Từ trên 70 tham luận gửi về Ban tổ chức, 15 tham luận, ý kiến đóng góp trực tiếp tại Hội thảo khoa học “Mặt trận hướng Đông - từ Chiến dịch Xuân Lộc đến Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử”, các đại biểu nguyên là lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước, quân đội, các nhà khoa học, nhân chứng lịch sử một lần nữa đã cùng nhau khẳng định những giá trị to lớn của chiến thắng Xuân Lộc trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Từ trên 70 tham luận gửi về Ban tổ chức, 15 tham luận, ý kiến đóng góp trực tiếp tại Hội thảo khoa học “Mặt trận hướng Đông - từ Chiến dịch Xuân Lộc đến Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử”, các đại biểu nguyên là lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước, quân đội, các nhà khoa học, nhân chứng lịch sử một lần nữa đã cùng nhau khẳng định những giá trị to lớn của chiến thắng Xuân Lộc trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
* Sáng suốt trong chỉ đạo chiến lược
Mặc dù tuổi cao sức yếu, nhưng Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Chủ tịch nước, nguyên Phó tư lệnh Miền, Phó tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh vẫn đến với hội thảo và đóng góp những ý kiến rất có giá trị về mặt lịch sử. Theo đồng chí, diễn tiến lịch sử đã chứng minh, việc nhận định, đánh giá, nắm lấy thời cơ của Bộ Chính trị là hết sức chính xác và sáng suốt. Chỉ trong vòng một tháng từ lúc Quân ủy và Bộ Tư lệnh Miền quyết định mở chiến dịch Xuân Lộc, tiến công trên mặt trận hướng Đông, quân và dân ta đã đánh tan tuyến phòng thủ Xuân Lộc, tiêu diệt các cứ điểm của địch ở Trảng Bom, Hố Nai, Biên Hòa, tạo bàn đạp xuất phát cho cánh quân hướng Đông của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử tiến về giải phóng Sài Gòn - Gia Định.
Quang cảnh buổi Hội thảo. Ảnh: T.THÚY |
Nhiều đại biểu cũng nhận định rằng, chiến thắng Xuân Lộc trên mặt trận hướng Đông thể hiện sự nhạy bén và sáng tạo về nghệ thuật chuyển hóa thế trận và thay đổi cách đánh của Quân giải phóng miền Nam. Trong những ngày đầu, với thế mạnh của lực lượng tác chiến tổng hợp ta đã đánh chiếm được nhiều mục tiêu quan trọng. Nhưng ngay sau đó địch đã tăng cường lực lượng, nhất là hỏa lực pháo binh và không quân tiến hành phản kích dữ dội. Tổn thất về người và vũ khí của ta rất nặng nề. Khắc phục tình trạng này, Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định thay đổi cách đánh và đã thắng lợi.
* Tạo đà trực tiếp cho thắng lợi của chiến dịch Hồ Chí Minh
Đồng chí Trần Đình Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy: Bài học về xây dựng thế trận phòng thủ Chiến dịch Xuân Lộc đã để lại nhiều bài học quý báu cả cho thời bình. Đó là xây dựng thế trận phòng thủ trong điều kiện đất nước đang ổn định về chính trị, phát triển về kinh tế tuy có nhiều thuận lợi nhưng bên cạnh đó dễ nảy sinh tư tưởng chủ quan của một số cán bộ lãnh đạo, vì vậy cần phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo quốc phòng, quân sự địa phương. Song song đó, cần xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc theo hướng khép kín địa bàn, có chiều sâu, trọng tâm, trọng điểm, thực hiện tốt vị trí cửa ngõ phía Đông TP. Hồ Chí Minh. |
Trung tướng Nguyễn Thới Bưng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phân tích, nếu thời điểm đó quân ta “húc” thẳng vào Sài Gòn thì cuộc chiến sẽ rất khó khăn, cái giá phải trả cho chiến thắng sẽ không hề nhỏ vì Sài Gòn vẫn còn nguyên các Sư đoàn 9, Sư đoàn 3 ngụy cố thủ “bảo vệ thủ đô”, và nếu chiến trận ác liệt diễn ra thì Sài Gòn sẽ bị tàn phá không ít. Đánh Xuân Lộc, tức là ta đã thực hiện chiến lược kéo địch ra xa để tiêu diệt. Hơn nữa, địch lúc đó rất tự tin vào “cánh cửa thép” kiên cố này, vì thế khi quân ta phá tan được thế trận phòng thủ tại Xuân Lộc là đã giáng cho địch một đòn tâm lý rất mạnh khiến chúng “không đánh mà tan”. Tổng thống ngụy Nguyễn Văn Thiệu từ chức, tháo chạy, Quốc hội Mỹ cắt khoản viện trợ quân sự cho chính quyền Sài Gòn, Tổng thống Mỹ Gerald Ford cay đắng tuyên bố “Cuộc chiến tại Việt Nam đã chấm dứt đối với người Mỹ”. Từ thắng lợi của chiến dịch Xuân Lộc nên đợt tác chiến tạo thế cho chiến dịch Hồ Chí Minh mới nhanh chóng, đúng ý nghĩa của chiến lược “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”. Vì thế, ý nghĩa và tầm vóc của chiến thắng Xuân Lộc trong mặt trận hướng Đông là rất quan trọng không chỉ trong phạm vi miền Đông Nam bộ mà còn đối với giai đoạn cuối của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975.
Lãnh đạo tỉnh gặp gỡ Đại tướng Lê Đức Anh. Ảnh: T.THÚY |
Cuộc tiến công trên mặt trận hướng Đông còn là bài học về cách đánh linh hoạt, sáng tạo của quân và dân ta. Chiều 28-4, địch đã bất ngờ khi thấy quân ta sử dụng máy bay chiến đấu A-37 ném bom tấn công sân bay Tân Sơn Nhất, đây là số chiến lợi phẩm ta thu được từ các trận đánh Đà Nẵng, Nha Trang, sân bay Biên Hòa và nhanh chóng đưa vào sử dụng trấn áp địch. “A-37 là loại máy bay phản lực chiến đấu vào loại hiện đại bậc nhất của địch, phi công muốn lái được loại này phải được đào tạo bài bản tại Mỹ. Địch bất ngờ vì phi công ta trước đây chỉ quen lái các loại máy bay MIG của Liên Xô, việc phi công ta lái được A-37 chứng tỏ ta đã có sự chuẩn bị từ trước, khiến địch càng hoang mang. Chiến dịch Hồ Chí Minh diễn ra trên một quy mô lớn, có hàng trăm đầu mối ở khắp các khu vực nhưng Bộ Chỉ huy chiến dịch vẫn điều phối được nhịp nhàng như thế, cho thấy sự tài tình trong công tác chỉ đạo”, Trung tướng Nguyễn Thới Bưng hào hứng nói.
Trung tướng Lê Nam Phong, nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 7 (Quân đoàn 4), nguyên Tư lệnh Quân đoàn 1: Không quên tình cảm của quân và dân Đồng Nai Là lực lượng từ nơi khác đến, không thông thạo địa hình, Sư đoàn 7 đã được lực lượng vũ trang địa phương phối hợp rất tốt, hiệu quả, không chỉ dẫn đường cho bộ đội chủ lực tiến chiếm các mục tiêu trọng yếu mà còn phối hợp tác chiến, kề vai sát cánh cùng nhau chiến đấu. Đồng chí Phan Văn Trang, Bí thư Tỉnh ủy Biên Hòa lúc đó thường xuyên liên lạc, hỗ trợ. Nếu không có sự giúp đỡ nhiệt tình, quý báu của quân và dân Đồng Nai, Sư đoàn 7 gặp nhiều khó khăn trong việc hoàn thành nhiệm vụ. Tình cảm này, chúng tôi mãi mãi không thể nào quên. Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ, nguyên Tham mưu trưởng Quân khu 7: Cần có ngày kỷ niệm riêng cho chiến thắng Xuân Lộc Chiến thắng Xuân Lộc là đòn tiến công vào căn cứ quân sự lớn nhất kế cận Sài Gòn, là chiến dịch giáng cho địch đòn thiệt hại nặng nề nhất trước giờ vào Chiến dịch Hồ Chí Minh. Không riêng tôi, mà rất nhiều đồng chí đã từng tham gia, hiểu biết về chiến thắng Xuân Lộc đều cho rằng tất cả những hội thảo, tư liệu tập hợp của chúng ta từ trước đến nay có thể vẫn chưa đánh giá hết được giá trị, tầm quan trọng của chiến thắng Xuân Lộc trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975. Và hi sinh, mất mát của đồng chí, đồng đội của chúng ta tại Xuân Lộc là quá lớn. Tôi đã viếng nghĩa trang liệt sĩ tại đây, hơn 50% là mộ của những chiến sĩ hi sinh trong Chiến dịch Xuân Lộc. Theo tôi, cần có ngày kỷ niệm riêng cho chiến thắng Xuân Lộc. |
Điều khiến các đại biểu tâm đắc trong những bài học kinh nghiệm rút ra từ chiến thắng Xuân Lộc, đó là sự phát huy truyền thống đoàn kết chiến đấu của binh đoàn chủ lực kết hợp với chiến tranh nhân dân để giành thắng lợi. Trong Chiến dịch Xuân Lộc, các lực lượng vũ trang địa phương đã tạo thế, tạo bàn đạp tác chiến tiêu diệt địch vòng ngoài cho bộ đội chủ lực tiến công các mục tiêu trọng yếu. Các đội biệt động Xuân Lộc, an ninh và trinh sát thị xã có những trận đánh làm tiêu hao sinh lực địch, dẫn đường cho quân chủ lực. Thị ủy Long Khánh sử dụng lực lượng chính trị, binh vận kết hợp du kích bao vây, bức hàng các đồn địch ở vùng ven. Lực lượng hậu cần và nhân dân địa phương còn chuẩn bị hàng trăm thùng lúa, nước cung cấp cho bộ đội trong suốt thời gian chiến dịch. Thiếu tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Chính ủy Quân đoàn 4 nhận xét, đây cũng chính là sự kế thừa truyền thống cả nước một lòng, toàn dân đánh giặc được hình thành qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, trở thành quy luật về phương thức đấu tranh vũ trang của quân dân ta.
Thanh Thúy