Thời gian qua, công tác dân vận nói chung và công tác dân vận chính quyền nói riêng trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào sự ổn định xã hội và phát triển kinh tế của tỉnh.
Cán bộ, công chức tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính cho người dân ở Trung tâm Hành chính công tỉnh. Ảnh: P.HẰNG |
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, có lúc, có nơi, công tác dân vận chính quyền vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra.
Cần cải thiện các chỉ số
Phó trưởng ban thường trực Ban Dân vận Tỉnh ủy Phạm Thị Kim Chung cho biết, Đồng Nai là tỉnh có cơ cấu dân số và tình hình tôn giáo, dân tộc đa dạng, tương đối phức tạp. Tuy nhiên, trong những năm qua, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh được giữ vững; công tác an sinh xã hội được chú trọng thực hiện; đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh chỉ còn dưới 2%. Trên địa bàn tỉnh đang triển khai nhiều công trình, dự án trọng điểm cấp quốc gia, được nhân dân cơ bản đồng tình ủng hộ.
Bên cạnh những kết quả tích cực mà tỉnh đạt được trong thời gian qua, còn không ít vấn đề phải quan tâm để thực hiện ngày càng tốt hơn. Theo Phó trưởng ban thường trực Ban Dân vận Tỉnh ủy Phạm Thị Kim Chung, quá trình triển khai thực hiện các dự án, tình trạng khiếu kiện liên quan đến công tác đền bù, thu hồi đất vẫn còn diễn ra. Đời sống của một bộ phận người dân thuộc diện có đất bị thu hồi để thực hiện các dự án nhìn chung còn gặp nhiều khó khăn.
Từ năm 2009 đến nay, tỉnh đều khảo sát mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp (DN) về sự phục vụ của cơ quan hành chính. Qua khảo sát, mức độ hài lòng của người dân, DN có cải thiện nhưng còn một số tiêu chí vẫn chưa đạt yêu cầu như: gần 3% ý kiến cho biết cấp sở, ngành và 2,4% ý kiến cho biết cấp huyện còn nhũng nhiễu; gần 2% ý kiến cho biết cấp sở, ngành và 3,6% ý kiến cho biết cấp huyện còn yêu cầu người dân, DN phải nộp phí ngoài quy định.
Theo Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, thời gian tới, các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh cần kịp thời biểu dương, khen thưởng những tổ chức, cá nhân làm tốt; kiểm điểm, xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân thiếu tinh thần trách nhiệm, không thực hiện đúng quy chế công tác dân vận và các quy định về thực hiện dân chủ ở cơ sở. Đồng thời, tăng cường đối thoại, tiếp xúc trực tiếp giữa người đứng đầu chính quyền các cấp với nhân dân và giải quyết kịp thời bức xúc, kiến nghị của nhân dân.
Đồng chí Phạm Thị Kim Chung cho rằng, mặc dù giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh có nhiều nỗ lực và chuyển biến tích cực nhưng ở những lĩnh vực có tính nhạy cảm, dễ phát sinh nhũng nhiễu, tiêu cực như: đất đai, đầu tư, xây dựng, thuế, tư pháp... còn phức tạp, thời gian giải quyết kéo dài, phiền hà cho người dân và DN.
Hồ sơ về thủ tục đất đai còn tình trạng khi tiếp nhận ban đầu không rà soát chặt chẽ, hướng dẫn ngay cho tổ chức, cá nhân, dẫn đến sau đó phải trả lại hoặc đề nghị người dân, DN bổ sung nhiều lần. Cụ thể, ở cấp cơ sở, năm 2020, có hơn 6,1 ngàn hồ sơ (chiếm 5,14%) giải quyết trễ hẹn, hồ sơ yêu cầu bổ sung hoặc trả hồ sơ; đến năm 2022, số hồ sơ thuộc diện này còn tăng lên gần 9 ngàn hồ sơ.
Ở cấp huyện, năm 2021, có hơn 58,7 ngàn hồ sơ (chiếm gần 15%) giải quyết trễ hẹn, hồ sơ yêu cầu bổ sung, hồ sơ ngừng xử lý hoặc trả lại hồ sơ cho người dân; đến năm 2022, hồ sơ giải quyết trễ hẹn, hồ sơ yêu cầu bổ sung giấy tờ tăng lên 117 ngàn...
Ngoài ra, còn một số vấn đề như: công tác tiếp công dân, đối thoại giữa người đứng đầu cơ quan nhà nước với nhân dân; việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân ở một số địa phương, đơn vị chưa được quan tâm đúng mức. Ở một số dự án như: Khu kinh tế sinh thái Long Hưng, Khu du lịch Sơn Tiên (TP.Biên Hòa), Khu công nghiệp Hố Nai (H.Trảng Bom)... vẫn còn tình trạng khiếu kiện đông người, kéo dài.
Dân vận chính quyền cần đi vào thực chất
Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh Bùi Quang Huy nhận xét, thỉnh thoảng trên báo chí thấy hình ảnh cán bộ, công chức ra quân làm công tác dân vận như: trao quà cho người dân nghèo; trao tặng nhà tình thương; dọn dẹp vệ sinh đường phố, khai thông cống rãnh... thật đông vui, rộn ràng, vì phần nhiều các hoạt động này đều có băng-rôn, khẩu hiệu. Dân vận, nhất là thời nay, cũng cần hình thức như thế để cho mọi người biết mà hưởng ứng. Song, nếu chỉ chú trọng đến việc “trống giong cờ mở” thì chưa đạt yêu cầu, chưa đủ. Hiệu quả dân vận của chính quyền trước hết là hiệu quả của việc thực thi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, ở việc thực thi trách nhiệm của chính quyền và các cơ quan nhà nước ở tất cả các cấp.
Một địa phương, mít tinh, khẩu hiệu, băng-rôn không nhiều nhưng kinh tế phát triển, xã hội lành mạnh, những bức xúc chính đáng của người dân được giải quyết một cách căn bản, người dân nơi đó tham gia đông đảo và hăng hái các việc kiến quốc do chính quyền khởi xướng thì nơi ấy có thể hình dung công tác dân vận của chính quyền được thực hiện tốt. Trái lại, có nơi, băng-rôn, khẩu hiệu giăng mắc đầy đường nhưng bao việc dân bức xúc, kiến nghị vẫn chưa được chính quyền giải quyết tốt.
Ngày nay, công việc của chính quyền ngày càng nhiều, yêu cầu và độ phức tạp ngày càng cao, nhưng biên chế không tăng mà còn giảm. Đây là điều tất yếu, đòi hỏi chính quyền và đội ngũ cán bộ, công chức phải nỗ lực thay đổi và đáp ứng yêu cầu hiện nay.
Mặt khác, hiện có tình trạng nhiều cán bộ, công chức bàng quang với mọi sự, nếu như việc đó không liên quan trực tiếp đến mình. Công chức các cấp còn phát sinh thêm một loại “bệnh”, đó là bệnh sợ sai. Vì bệnh này mà nhiều công việc bê trễ, đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan, đơn vị lẫn nhau...
Phương Hằng
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin