Được tiếp cận thông tin, hỗ trợ bày tỏ ý kiến, được lắng nghe, tôn trọng, tham gia các nhóm và bàn bạc, quyết định các vấn đề liên quan đến trẻ em… là những việc mà các cấp, các ngành đã và đang nỗ lực thực hiện nhằm đảm bảo quyền trẻ em.
Đại biểu trẻ em bày tỏ ý kiến tại Diễn đàn trẻ em năm 2023 do UBND tỉnh tổ chức vào tháng 7 vừa qua. Ảnh: N.SƠN |
Trong đó có các mô hình hỗ trợ, tạo cơ hội để trẻ nói lên tâm tư, nguyện vọng; đồng thời đề xuất, kiến nghị những giải pháp để tổ chức các hoạt động sát với nhu cầu của trẻ.
Tạo cơ hội để trẻ tham gia ý kiến
Một trong những mô hình hiệu quả đã và đang được các cấp, các ngành duy trì tổ chức hàng năm là Diễn đàn trẻ em. Để thống nhất cách thức tổ chức, năm 2019, Bộ LĐ-TBXH đã ban hành Thông tư 29/2019/TT-BLĐTBXH hướng dẫn tổ chức Diễn đàn trẻ em. Thông tư đề ra nguyên tắc tổ chức Diễn đàn trẻ em, hướng dẫn xác định nội dung diễn đàn; thời gian, thời lượng tổ chức diễn đàn; thành phần, số lượng, tiêu chí chọn đại biểu tham gia diễn dàn; các hoạt động trước, trong và sau diễn đàn…
Hàng năm, UBND tỉnh đều ban hành kế hoạch tổ chức Diễn đàn trẻ em với những chủ đề khác nhau, bám sát tình hình thực tiễn, những vấn đề mà trẻ em và cộng đồng xã hội quan tâm. Trên cơ sở kế hoạch của UBND tỉnh, từ tháng 5, mà nhất là trong tháng 6 - Tháng Hành động vì trẻ em, các huyện, TP.Long Khánh và TP.Biên Hòa đã tổ chức Diễn đàn trẻ em cấp huyện. Và cuối tháng 7-2023, UBND tỉnh đã tổ chức Diễn đàn trẻ em cấp tỉnh.
Trong tháng 9, Trung ương Đoàn, Hội đồng Đội Trung ương sẽ phối hợp với Ủy ban Văn hóa - giáo dục của Quốc hội tổ chức Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em lần thứ I-2023. Đây là mô hình mới nhằm thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề liên quan đến trẻ em…
Qua ghi nhận tại Diễn đàn trẻ em cấp huyện, cấp tỉnh cho thấy, đại biểu đại diện cho trẻ em trong toàn tỉnh đã phát huy tốt quyền trẻ em, mạnh dạn bày tỏ ý kiến về các vấn đề đang gặp phải trong đời sống, học tập, vui chơi giải trí... của chính các em.
Nhằm phát huy quyền trẻ em, lắng nghe tiếng nói của trẻ, từ năm 2020, Hội đồng Đội tỉnh đã thành lập Hội đồng trẻ em cấp tỉnh; đồng thời, chỉ đạo thành lập Hội đồng trẻ em cấp huyện. Tính đến nay, toàn tỉnh đã có 9/11 đơn vị cấp huyện thành lập được Hội đồng Trẻ em.
Anh Võ Văn Trung, Phó bí thư thường trực Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh cho biết, Hội đồng trẻ em là tập hợp các đại biểu đại diện cho trẻ em trên địa bàn tỉnh, do chính trẻ em trực tiếp điều hành dưới sự hướng dẫn của ban tham vấn (là đại diện tổ chức Đoàn, Đội và các sở, ngành, chuyên gia).
Hội đồng trẻ em các cấp định kỳ tổ chức 2 kỳ họp/năm. Đây là cơ hội để đại biểu trẻ em bày tỏ ý kiến, nguyện vọng về những vấn đề liên quan đến trẻ em tại các địa phương; hoặc cũng có thể tham gia đóng góp ý kiến vào chương trình công tác Đội và phong trào thiếu nhi năm học mới… Hoạt động của Hội đồng trẻ em đã và đang góp phần nâng cao năng lực cho trẻ em trong việc thực hiện quyền tham gia của trẻ em theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, tại các liên đội còn bố trí hòm thư Điều em muốn nói, diễn đàn Lắng nghe trẻ em nói… để tạo cơ hội cho đội viên thiếu nhi bày tỏ suy nghĩ, giúp các em mạnh dạn, tự tin, có kỹ năng truyền tải vấn đề.
Tiếp tục thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em
Quyền tham gia của trẻ em là một trong 4 nhóm quyền cơ bản của trẻ em được quy định tại Luật Trẻ em năm 2016. Quyền tham gia giúp trẻ em chủ động và tích cực trong cuộc sống, giúp trẻ em có cơ hội thể hiện và hiểu được cảm nghĩ, nhu cầu của chính mình. Từ đó nhận thức được quyền, được trao quyền, được bảo vệ và học cách tự bảo vệ mình.
Nhận thức được tầm quan trọng của việc thực hiện quyền tham gia của trẻ em, Trung ương Đoàn đã ban hành Đề án Đoàn TNCSHCM thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề của trẻ em giai đoạn 2023-2027 (gọi tắt là đề án). Trên cơ sở đề án của Trung ương, Tỉnh đoàn đã xây dựng dự thảo đề án giai đoạn 2023-2027 trên địa bàn tỉnh.
2 trong số các chỉ tiêu mà dự thảo đề án đề ra đó là: phấn đấu từ nay đến năm 2027, có 70% thiếu niên trong các liên đội THCS được tham gia vào các mô hình, hoạt động thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em; phấn đấu có ít nhất 700 ngàn lượt trẻ em được lấy ý kiến, nguyện vọng về các vấn đề trẻ em quan tâm thông qua các hoạt động Đoàn, Đội.
Để đạt được mục tiêu và các chỉ tiêu đề ra, dự thảo đề án đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp nhằm thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em; trong đó có các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về quyền tham gia của trẻ em. Thông qua các hoạt động tập huấn, bồi dưỡng để trang bị kiến thức, kỹ năng thực hiện quyền trẻ em, thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em cho đội ngũ cán bộ Đoàn, Hội, Đội các cấp, giáo viên làm Tổng phụ trách Đội…
Bên cạnh đó là phát huy các mô hình, hoạt động thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em; tổ chức các hoạt động lấy ý kiến, kiến nghị của trẻ em trước khi đưa ra các quyết sách dành cho trẻ em. Đồng thời, tăng cường giám sát việc thực hiện quyền trẻ em trên cơ sở các ý kiến, nguyện vọng của các em…
Tham gia đóng góp ý kiến vào dự thảo Đề án tại hội nghị tổng kết công tác Đội và phong trào thiếu nhi được tổ chức mới đây, một số ý kiến của giáo viên Tổng phụ trách Đội đề nghị diễn đàn, kỳ họp của Hội đồng trẻ em hoặc các hoạt động thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em nên có sự tham gia của phụ huynh. Có như vậy, việc giải đáp các ý kiến của trẻ sẽ đầy đủ hơn, quyền của trẻ em cũng được phát huy cao hơn.
Nga Sơn
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin