Báo Đồng Nai điện tử
En

Chiến sĩ Trường Sa - Bốn mươi năm sâu nặng nghĩa tình

03:04, 27/04/2015

Cuộc hội ngộ của hơn 50 cựu chiến binh từng tiến công giải phóng và tiếp quản quần đảo Trường Sa từ 40 năm về trước vừa diễn ra tại TP.Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa đầy ắp tiếng cười và những vòng tay siết chặt.

Cuộc hội ngộ của hơn 50 cựu chiến binh từng tiến công giải phóng và tiếp quản quần đảo Trường Sa từ 40 năm về trước vừa diễn ra tại TP.Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa đầy ắp tiếng cười và những vòng tay siết chặt.

Giữ vững thành quả cách mạng của thế hệ cha ông, các chiến sĩ trẻ ngày đêm luyện tập, canh giữ biển trời. Trong ảnh: Duyệt đội ngũ tại đảo Trường Sa.
Giữ vững thành quả cách mạng của thế hệ cha ông, các chiến sĩ trẻ ngày đêm luyện tập, canh giữ biển trời. Trong ảnh: Duyệt đội ngũ tại đảo Trường Sa.

Họ vẫn tỏ ra mạnh mẽ như đã từng là những chiến sĩ cưỡi sóng, vượt gió để tấn công địch trong khí thế đại thắng mùa xuân 1975, lần lượt giải phóng các đảo khơi xa thuộc chủ quyền của dân tộc Việt Nam.

Bốn mươi năm trôi qua từ thời thanh xuân ấy, giờ hầu hết họ đều ở độ tuổi trên dưới 60, mái tóc bắt đầu điểm bạc. Để tham dự cuộc gặp gỡ này, những cựu chiến binh ở các tỉnh: Nam Định, Hà Nam, Thái Bình, Quảng Ninh và Thủ đô Hà Nội phải tạm gác công việc thường nhật và vượt hàng ngàn cây số để vào Nam, cùng với những đồng đội ở Khánh Hòa phối hợp tổ chức, thông qua Ban Liên lạc cựu chiến binh tham gia giải phóng và tiếp quản quần đảo Trường Sa, vốn đã chọn Nha Trang là “bản doanh” làm đầu mối liên lạc.

Từ năm 1990, các cựu chiến binh Trường Sa đã chọn ngày 29-3 hàng năm làm buổi gặp mặt. Những cuộc gặp gỡ hàng năm cũng lần lượt được tổ chức khi nơi này, khi tỉnh khác. Đây là dịp để anh em cùng đơn vị hoặc chưa biết nhau nhưng đều thuộc những mũi tiến công góp phần giải phóng hoàn toàn quần đảo Trường Sa, cùng ôn lại những ngày tháng gian khổ nhưng hào hùng và chia sẻ, giúp đỡ, động viên nhau trước những khó khăn đời thường.

Cựu chiến binh Đỗ Thanh Liêm, 59 tuổi, sinh sống ở TP.Nam Định, đã khăn gói lên đường vào Khánh Hòa. Mặc dù hiện là giảng viên Trường trung cấp cơ điện Nam Định, ông quyết định thu xếp chuyến đi này cho bằng được. Ông Liêm cho biết: Sau khi tham gia giải phóng quần đảo Trường Sa, ông còn phục vụ trong quân đội một thời gian. Đến năm 1980, ông xuất ngũ trở về miền Bắc, theo học ở Trường đại học bách khoa Hà Nội, rồi công tác và cưới vợ. Năm nào có điều kiện, ông lại khăn gói lên đường để gặp đồng đội và có thêm những người bạn cũng cùng chiến đấu ở Trường Sa trong sự kiện lịch sử của đời lính.

Chủ tịch Hội Doanh nhân cựu chiến binh tỉnh Khánh Hòa, Trưởng ban Liên lạc cựu chiến binh giải phóng quần đảo Trường Sa Nguyễn Xuân Thùy nói: “Sau khi tham gia giải phóng và tiếp quản quần đảo Trường Sa, đội ngũ chúng tôi có người tiếp tục con đường binh nghiệp, còn lại về với đời thường; trong đó, một số anh em gắn bó với ruộng đồng hoặc tham gia công tác chính quyền địa phương, một số anh em mở doanh nghiệp và trở thành những doanh nhân làm giàu, góp phần dân giàu nước mạnh. Mỗi năm, chúng tôi gặp nhau để chia sẻ cho nhau, người có điều kiện sẽ giúp người còn khó khăn. Anh em chúng tôi luôn giữ truyền thống và khí thế từ những ngày giải phóng Trường Sa. Đây là sự kiện nhỏ trong cả một chiến dịch giải phóng hoàn toàn miền Nam, nhưng có ý nghĩa rất lớn”.

Vào năm 1989 khi trở thành đơn vị hành chính của tỉnh Khánh Hòa, huyện đảo Trường Sa đã kết hợp chặt chẽ các nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia và phát triển kinh tế biển. Cùng với sự quan tâm của cả nước, tỉnh Khánh Hòa đã đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi xã hội như trường học, bệnh xá, hệ thống điện; hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, phương tiện đánh bắt hải sản... giúp đời sống nhân dân ở các đảo được ổn định và ngày càng nâng cao.

Ý nghĩa đó khiến họ luôn nhớ đến thời khắc cờ Tổ quốc lần lượt tung bay trên các đảo, bắt đầu từ đảo Song Tử Tây vào rạng sáng 14-4-1975. Cựu chiến binh Trần Văn Bông, quê tỉnh Hà Nam, giờ đã bước sang tuổi 62, giọng sang sảng kể lại: “Ngày ấy, tôi là chiến sĩ thuộc đơn vị hỏa lực của Quân khu 5. Khi tiếp cận và tấn công lên đảo, chúng tôi đánh 3 tiếng đồng hồ là giải phóng được đảo. Quần nhau với địch, ngoài số bị tiêu diệt, chúng tôi bắt sống được 29 tên còn lại. Đến rạng sáng 14-4, đảo Song Tử Tây đã hoàn toàn giải phóng”.

Sau thời điểm đó, Bộ Tư lệnh hải quân tiếp tục điều động một biên đội tàu (673, 675 và 641) cùng Đội 1 của Đoàn đặc công và Tiểu đoàn 471 của Quân khu 5 ra giải phóng các đảo khác là: Sơn Ca (ngày 25-4), Nam Yết (27-4), Sinh Tồn (28-4), Trường Sa lớn và các đảo còn lại (29-4).

Các cựu binh gặp mặt ôn lại những kỷ niệm ngày còn ở Trường Sa.
Các cựu binh gặp mặt ôn lại những kỷ niệm ngày còn ở Trường Sa.

Buổi gặp gỡ các cựu chiến binh từng tham gia giải phóng và tiếp quản Trường Sa tại thành phố biển Nha Trang nhân dịp tròn 40 năm giải phóng vẫn còn một vài trăn trở. Đó là làm sao để anh em cựu chiến binh có dịp trở lại huyện đảo Trường Sa để tận mắt thấy được thành quả của họ và sự chung tay góp sức của Đảng cùng nhân dân cả nước giúp Trường Sa ngày càng vững mạnh như bây giờ. Đó là làm sao tập hợp nhiều nhất những cựu chiến binh một thời máu lửa như họ, để anh em được sinh hoạt trong một tổ chức quy củ.

Những người lính Trường Sa năm xưa nắm chặt tay nhau, động viên nhau luôn giữ vững tinh thần, bản lĩnh của người lính, cùng phấn đấu vươn lên trong cuộc sống... Và, họ lại hẹn sẽ gặp nhau vào mùa xuân năm tới với nghĩa tình chiến sĩ Trường Sa.

Tiên Minh

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều