biên Hòa phải điều động Tiểu đoàn 240, Tiểu đoàn 6 phối hợp với các lực lượng địa phương chống càn ở Phước Long, Phước Thọ, Phú Hội, Phú Mỹ và Phước Thiền, gây cho địch nhiều thiệt hại lớn. Đêm 21-3-1975, Tiểu đoàn 6 của tỉnh tấn công chốt Phú Hội; đêm 22-3, Tiểu đoàn 240 Biên Hòa tấn công chốt Cây Me ở Phú Mỹ, diệt 2 trung đội của tiểu đoàn bảo an 349 địch.

Trên hướng Long Thành, Đại đội 27 (bộ đội cao su) cùng Đại đội 1 Long Thành, du kích Phước Thái và sự hỗ trợ của một bộ phận Đoàn 10 đặc công Rừng Sác đã liên tục tiến công địch càn quét, ủi phá khu vực Suối Cù và Cầu Vạt. Lực lượng ta kết hợp gài mìn, phục kích, tập kích bộ binh, có ngày đánh đến 2-3 trận. Nổi bật là ngày 26-3-1975, Đại đội 27 tổ chức 2 mũi tập kích diệt và làm bị thương 35 tên địch, thu 7 súng M72 và nhiều đồ dùng quân sự, buộc lực lượng địch còn lại phải rút về co cụm ở Phước Thái.

Cùng thời gian này, tại Bình Sơn (huyện Long Thành), du kích kết hợp với lực lượng chính trị, binh vận tại chỗ, huy động trên 700 quần chúng bao vây tấn công địch trong đồn, buộc địch phải chấp hành các quy định của ta; phá bỏ trạm gác ở cửa đồn; ra, vào đồn phải xin phép quần chúng. Du kích hoàn toàn làm chủ đường 10 từ thị trấn Long Thành đến Bình Sơn.

Như vậy, đến cuối tháng 3-1975, trước sức tấn công, nổi dậy của quân, dân Long Thành và Nhơn Trạch, hệ thống đồn, bót của địch ở đây cơ bản bị ta đánh tan rã. Ta giải phóng một khu vực liên hoàn rộng lớn, góp phần tạo sự chuyển biến tình hình địa phương một cách nhanh chóng, tạo điều kiện xây dựng bàn đạp, hành lang tiến công cho bộ đội chủ lực vào giải phóng Sài Gòn.

* Trước ngày toàn thắng

Sau khi mặt trận Xuân Lộc mở màn, địch rút quân ở một số nơi về Long Thành, Nhơn Trạch lập vành đai bảo vệ Sài Gòn. Tại đây, địch tăng cường thêm Tiểu đoàn 58 biệt động quân, Tiểu đoàn 349 bảo an, Chiến đoàn cơ giới 318 với 10 xe tăng để tái chiếm các vùng đã mất. Tiếp đến, địch đưa 2 đại đội thám sát về Long Thành, Tiểu đoàn 346 về án ngữ đường 10, Đại đội 3 thuộc Tiểu đoàn 319 về chốt giữ cầu Hưu. Tất cả động thái của địch đều được các cơ sở nội tuyến của ta thông tin. Do vậy, Huyện ủy Long Thành đã tập trung chỉ đạo tăng cường công tác binh vận trong hàng ngũ địch và đã vận động được nhiều binh lính địch ở thị trấn Long Thành và các đồn bót xung quanh bỏ súng, đào ngũ tìm về với ta.

Ngày 21-4-1975, phòng tuyến Xuân Lộc của địch bị quân giải phóng đập tan. Sáng 23-4, tại căn cứ Tỉnh ủy Biên Hòa ở Bình Sơn, Bộ chỉ huy Quân đoàn 2 và Tỉnh ủy Biên Hòa đã họp để thống nhất phương án giải phóng Long Thành, Nhơn Trạch. Tại cuộc họp này, đồng chí Lê Trọng Tấn đã thay mặt Quân ủy Trung ương Cục miền Nam giao nhiệm vụ cho Ban thường vụ Tỉnh ủy Biên Hòa giải phóng các xã, xác định các mục tiêu quan trọng trên hướng Đông để phối hợp với bộ đội chủ lực đánh dứt điểm.

Từ đây, Tỉnh ủy Biên Hòa chỉ đạo lấy Long Thành, Nhơn Trạch làm điểm, đồng thời phân công các đồng chí trong Ban thường vụ đi cùng với các cánh quân trên các hướng và chỉ đạo các địa phương chuẩn bị lương thực, thuốc men cho lực lượng chủ lực. Đến ngày 26-4, hai huyện Long Thành, Nhơn Trạch đã huy động, dự trữ được 128 tấn lương thực (vượt mức trên giao 28 tấn), các địa phương còn huy động gần 100 dân công của các xã Bình Sơn, Cẩm Đường, Lộc An, Long An tham gia sửa chữa đường 10, đường 15B để dọn lối cho xe tăng của Quân đoàn 2 tiến công giải phóng căn cứ Nước Trong. Tỉnh ủy Biên Hòa cũng chỉ đạo Ban Quân y tỉnh tăng cường về Long Thành 32 cán bộ y sĩ, y tá với nhiều dụng cụ chuyên dùng đóng tại phía Đông Bình Sơn để phục vụ chiến trường; chỉ đạo huyện Nhơn Trạch chuẩn bị 100 ghe, xuồng tập kết tại khu vực Cát Lái sẵn sàng đưa bộ đội chủ lực vượt sông tiến đánh Sài Gòn.

16 giờ 30 ngày 26-4, Quân đoàn 2 xuất phát từ Bình Sơn với Sư đoàn 304, cùng 12 xe tăng theo đường 15B tiến về khu căn cứ quân sự Nước Trong. Cùng lúc đó, Sư đoàn 325 theo liên tỉnh lộ 25 qua Lộc An tiến vào quận lỵ Long Thành. Đến 17 giờ cùng ngày, Sư đoàn 304 nổ súng tiến công địch ở 3 khu vực: Trường Thiết giáp, căn cứ ngã ba Thái Lan, Trường Cảnh sát quốc gia II.

Sau gần một ngày giao tranh, 15 giờ ngày 27-4, căn cứ Nước Trong thất thủ, số lính sống sót bỏ chạy về ngã ba Thái Lan. Lúc này, Sư đoàn 304 chia thành 2 cánh vượt cánh đồng Rạch Chiếc (xã Phước Tân) tiêu diệt địch ở đầu cầu, rồi tiến vào bao vây, tấn công một góc tổng kho Long Bình và tiếp tục bao vây địch tại ngã ba Thái Lan. Trong thời gian này, đồng bào và du kích các xã: Long Tân, Tam Phước, An Hòa, Long Hưng đồng loạt nổi dậy, nổ súng tấn công địch, giải phóng xã.

Cũng trong ngày 27-4, phối hợp cùng Sư đoàn 325, quân dân Long Thành đã làm chủ quận lỵ Long Thành. Ban cán sự đồn điền cao su Bình Sơn cho gom tất cả số xăng của đồn điền được 2 ngàn lít tiếp tế cho Lữ đoàn xe tăng 203, Quân đoàn 2 để tiếp tục hành quân về Sài Gòn. Ngày 28-4, Sư đoàn 325 đánh chiếm và làm chủ chi khu Nhơn Trạch. Huyện ủy Nhơn Trạch đã huy động dân công cùng lực lượng địa phương chuẩn bị trận địa pháo ở xã Phú Hội và đồi Bình Phú (xã Long Tân) để Sư đoàn 325 đặt pháo 130 li bắn vào sân bay Tân Sơn Nhất và các mục tiêu ở Sài Gòn. Cùng lúc, huyện cũng huy động 100 ghe thuyền chuẩn bị chở bộ đội Sư đoàn 325 vượt sông tiến công các mục tiêu trong nội thành Sài Gòn.

Đến 15 giờ ngày 29-4, huyện Nhơn Trạch và Long Thành được hoàn toàn giải phóng. Pháo tầm xa của ta ở Nhơn Trạch bắt đầu nã vào Sài Gòn, báo hiệu sự sụp đổ hoàn toàn của chế độ Mỹ - ngụy không gì cứu vãn nổi...

Đức Việt

 

 

 

Tin xem nhiều