Báo Đồng Nai điện tử
En

Học cách dùng người của Bác Hồ

08:01, 20/01/2012

Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng đội ngũ cán bộ được đề cập trên nhiều phương diện, trong đó khâu quan trọng nhất là đánh giá cán bộ, sử dụng cán bộ.

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890 - 1969).
Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890 - 1969).

Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng đội ngũ cán bộ được đề cập trên nhiều phương diện, trong đó khâu quan trọng nhất là đánh giá cán bộ, sử dụng cán bộ.

Người cho đây là cả một vấn đề khoa học và nghệ thuật, phải luôn ghi nhớ: “Công việc thành hay bại đều từ cán bộ mà ra''. “Phải khéo dùng cán bộ, không có ai cái gì cũng tốt, cái gì cũng hay. Vì vậy, chúng ta phải khéo dùng người, sửa chữa những khuyết điểm cho họ, giúp đỡ ưu điểm của họ. Thường chúng ta không biết tùy tài mà dùng người. Thí dụ: thợ rèn thì bảo đi đóng tủ, thợ mộc thì bảo đi rèn dao. Thành thử, hai người đều lúng túng. Nếu biết tùy tài mà dùng người, thì hai người đều thành công". Ngày nay đọc lại những quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác cán bộ, sử dụng cán bộ, chúng ta lại càng thấm thía về tính uyên thâm, sâu sắc của Bác trong việc dùng người. Ngày 20-11-1946, cách đây đã hơn 65 năm, trên báo Cứu quốc, trong bài “Tìm người tài đức”, Người khẳng định: “Nước nhà cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài. Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài có đức. E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bậc tài đức không thể xuất thân. Khuyết điểm đó tôi xin thừa nhận… Nay muốn sửa đổi điều đó, và trọng dụng những kẻ hiền năng”.

Những lời dạy của Người về cán bộ và công tác cán bộ còn ý nghĩa thiết thực cho mỗi cán bộ, đảng viên trong học tập, rèn luyện, cả trong công tác tuyển chọn, sử dụng cán bộ và phát triển nguồn nhân lực cho sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước ngày nay. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã chỉ ra 3 nút thắt trong quá trình phát triển: Hạ tầng giao thông, thể chế kinh tế thị trường và nguồn nhân lực. Riêng về nguồn nhân lực, một mặt chúng ta đang thiếu trầm trọng, nhưng mặt khác lại đang lãng phí nguồn nhân lực không nhỏ, kể cả nguồn nhân lực có trình độ đại học. Sự lãng phí thể hiện trong quy hoạch đào tạo, có những ngành đào tạo vượt yêu cầu, không có chỗ để sử dụng, lãng phí do đánh giá không đúng năng lực nên bố trí công việc không phù hợp. Nếu có một cơ chế sắp xếp lại thì nguồn nhân lực tuy cũng chưa đủ, nhưng không thiếu đến mức như hiện tại, không cần đầu tư thêm cũng đã nâng được hiệu quả đáng kể.

Bến Nhà rồng - Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Bến Nhà rồng - Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Mỗi năm cả nước có hơn 1 triệu học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông, 30-35% trong số này được tuyển vào các trường đại học, cao đẳng. Nguồn nhân lực do các trường đại học, cao đẳng đào tạo hàng năm là nguồn lực quan trọng bổ sung vào đội ngũ lao động của cả nước. Tuy chất lượng đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu, nhưng không vì vậy mà đánh giá thấp sự đóng góp của đội ngũ này. Ở đâu cũng vậy, kể cả ở nước ngoài, giữa đào tạo trong nhà trường và thực tiễn cuộc sống luôn có khoảng cách, kiến thức trong nhà trường chỉ là kiến thức cơ bản, ban đầu, quan trọng nhất là trường đại học dạy cho người học cách tự học, tự nghiên cứu, tìm tòi để khi ra đời biết tự vươn lên hoàn thiện mình. Cho dù chất lượng đào tạo tốt mấy, sau khi ra trường người học vẫn phải có khoảng thời gian làm quen, thâm nhập thực tế mới có thể công tác tốt được. Bởi vậy, xu hướng trên thế giới ngày nay là xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời, ai và lúc nào mỗi người vẫn phải tiếp tục học tập, kể cả người có trình độ đại học, sau đại học.

Hai mươi năm nay, thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục, nhiều trường đại học, cao đẳng ngoài công lập được mở, tạo cơ hội học tập lớn cho mọi người. Chủ trương của Đảng và Nhà nước không phân biệt đối xử với các thành phần kinh tế tham gia phát triển giáo dục - đào tạo cũng như sản phẩm các truờng đào tạo ra. Khối trường này đã đóng góp một nguồn nhân lực có trình độ đại học không nhỏ. Sự ra đời của các trường ngoài công lập đã tạo được động lực cạnh tranh giữa các trường, tạo nên sinh khí mới cho ngành giáo dục - đào tạo. Do đặc thù về tính tự chủ và nguồn kinh phí nên nhiều trường đại học ngoài công lập đã tạo được nhiều nhân tố mới, nhất là trong việc đổi mới công tác quản lý, nâng cao chất lượng đào tạo. Nhiều sinh viên tốt nghiệp đã trở thành cán bộ quản lý tốt, chuyên môn giỏi; nhiều sinh viên các trường ngoài công lập tham dự các kỳ thi quốc gia và quốc tế vượt qua các trường công lập để đạt giải cao.

Cho đến nay cũng chưa có đánh giá, khẳng định nào về so sánh chất lượng của 2 khối trường này. Những sai sót, vi phạm trong khâu quản lý đại học gần đây có cả trường công lập và ngoài công lập. Nếu có sự phân biệt đối xử với sản phẩm đào tạo của các trường này thì vô tình chối bỏ chủ trương xã hội hóa giáo dục. Chất lượng đào tạo là tổng hợp của nhiều yếu tố từ người học, người dạy, cơ sở vật chất, công tác quản lý... một trường có thể yếu mặt này nhưng lại mạnh mặt khác, trong đó yếu tố quản lý cực kỳ quan trọng. Quản lý giỏi sẽ thu hút được đội ngũ giảng viên tốt, kích thích được người học, có quan hệ rộng với các trường trong và ngoài nước trong việc trao đổi kinh nghiệm, thu hút giáo viên và nguồn đầu tư là điều kiện quan trọng để nâng cao chất lượng đào tạo. Trong thực tế, có khi cùng ngành, cùng thời gian đào tạo, cùng kết quả tốt nghiệp nhưng không hẳn năng lực làm việc sẽ giống nhau. Khi sử dụng nhân lực phải có sự chọn lựa, bố trí sử dụng cho phù hợp năng lực từng người. Công tác nhân sự tốt sẽ phát huy năng lực cá nhân, tạo động cơ để từng người làm việc, đồng thời biết hạn chế thấp nhất sự khiếm khuyết của từng người, ai cũng có thể sử dụng được, thực hiện lời dạy của Bác "Dụng nhân như dụng gỗ".

Đánh giá năng lực làm việc không thể nói chung chung mà phải trên từng con người cụ thể, từng năng lực cụ thể, thông qua sát hạch, phỏng vấn, thi tuyển hoặc thực hành, bằng một tổ chức đủ năng lực, uy tín. Cũng không nên cho rằng một người tốt nghiệp đại học thi tuyển một công việc nào đó không đạt mà đánh giá việc cấp bằng, bởi vì đó là 2 việc khác nhau, tiêu chí tốt nghiệp khác với tiêu chí năng lực của một công việc cụ thể. Việc đánh giá cũng không nên mang định kiến sẵn: bằng tốt nghiệp nước ngoài thì hơn trong nước, bằng tốt nghiệp trường công lập thì tốt hơn ngoài công lập. Thực tế không hẳn như vậy, nhiều người có bằng tốt nghiệp do các trường đại học nước ngoài cấp, nhưng khả năng làm việc không hơn người tốt nghiệp cùng ngành trong nước. Xu hướng sính ngoại gần đây lan sang cả giáo dục. Dần dần phải tiến tới không quá xem trọng văn bằng, mà quan trọng nhất ở mỗi người là năng lực làm việc. Tôi còn nhớ ở Trường đại học sư phạm Vinh trước đây, khi đó chưa có quy định thi tuyển công chức, viên chức như bây giờ, hàng năm các khoa đề nghị nhà trường xem xét giữ lại những sinh viên tốt nghiệp giỏi, rèn luyện tốt để bổ sung đội ngũ giảng viên. Cũng có những sinh viên tốt nghiệp hạng ưu (bằng đỏ) ở nước ngoài được các cơ quan giới thiệu đến trường làm giảng viên. Hồ sơ xin việc của ứng viên không thể hiện năng lực, quá trình đào tạo lại không ghi rõ trên bảng điểm, nên rất khó đánh giá. Một thầy chủ nhiệm khoa có một cách "thi tuyển" khá độc đáo. Thầy đưa sinh viên một cuốn sách thuộc chuyên ngành được đào tạo, với lời hẹn: "Anh đọc cuốn sách này, 2 tuần sau anh có nhận xét, thu hoạch về cuốn sách, nếu nhận xét của anh, tôi đánh giá đạt 5 điểm trở lên thì nhận tạm, nếu không xin anh đi chỗ khác". Với cách tuyển chọn đơn giản này nhưng lại rất chính xác, những sinh viên được chọn là những người sau này đều làm tốt công việc của mình, dĩ nhiên không ít người bị thầy từ chối. Những năm đó, các trường đại học trong nước còn khó khăn trăm bề, nhưng không vì vậy mà nghiễm nhiên cho rằng chất lượng đào tạo ở nước ngoài cao hơn!

Chủ tịch Hồ Chí Minh với các cháu thiếu nhi.
Chủ tịch Hồ Chí Minh với các cháu thiếu nhi.

Quá trình tuyển dụng là việc chọn đúng người vào vị trí từng công việc. Muốn vậy phải hiểu việc và hiểu người, mặt khác không chỉ ngồi chờ người xin việc đến mà phải biết tìm nguồn từ các cơ sở đào tạo cho các vị trí công việc cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, địa phương mình đang cần. Các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nước ngoài gần đây sử dụng chiêu "săn đầu người" khá hiệu quả, họ đầu tư, tìm người giỏi từ sinh viên các trường khi chưa tốt nghiệp, mà không cần một ràng buộc nào. Xu hướng "chảy máu chất xám" từ cơ quan Nhà nước ra ngoài gần đây ngày một nhiều, kể cả những người có chức vụ, có bậc lương cao; sinh viên tốt nghiệp khá, giỏi thì môi trường cơ quan, doanh nghiệp Nhà nước không phải là chọn lựa số 1. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng một yếu tố không nhỏ từ việc bố trí, sử dụng, mà họ phải ra đi, hoặc không tìm đến.

Vai trò của đội ngũ trí thức, của đội ngũ nhân lực chất lượng cao trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng nền kinh tế trí thức đã được Đảng, Nhà nước khẳng định. Nguồn đào tạo từ các trường đại học, cao đẳng là vốn quý của đất nước, phải được nâng niu, trân trọng và sử dụng hiệu quả, không phân biệt chủ sở hữu của cơ sở đào tạo, phải xem xét năng lực từ con người cụ thể để bố trí công việc phù hợp, nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng, đó cũng là cách tiết kiệm nhất theo quan điểm Hồ Chí Minh.

Phan Sĩ Anh

 

 

 

Tin xem nhiều