Báo Đồng Nai điện tử
En

Trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ

Phương Hằng
07:39, 18/09/2023

Người đứng đầu - dù đứng đầu ở tổ chức nào trong hệ thống chính trị cũng là cán bộ của Đảng, là đại diện cho Đảng để lãnh đạo tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Ủy viên Ban TVTU, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Đào Văn Phước phát biểu thảo luận tại hội nghị góp ý đề án “Quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức Đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ”, do Ban Tổ chức Trung ương tổ chức ngày 15-9-2023

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Quang Dương cho biết, để cụ thể hóa các chủ trương của Đảng về thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu, Bộ Chính trị đã giao cho Ban Tổ chức Trung ương tham mưu xây dựng dự thảo Quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức Đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ.

Thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu

Theo Phó trưởng ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Quang Dương, dự thảo Quy định có 4 chương, 9 điều quy định thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức Đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị trong công tác cán bộ (gồm các nội dung: đánh giá, quy hoạch, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử) và quản lý cán bộ (gồm các nội dung: tuyển chọn, bố trí, phân công, điều động, luân chuyển, biệt phái, miễn nhiệm, tạm đình chỉ, đình chỉ và cho thôi chức vụ đối với cán bộ).

Phó trưởng ban Tổ chức Trung ương NGUYỄN QUANG DƯƠNG nhận xét, các đề xuất kiến nghị của các tỉnh, thành phố rất sát với tình hình thực tiễn của địa phương. Các ý kiến góp ý sẽ được tiếp thu để bổ sung, hoàn thiện dự thảo quy định, trình tập thể lãnh đạo Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Chính trị xem xét, quyết định.

Người đứng đầu theo quy định này bao gồm toàn bộ các chức danh, chức vụ đứng đầu cấp ủy, tổ chức Đảng, tập thể lãnh đạo các tổ chức, cơ quan của Đảng, Nhà nước, MTTQ, tổ chức chính trị - xã hội, các hội do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước từ Trung ương đến cơ sở (riêng lực lượng vũ trang có quy định riêng).

Điểm lưu ý ở quy định này là, người đứng đầu phải trực tiếp nhận xét, đánh giá đối với cấp phó và cán bộ, công chức thuộc thẩm quyền quản lý hành chính của mình; nơi có cơ quan, đơn vị trực thuộc thì nhận xét, đánh giá đến cấp trưởng các cơ quan, đơn vị trực thuộc.

Trên cơ sở đề xuất nhận xét, đánh giá của người đứng đầu, tập thể lãnh đạo xem xét, thảo luận, đánh giá toàn diện, biểu quyết, kết luận đánh giá và xếp loại chất lượng cán bộ theo các nội dung của Quy chế đánh giá cán bộ. Người đứng đầu có quyền bảo lưu và chịu trách nhiệm về nhận xét, đánh giá của mình nếu khác với nhận xét, đánh giá của tập thể.

Căn cứ vào Quy định về công tác quy hoạch cán bộ và báo cáo của cơ quan tham mưu về công tác tổ chức cán bộ, người đứng đầu đề xuất, giới thiệu quy hoạch, bổ sung quy hoạch người thay thế mình và cấp phó của mình, đảm bảo đúng tiêu chuẩn và điều kiện theo quy trình.

Trong bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, người đứng đầu được đề xuất, giới thiệu 1 nhân sự cho một chức danh được đề nghị bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử.

Xác định trách nhiệm và xử lý trách nhiệm

Người đứng đầu phải kiểm điểm rõ trách nhiệm khi cán bộ do mình trực tiếp đề xuất, giới thiệu theo quy định này vi phạm khuyết điểm, bị xử lý kỷ luật, xử lý bằng pháp luật (kể cả khi người đứng đầu đã chuyển công tác hoặc nghỉ hưu).

Người đứng đầu được xem xét không áp dụng hình thức kỷ luật hoặc giảm nhẹ hình thức kỷ luật khi đã chủ động, kịp thời phát hiện, ngăn chặn sai phạm và xử lý nghiêm minh cán bộ vi phạm, báo cáo cấp có thẩm quyền; hoặc cán bộ do mình đề xuất, giới thiệu đã chuyển đến cơ quan, đơn vị mới công tác và hành vi vi phạm kỷ luật, vi phạm pháp luật xảy ra ở đơn vị mới.

Nếu người đứng đầu bao che, không cương quyết xử lý nghiêm minh sai phạm của cán bộ cấp dưới, nhất là cán bộ do mình đề xuất, giới thiệu; không kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền thì phải bố trí chuyển công tác, hoặc bị xem xét xử lý trách nhiệm tương ứng.

Đóng góp vào dự thảo quy định, Ủy viên Ban TVTU, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Đào Văn Phước kiến nghị, trong dự thảo quy định cần bổ sung về đối tượng áp dụng và thẩm quyền trách nhiệm của người đứng đầu. Cụ thể, đề nghị bổ sung trách nhiệm của người được giao quyền hoặc người được phụ trách thực hiện thẩm quyền, trách nhiệm như người đứng đầu trong thời gian đơn vị đó đang chờ kiện toàn chức danh cấp trưởng. Đồng thời, cân nhắc vấn đề người đứng đầu phải chịu trách nhiệm khi giới thiệu cán bộ cho tổ chức bổ nhiệm. Bởi vì trong thực tế có trường hợp, người được giới thiệu trong những năm đầu nhiệm kỳ thực hiện nhiệm vụ rất tốt nhưng về sau mới xảy ra vi phạm...

Tại hội nghị trực tuyến đóng góp ý kiến vào dự thảo quy định này do Ban Tổ chức Trung ương tổ chức ngày 15-9, nhiều địa phương khác trên cả nước cũng đồng quan điểm như kiến nghị của tỉnh Đồng Nai.

Ngoài ra, một số ý kiến đề nghị, phần Chương II về Thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu trong đánh giá, quy hoạch, bổ nhiệm, quản lý cán bộ còn rất chung chung, chưa rõ so với Quy định số 80-QĐ/TW, ngày 18-8-2022 của Bộ Chính trị về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử. Do đó, trong chương này cần cân nhắc về quyền và trách nhiệm của người đứng đầu trong nhận xét, đánh giá, quy hoạch và bổ nhiệm cán bộ.

Cơ quan soạn thảo dự thảo quy định này cũng quy định rõ hơn trong việc phân loại vi phạm của cán bộ theo các hành vi trực tiếp, liên đới và các vi phạm khác để có các hình thức, mức độ xử lý phù hợp.

Về thời gian chịu trách nhiệm của người đứng đầu khi cán bộ được giới thiệu quy hoạch, bổ nhiệm mà vi phạm thì nên quy định không quá một nhiệm kỳ. Khi tổ chức kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu cần có quy định, quy trình cụ thể, rõ ràng để làm cơ sở thiết lập hồ sơ xử lý kỷ luật...

Phương Hằng

Tin xem nhiều