Báo Đồng Nai điện tử
En

Tục thờ Quốc Tổ Hùng Vương: Giá trị văn hóa truyền thống và hiện đại

09:03, 30/03/2012

Truyền thuyết kể rằng, mùng 10 tháng ba âm lịch là ngày mất của Hùng Huy Vương - vị vua thứ sáu trong 18 đời Hùng Vương. Mộ của nhà vua được táng ngay trên đỉnh núi Hùng. Từ đó, đất tổ Hùng Vương đã trở thành cội nguồn dân tộc, và mùng 10 tháng ba âm lịch đã trở thành ngày giỗ Quốc Tổ, tồn tại trong tâm thức của người dân Việt.

 

Truyền thuyết kể rằng, mùng 10 tháng ba âm lịch là ngày mất của Hùng Huy Vương - vị vua thứ sáu trong 18 đời Hùng Vương. Mộ của nhà vua được táng ngay trên đỉnh núi Hùng. Từ đó, đất tổ Hùng Vương đã trở thành cội nguồn dân tộc, và mùng 10 tháng ba âm lịch đã trở thành ngày giỗ Quốc Tổ, tồn tại trong tâm thức của người dân Việt.

Đông đảo người dân từ mọi miền đất nước đến thăm Khu di tích Đền Hùng (tỉnh Phú Thọ). Ảnh: L.LAN
Đông đảo người dân từ mọi miền đất nước đến thăm Khu di tích Đền Hùng (tỉnh Phú Thọ). Ảnh: L.LAN

Câu hỏi đặt ra: vì sao người Trung Hoa ở sát cạnh bộ tộc Văn Lang, có chung nền văn hóa lưu vực sông Dương Tử và cũng có tục thờ cúng tổ tiên, nhưng lại không phát triển thành truyền thống thờ Quốc Tổ và dân tộc không có ngày giỗ Tổ chung như người Việt?

* Thờ vua Hùng gắn liền với truyền thống thờ tổ tiên

Trải mấy ngàn năm, cho đến nay truyền thống thờ vua Hùng gắn liền với truyền thống thờ tổ tiên ở mỗi gia đình Việt Nam đã trở thành một tín ngưỡng sâu sắc tồn tại từ lâu đời như một tôn giáo bản địa, có trước cả các tôn giáo du nhập khác. Theo PGS.TS Nguyễn Tri Nguyên, nguyên Phó viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam, mọi tín ngưỡng và tôn giáo từ xưa đến nay bao giờ cũng là những hình thái ý thức xã hội phản ảnh những điều kiện sinh hoạt xã hội. Vì thế, chỉ có thể giải thích nguồn gốc ra đời của truyền thống và tín ngưỡng của người Việt Nam từ những nét đặc thù trong hoàn cảnh mọi mặt của con người Việt Nam ở bối cảnh thời ấy.

Ở thời đại Hùng Vương, chế độ xã hội của nước Văn Lang đã bắt đầu mang bóng dáng đầu tiên của một hình thái nhà nước. Đứng đầu là vua, và ngôi vua được cha truyền con nối. Dưới vua là các tầng lớp quý tộc gọi là những lạc hầu, lạc tướng và cuối cùng là các lạc dân. Người Việt của nhà nước Văn Lang cũng có một thứ tiếng Việt cổ mà trải qua biết bao chặng đường phát triển về ngữ âm và ngữ pháp đã trở thành tiếng Việt ngày nay; có một nền văn hóa riêng là văn hóa Đông Sơn với nhiều bằng chứng là các di chỉ khảo cổ đã tìm được, trong đó đỉnh cao là trống đồng Đông Sơn với ý thức về vũ trụ khắc trên mặt trống (mặt trời là trung tâm vũ trụ, trái đất xoay quanh mặt trời).

* Tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái

Không như tư duy văn minh du mục của người phương Bắc là con người phải chiếm đoạt, tiêu diệt nhau trong cuộc đấu tranh sinh tồn, trước sự khắc nghiệt của thiên nhiên cũng như sự xâm lược thường xuyên của ngoại bang, muốn tồn tại và phát triển thì con người Việt Nam với tư duy văn minh lúa nước hiền hòa đã gắn bó chặt chẽ với nhau để cùng sản xuất và chiến đấu. Sự gắn bó này đã không chỉ diễn ra trong phạm vi một gia đình, một dòng họ hay một địa phương mà lan tỏa trên khắp cả nước. Tình yêu thương giữa những người cùng huyết thống là tất yếu, vừa mang tính tự nhiên vừa mang tính xã hội, nhưng nét đặc biệt của Việt Nam là tình cảm sâu sắc này lại mở rộng ra phạm vi trong toàn dân tộc. Truyền thuyết mẹ Âu Cơ sinh ra chiếc bọc trăm trứng nở thành trăm con tỏa đi khắp nơi sinh sống và phát triển, người Việt Nam gọi nhau hai tiếng “đồng bào” đã phản ảnh lại nhu cầu yêu thương gắn bó của cả dân tộc. Họ đoàn kết, tương thân tương ái trong công việc làm ăn và giữ làng, giữ nước.

Củng cố và phát huy tính cộng đồng

Theo GS.TS. anh hùng lao động Vũ Khiêu, ngày nay trên con đường đổi mới và hòa nhập kinh tế, đất nước ta đang phải đương đầu với muôn ngàn khó khăn. Trước những thử thách này, làm thế nào để đạt đến thành công? Trước hết vẫn là phát huy truyền thống bất diệt của thời đại Hùng Vương, đó là truyền thống đoàn kết, gắn bó, yêu thương lẫn nhau trong toàn dân tộc. Truyền thống này sẽ trở thành động lực cho tinh thần dũng cảm và sáng tạo để hoàn thành nhiệm vụ, khắc phục khó khăn. Hiện nay khi nhiều người không kiềm chế được tham vọng, chạy theo lợi ích cá nhân dẫn đến suy thoái về lý tưởng, đạo đức và lối sống, thì việc củng cố tính cộng đồng và lòng nhân ái từ truyền thống vua Hùng càng là điều kiện quan trọng bậc nhất.

Như vậy, thời kỳ Hùng Vương là một giai đoạn rất trọng yếu của lịch sử dân tộc. Chính trong thời kỳ này đã xây dựng nên nền tảng dân tộc Việt Nam, nền tảng văn hóa Việt Nam và truyền thống tinh thần Việt Nam. Những truyền thống tốt đẹp ấy đã thấm sâu vào lòng người, trở thành một nhu cầu về tình cảm và là một biểu hiện về mặt đạo đức. Đặc biệt, truyền thống ấy còn được duy trì rất lâu, đã trở thành sức mạnh tinh thần đưa dân tộc ta vượt qua biết bao gian nan, thử thách trong suốt chiều dài lịch sử đất nước. Người dân vẫn một lòng hướng về nguồn cội và tục thờ Hùng Vương đã theo bước chân người khai phá phát triển ở khắp các vùng miền.

Ước tính, đến nay có trên 400 cơ sở thờ tự Quốc Tổ Hùng Vương trong và ngoài nước. Tín ngưỡng thờ Hùng Vương và lễ giỗ Quốc Tổ đã trở thành lễ hội văn hóa - tâm linh lớn nhất trong cả nước. Cho đến nay, tập quán thờ cúng Quốc Tổ Hùng Vương không hề mất đi ý nghĩa sâu xa ban đầu, ngược lại đã trở thành một truyền thống tốt đẹp cùng với sự tồn tại và phát triển của dân tộc. Từ truyền thống “Uống ngước nhớ nguồn”, từ lòng biết ơn tổ tiên và các thế hệ cha ông dày công dựng nước, người dân Việt Nam đã cùng nhau ra sức giữ nước như lời Bác Hồ đã dạy.

Linh Lan

 

 

Tin xem nhiều