Với phương châm hướng về cơ sở, hoạt động công đoàn toàn tỉnh trong năm 2011 đã đạt những kết quả đáng kể. Công tác chăm lo đời sống, việc làm, giải quyết những vấn đề bức xúc của công nhân lao động được các cấp công đoàn chú trọng, góp phần ổn định sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn.
Với phương châm hướng về cơ sở, hoạt động công đoàn toàn tỉnh trong năm 2011 đã đạt những kết quả đáng kể. Công tác chăm lo đời sống, việc làm, giải quyết những vấn đề bức xúc của công nhân lao động được các cấp công đoàn chú trọng, góp phần ổn định sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn.
Ông Huỳnh Tấn Kiệt, UV Ban TVTU, Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh cho biết: “Một trong những hoạt động nổi bật của công đoàn trong năm qua là đẩy mạnh việc nắm bắt và củng cố quan hệ lao động tại cơ sở trong việc tham gia thương lượng và đối thoại về các chủ trương chính sách, chế độ cho người lao động”.
* Quan tâm chăm lo cho người lao động
Theo Chủ tịch LĐLĐ tỉnh, trong năm qua LĐLĐ tỉnh tiếp tục duy trì 3 tổ công tác, với 24 cán bộ công đoàn thường xuyên phối hợp cùng công đoàn cơ sở trong các doanh nghiệp có đông công nhân để nắm bắt tình hình đời sống, việc làm và hoạt động công đoàn tại doanh nghiệp, đặc biệt là việc điều chỉnh lương, điều chỉnh vùng theo Nghị định 107 và 108 của Chính phủ. Đến nay, hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn đã thực hiện việc điều chỉnh lương cho người lao động theo quy định của pháp luật, với số tiền tăng thêm 160-180 ngàn đồng/người/tháng. Riêng các doanh nghiệp có vốn đầu tư của Nhật Bản, việc điều chỉnh lương cao hơn, với mức tăng thêm 360-430 ngàn đồng/người/tháng.
Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Huỳnh Tấn Kiệt tại lễ bàn giao thiết bị tài trợ cho Trung tâm tư vấn pháp luật của LĐLĐ tỉnh. Ảnh: P.Hằng |
Trong năm 2011, trên địa bàn tỉnh đã có 44 doanh nghiệp ngưng hoạt động hoặc thu hẹp sản xuất, với 3.763 lao động bị mất việc làm. Theo sự giám sát của công đoàn cấp trên cơ sở, tới nay hầu hết số lao động này đã được trả chế độ đầy đủ và tìm được những việc làm mới. Hiện còn 3 doanh nghiệp trong tình trạng bị ngưng hoạt động do gây ô nhiễm môi trường và tiến hành giải thể, LĐLĐ tỉnh đã làm việc với các ngành chức năng để hướng dẫn doanh nghiệp giải quyết chế độ chính sách cho người lao động.
Công đoàn các cấp còn vận động các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tích cực giúp đỡ về vật chất cho công nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn thông qua hỗ trợ vốn, xây dựng “Mái ấm công đoàn”. Để thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, nhiều công đoàn cơ sở đã thực hiện các biện pháp hỗ trợ đời sống cho công nhân. Như Công đoàn Công ty Changsin Việt Nam phối hợp với ban giám đốc công ty tổ chức bán hàng bình ổn giá cho người lao động với giá thấp hơn thị trường 15%; Công đoàn Công ty Pouchen phối hợp với ban giám đốc triển khai bán hàng thấp hơn giá trị trường 10-15% cho công nhân vào các kỳ lãnh lương...
Đối với những công nhân bị tai nạn lao động, dẫn đến tử vong hoặc thương tật, LĐLĐ tỉnh đã tích cực tham gia cùng các cơ quan chức năng điều tra xác định nguyên nhân, đảm bảo các chế độ chính sách cho gia đình các nạn nhân.
* Cần có sự phối hợp trong hoạt động công đoàn
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động công đoàn trong năm qua vẫn còn những khó khăn nhất định. Theo báo cáo của LĐLĐ tỉnh, việc chấp hành chính sách, pháp luật lao động tại các doanh nghiệp còn nhiều bất cập, trong đó có nhiều doanh nghiệp vi phạm những quy định của bộ luật lao động và các văn bản hướng dẫn thực hiện chế độ chính sách cho công nhân lao động, như: kéo dài thời gian nâng lương, thời gian ký hợp đồng lao động chính thức, không xây dựng nội quy lao động, chưa thực hiện đầy đủ chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, môi trường làm việc chưa đảm bảo…
Công nhân Công ty TNHH Changshin Việt Nam (huyện Vĩnh Cửu) mua hàng bình ổn giá do Ban giám đốc - Công đoàn công ty phối hợp triển khai. Ảnh: C.NGHĨA |
Theo ông Nguyễn Văn Thắng, Phó chủ tịch LĐLĐ Khu công nghiệp Biên Hòa, nguyên nhân xảy ra đình công tại các doanh nghiệp thời gian qua chính là việc đối thoại và thương lượng tập thể chưa được thực hiện tốt. “Cần tăng cường tập huấn kỹ năng đối thoại cho cán bộ công đoàn” - ông Thắng đề xuất. Còn bà Phan Thị Hiếu, Chủ tịch LĐLĐ huyện Nhơn Trạch thì cho rằng: “Vấn đề nợ bảo hiểm xã hội tại các doanh nghiệp hiện nay chưa được xử lý nghiêm khắc nên tình trạng này đã bị kéo dài, gây ra nhiều khó khăn trong giải quyết các chế độ chính sách cho công nhân, trong khi đó hàng tháng công nhân vẫn bị trừ lương để đóng bảo hiểm xã hội”. Một hạn chế nữa trong hoạt động công đoàn, theo bà Nguyễn Thị Ngọc Ẩn, Chủ tịch LĐLĐ TP.Biên Hòa là việc tổ chức hội nghị cán bộ công chức, người lao động và đại hội công nhân viên chức không được doanh nghiệp quan tâm hoặc có làm nhưng qua loa, đại khái.
Để giúp đỡ, hướng dẫn người lao động bảo vệ các quyền lợi chính đáng của mình trong doanh nghiệp, trong năm 2011, Trung tâm tư vấn pháp luật Liên đoàn Lao động tỉnh đã hỗ trợ pháp lý và bảo vệ tại tòa cho 64 lượt công nhân lao động bị các công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, về chế độ tai nạn lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội… Kết quả, các công ty đã chi trả cho người lao động về các nội dung trên hơn 1,4 tỷ đồng. Ngoài ra, trung tâm này còn tư vấn trực tiếp, tư vấn qua báo, đài, điện thoại, tư vấn lưu động cho hơn 26 ngàn lượt công nhân lao động về các chế độ chính sách. |
Phát biểu tại hội nghị tổng kết công tác công đoàn năm 2011 vừa qua, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái cho rằng, năm 2012 được dự báo tiếp tục có những khó khăn, do đó các cấp công đoàn với tinh thần và trách nhiệm của mình, cần phát huy những kết quả đạt được, tập trung chăm lo đời sống, việc làm cho người lao động. Tỉnh sẽ chỉ đạo hệ thống chính quyền các cấp cùng vào cuộc với tổ chức công đoàn để giải quyết những vấn đề khó khăn hiện nay của công đoàn, đồng thời chỉ đạo giải quyết vấn đề nợ bảo hiểm xã hội tại các doanh nghiệp, đảm bảo thực hiện hiệu quả các chế độ chính sách cho người lao động.
Phương Hằng