Phát triển vùng và liên kết vùng từ nhiều năm qua là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước với nhiều quyết sách quan trọng xuất phát từ thực tiễn khách quan, yêu cầu tất yếu trong tiến trình phát triển của mỗi địa phương, mỗi vùng, miền, cùng cả nước tiến bước xa hơn, nhanh hơn và bền vững hơn trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng.
Là vùng địa kinh tế - chính trị - văn hóa có vai trò quan trọng, Đông Nam bộ với đầu tàu là TP.HCM, cùng với Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh… từ nhiều năm qua đã giữ vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Một vùng đất được xem là “vùng đất mới” so với chiều dài hàng ngàn năm lịch sử của dân tộc với 325 hình thành và phát triển, Đông Nam bộ đã được xem là “miền đất lành” hội đủ “thiên thời - địa lợi - nhân hòa” của biết bao thế hệ người dân từ muôn nơi cùng tụ họp về lập thân - lập nghiệp, để rồi hun đúc trong mình những đặc trưng văn hóa vùng miền trong dòng chảy văn hóa chung của dân tộc. Đây cũng là vùng đất có truyền thống cách mạng, được mệnh danh là một “miền Đông gian lao mà anh dũng” với tinh thần tự lực tự cường… trong những chiến khu xưa.
Trong bản đồ kinh tế Việt Nam, Đông Nam bộ là một cực tăng trưởng lớn, năm 2020, quy mô tổng sản phẩm toàn vùng (GRDP) gấp 4,9 lần so với năm 2005 và 2,6 lần so với năm 2010; đóng góp 32% tổng sản phẩm quốc nội; 44,7% tổng thu ngân sách nhà nước. GRDP bình quân đầu người năm 2020 cao nhất cả nước. Không chỉ kinh tế tư nhân phát triển mạnh với số lượng doanh nghiệp đứng đầu cả nước, Đông Nam bộ còn là địa bàn thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất, chiếm 41,1% tổng vốn FDI. Tỷ lệ đô thị hóa toàn vùng đạt 67%. Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 79,5%, đứng thứ 2 các vùng trong cả nước…
Dù vậy, tiến trình phát triển của vùng Đông Nam bộ vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế vốn có của vùng. Tăng trưởng kinh tế có xu hướng chậm lại và thấp hơn cả nước; đóng góp vào tổng thu ngân sách nhà nước giảm…
Nguyên nhân của những hạn chế trên được chỉ ra là do: nhận thức về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của vùng và liên kết vùng chưa đầy đủ; một số mục tiêu đề ra khá cao trong khi huy động và sử dụng nguồn lực còn hạn chế; thể chế liên kết vùng chưa đồng bộ, hiệu lực hiệu quả… Những nguyên nhân nội tại trên kết hợp với tình hình thế giới, tình hình khu vực diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường; cộng với những ảnh hưởng sâu sắc, chưa từng có sau đại dịch Covid-19, đã và đang đặt ra những thách thức không nhỏ cho sự phát triển nhanh chóng và bền vững của toàn vùng.
Nhận thức ngày càng rõ hơn vị trí, vai trò, tầm quan trọng của vùng, cũng như những thuận lợi và thách thức đan xen trong bối cảnh, tình hình mới, các địa phương trong miền Đông Nam bộ nói riêng và các khu vực khác trong cả nước nói chung đã và đang huy động tối đa mọi nguồn lực để tổ chức triển khai thực hiện các nghị quyết của Đảng. Trong đó, hệ thống báo chí của Đảng đã có những nỗ lực trong tuyên truyền liên kết vùng, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.
Thực tiễn cho thấy, hệ thống báo chí của Đảng không chỉ là “người thư ký” trung thành, khách quan của thời đại, mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc dẫn dắt luồng thông tin chính thống, định hướng dư luận xã hội; đồng thời, tham gia phản ánh, kịp thời đưa ra những đề xuất, kiến giải sinh động từ thực tiễn, từ đó góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của xã hội. Nhận thức vai trò và nhiệm vụ chính trị của mình, thời gian qua, các cơ quan báo chí của Đảng đã tuyên truyền liên kết vùng vừa có độ phổ quát với số lượng nhiều về thông tin, chuyên trang, chuyên mục; dày dặn, bao quát các lĩnh vực: kinh tế - chính trị - xã hội - quốc phòng - an ninh, văn hóa…; vừa có độ sâu với nhiều bài viết mang tính phân tích, kiến giải, dự báo vấn đề có chất lượng, đạt được nhiều giải thưởng báo chí uy tín trong cả nước.
Từ nhận thức, tư duy, tầm nhìn đã có, được sự cho phép của Thường trực Tỉnh ủy, Báo Đồng Nai tổ chức hội thảo báo Đảng miền Đông Nam bộ mở rộng năm 2023 với chủ đề: Báo Đảng với việc tuyên truyền liên kết vùng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Thông qua các hoạt động tại hội thảo nhằm chia sẻ kinh nghiệm, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động phối hợp tuyên truyền của các cơ quan báo Đảng khu vực Đông Nam bộ và các khu vực khác trong cả nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, của vùng và của cả nước.
Hội thảo lần này sẽ góp thêm một “nhịp cầu nối” để các cơ quan báo chí của Đảng hội ngộ, chia sẻ, đúc kết những kinh nghiệm hay, những bài học quý, những ý kiến chỉ đạo, đề xuất, kiến nghị vững vàng về cơ sở lý luận, thấm đẫm cơ sở thực tiễn từ các đồng chí lãnh đạo trung ương và địa phương, các nhà khoa học, các cơ quan báo chí trong và ngoài khu vực tại hội thảo; từ đó có thể vận dụng linh hoạt vào thực tiễn thực hiện nhiệm vụ chính trị của mỗi cơ quan, đơn vị và địa phương.
Và hơn hết, những chia sẻ thẳng thắn, chân thành trên tinh thần xây dựng và phát triển sẽ vun đắp thêm tình đoàn kết giữa các cơ quan báo chí của Đảng. Đó là “chất xúc tác”, nguồn động lực tinh thần to lớn góp phần để các cơ quan báo chí của Đảng thực hiện tốt hơn nữa vai trò và nhiệm vụ chính trị của mình, đóng góp tích cực hơn nữa vào sự phát triển phồn vinh, bền vững của các địa phương, của vùng và cả nước.
Lâm Viên
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin