Báo Đồng Nai điện tử
En

Những loại cây trồng, vật nuôi mới lạ cho lợi nhuận cao

09:01, 18/01/2009

Năm 2008 là năm ngành nông nghiệp cả nước gặp nhiều rủi ro, khiến đời sống của đa số nông dân gặp khó khăn. Thế nhưng, ở Đồng Nai vẫn có những người không cam chịu, tự đi tìm những loại cây, con mới lạ đem về nuôi trồng và đã thu về khoản lợi nhuận khá hấp dẫn.

Năm 2008 là năm ngành nông nghiệp cả nước gặp nhiều rủi ro, khiến đời sống của đa số nông dân gặp khó khăn. Thế nhưng, ở Đồng Nai vẫn có những người không cam chịu, tự đi tìm những loại cây, con mới lạ đem về nuôi trồng và đã thu về khoản lợi nhuận khá hấp dẫn.

* Nuôi gà Ai Cập đẻ "trứng vàng"

Lập trại nuôi gà cách đây hơn 20 năm và trải qua nhiều thăng trầm nhưng ông Dương Quốc Cường ở ấp Lộ Đức, xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom, vẫn không nản. Ở Đồng Nai, ông là người đi tiên phong trong việc lập trang trại nuôi gà tư nhân. Năm 2003, ông Cường mở rộng trang trại lên trên 100 ngàn gà đẻ và gà hậu bị, nhưng dịch cúm gia cầm đã khiến ông phải tiêu hủy hết đàn gà, thiệt hại lên tới 5 - 6 tỷ đồng. Sau “trận đòn" ấy ông gần như trắng tay. Có nhiều người khuyên ông đổi nghề. Song, nuôi gà gắn với ông như một cái nghiệp nên không sao bỏ được.

Ông Cường trong trại gà trắng Ai Cập của mình.

Năm 2006, dịch cúm tạm lắng xuống, ông lại chạy đôn chạy đáo vay mượn khắp nơi để tiếp tục khôi phục trại nuôi gà. Thấy nuôi gà công nghiệp đẻ trứng, đầu tư cao, giá bán thấp nên cuối năm 2007, ông quyết định sang Trung Quốc và Đài Loan để tìm kiếm giống gà khác. Sau nhiều ngày lặn lội khắp nơi, cuối cùng ông chọn được giống gà trắng Ai Cập đưa về nước nuôi. Hiện trang trại của ông đã nhập về khoảng 35 ngàn con gà trắng Ai Cập và đã có 10 ngàn con đang cho trứng. Ông Cường cho biết: "Gà trắng Ai Cập 1 ngày tuổi nhập về giá gần 30 ngàn đồng/con. Để đảm bảo cho chúng sinh trưởng, phát triển tốt, tôi nhập luôn cả hệ thống chuồng nuôi bằng inox. Tính ra đầu tư con giống và chuồng hết khoảng 60 ngàn đồng/con, tỷ lệ sống đạt 96%. Gà nuôi khoảng 130 ngày bắt đầu đẻ trứng, giá bán tại trại 1.600 đồng/quả, trung bình mỗi con đẻ được khoảng 25 quả trứng/tháng. Và nếu được chăm sóc tốt, chúng có thể sinh sản liên tục trong 18 tháng. Ưu điểm của giống gà này là cho trứng lớn, vỏ có màu sắc đẹp, ăn ngon như trứng gà ta nên thị trường rất ưa chuộng. Hiện mới chỉ có 10 ngàn con gà cho trứng nhưng mỗi ngày tôi thu lời gần 10 triệu đồng". Nuôi loại gà này đẻ trứng cho lợi nhuận cao là vì trứng bán được giá, thức ăn tiêu tốn cho chúng rất ít, từ lúc 1 ngày tuổi đến lúc sinh sản chỉ ăn hết khoảng 4kg cám/con, sau đó trung bình mỗi ngày ăn từ 60 - 70g cám/con.

* Nuôi kỳ nhông một vốn bốn lời

Chị Nguyễn Thị Thu Thủy, ấp 18 Gia Đình, xã Bảo Quang (Long Khánh), là người đầu tiên trong thị xã tìm ra mô hình nuôi kỳ nhông đem lại nguồn lợi nhuận khá. Chị nói: “Đầu năm 2008, nghe một người bà con sống ở đảo Phú Quý (Phan Thiết) kể chuyện nuôi kỳ nhông rất lời. Vì đây là món ăn đặc sản được dân nhậu ưa thích nên tôi bàn với chồng xây dựng chuồng nuôi thử kỳ nhông. Với chuồng rộng 50m², tôi thả 35kg giống, sau 6 tháng tôi thu được khoảng 100kg kỳ nhông thịt với giá bán 250 - 300 ngàn đồng/kg, trừ chi phí còn lời hơn 10 triệu đồng, gấp 5 - 6 lần nuôi gà".

Chị Thủy bên chuồng nuôi kỳ nhông.

Chị Thủy cho biết, nuôi kỳ nhông rất dễ, chuồng trại đơn giản chỉ cần xây tường bao xung quanh cao khoảng 1,5 mét và gắn thêm lưới B40 bên trên, trong chuồng rải một lớp cát dày để làm chỗ cho kỳ nhông trú ngụ. Kỳ nhông là loại động vật hoang dã dễ nuôi, hiếm khi bị bệnh, thức ăn chủ yếu là rau, củ, quả, mỗi con tiêu tốn khoảng 7g thức ăn/ngày. Hiện nay, kỳ nhông là món ăn đặc sản, lượng cung vẫn chưa đủ cầu nên đa số kỳ nhông nuôi của gia đình chị Thủy đều được người ở tỉnh khác đến đặt hàng trước để mua về làm giống.

* Dừa sáp thơm cho thu nhập cao

Ở Đồng Nai, hiện đã có một số nông dân đưa vào trồng thí điểm giống dừa sáp thơm. Qua hơn một năm trồng, cây phát triển tương đối tốt. Ông Sâm Dịch Phi, ấp Bàu Cối, xã Bảo Quang, cho biết: "Cây giống dừa sáp thơm rất mắc, loại nhỏ khoảng 300 ngàn đồng/cây, còn cây lớn 1,7 triệu đồng/cây. Cách đây hơn 1 năm, tôi chỉ dám mua 2 cây nhỏ về trồng thử thì thấy cây phát triển tương đối tốt; qua năm sẽ có trái. Nếu cây cho trái nhiều và tỷ lệ sáp cao, tôi sẽ đưa vào trồng đồng loạt trên diện tích 2 - 3 hécta". Được biết, dừa sáp thơm là cây thích hợp với loại đất cát pha ở ven sông suối, kênh rạch. Cây có ưu điểm chỉ cao từ 2,5 - 3 mét và sau 2 năm trồng cho trái bói. Từ năm thứ 4 - 5 trở đi cây trưởng thành có thể cho 100-200 trái/cây/năm. Giá bán trên thị trường hiện nay khoảng 50-80 ngàn đồng/trái. Trung bình 1 hécta có thể trồng được khoảng 200 cây dừa sáp thơm, nếu tỷ lệ sáp đạt trên 70% thì người trồng sẽ lời hơn 500 triệu đồng/hécta. Đây là mức lợi nhuận cao hiếm loại cây trồng nào có được. Ngoài một số nông dân của tỉnh đang đưa vào trồng thí điểm giống dừa này. Hiện Công ty giống cây trồng ăn trái Vacdona cũng đang trồng thử 50 cây dừa sáp thơm tại Long Thành. Ông Nguyễn Xuân Vinh, Giám đốc Vacdona, nói: “Công ty sẽ đăng ký trồng khoảng 50 hécta dừa sáp thơm trong Khu nông nghiệp công nghệ cao của Đồng Nai, vì giống dừa này quý hiếm cho thu nhập cao, vả lại thị trường trong nước và thế giới rất ưa thích".

Ông Phi bên cây dừa sáp thơm được trồng thử trong vườn.

Sở dĩ, dừa sáp thơm được coi là đặc sản là vì ngoài ăn tươi, nấu chè, làm kem và sinh tố rất ngon còn có thể sử dụng làm kem dưỡng da.

Hương Giang

Tin xem nhiều