Thực hiện Quy định số 11-QÐi/TW ngày 18-2-2019 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền của Đồng Nai không chỉ nghiêm túc triển khai quy định mà còn có nhiều cách làm sáng tạo nhằm đạt hiệu quả tốt nhất.
Thông tin từ Ban Dân vận Tỉnh ủy cho hay, từ tháng 10-2020 đến nay, Bí thư Tỉnh ủy đã tiếp 14 lượt công dân; bí thư các huyện ủy, thành ủy tiếp 298 lượt công dân; bí thư Đảng ủy các xã, phường, thị trấn đã tiếp 2.096 lượt công dân phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo. Cấp tỉnh đã tiếp nhận và xử lý 3.013/3.013 đơn thư gửi đến Bí thư Tỉnh ủy và Thường trực Tỉnh ủy giao (đạt 100%); cấp huyện đã tiếp nhận và xử lý 1.840/1.888 đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh (tỷ lệ 97,4%).
Về thực hiện Quyết định 728-QĐ/TU ngày 12-9-2014 của Ban TVTU về quy chế đối thoại giữa người đứng đầu các cấp ủy Đảng, người đứng đầu chính quyền ở địa phương các cấp với nhân dân được quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt. Từ năm 2020 đến nay, Bí thư Tỉnh ủy tổ chức 4 cuộc đối thoại với 430 lượt hội viên phụ nữ, đoàn viên, người lao động và nhân dân trên địa bàn H.Long Thành; bí thư, chủ tịch UBND các huyện, thành ủy tổ chức trên 45 cuộc; cấp xã tổ chức trên 335 cuộc đối thoại với dân.
Không chỉ thực hiện tiếp và đối thoại với dân theo kế hoạch, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các địa phương còn tranh thủ tiếp dân vào các buổi sáng các ngày trong tuần, mỗi ngày một giờ. Thậm chí, vào ngày nghỉ, một số lãnh đạo địa phương còn thực hiện mô hình Cà phê với doanh nhân, doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN, đời sống, việc làm của người lao động. Từ đó, giải quyết ngay những khó khăn còn tồn tại, gỡ nút thắt nhằm đồng hành cùng doanh nhân, doanh nghiệp phát triển.
Đáng mừng là sau các buổi tiếp công dân và đối thoại, những vấn đề được nhân dân phản ánh, kiến nghị, góp ý đều được người đứng đầu cấp ủy, chính quyền ghi nhận và tiếp thu; đồng thời chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho các cơ quan liên quan có thẩm quyền giải quyết dứt điểm. Tiếp công dân, đối thoại không còn là việc “làm cho có”, mang tính hình thức mà thực sự đã tạo được hiệu quả tốt, giải quyết nhiều vướng mắc phát sinh từ cơ sở, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Quan trọng hơn, hiệu quả sau những cuộc tiếp dân, đối thoại đã tạo được sự đồng thuận, niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, công tác quản lý, điều hành của chính quyền các cấp.
Minh Ngọc
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin