Báo Đồng Nai điện tử
En

Văn hóa vào xuân

07:02, 07/02/2016

Ất Mùi đi qua, Bính Thân hội về, sôi động mùa Xuân mới. Đại hội đại biểu toàn quốc lần XII của Đảng vừa thành công tốt đẹp cũng mang đến cho Nàng Xuân nhiều nét mới, trong đó có cảm xúc mới về văn hóa đang vào Xuân.

Ất Mùi đi qua, Bính Thân hội về, sôi động mùa Xuân mới. Đại hội đại biểu toàn quốc lần XII của Đảng vừa thành công tốt đẹp cũng mang đến cho Nàng Xuân nhiều nét mới, trong đó có cảm xúc mới về văn hóa đang vào Xuân.

Đồng chí Huỳnh Văn Tới, Ủy viên Ban TVTU, Chủ tịch UBMTTQ tỉnh (ngoài cùng bên trái) trao đổi cùng học giả Lý Việt Dũng (giữa) tại lễ khai sắc thần tại đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh (xã Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa).
Đồng chí Huỳnh Văn Tới, Ủy viên Ban TVTU, Chủ tịch UBMTTQ tỉnh (ngoài cùng bên trái) trao đổi cùng học giả Lý Việt Dũng (giữa) tại lễ khai sắc thần tại đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh (xã Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa).

Nhìn lại 30 năm đổi mới, Đại hội XII của Đảng đánh giá “văn hóa xã hội có bước phát triển” góp phần tạo nên những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Tuy nhiên, trong nhiều hạn chế yếu kém, Đảng nhìn nhận có yếu kém, hạn chế về văn hóa: Phát triển thiếu bền vững; tiềm ẩn nhiều nhân tố và nguy cơ mất ổn định xã hội; một bộ phận nhân dân chưa được hưởng thụ đầy đủ giá trị văn hóa tiến bộ và thành quả của công cuộc đổi mới về văn hóa. Sự suy thoái về chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên cũng có nguyên nhân suy thoái về văn hóa.

Thời kỳ mới đòi hỏi đất nước phải được phát triển toàn diện, đồng bộ, bền vững. Trong đó, kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; quốc phòng - an ninh là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên; văn hóa là nền tảng tinh thần, vừa là động lực vừa là mục tiêu phát triển của xã hội.

Theo báo cáo do đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trình bày tại đại hội, trong 6 nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ Đại hội XII, nhiệm vụ phát triển văn hóa phải gắn với xây dựng con người Việt Nam: “Phát huy nhân tố con người trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; tập trung xây dựng con người về đạo đức, nhân cách, lối sống, trí tuệ và năng lực làm việc; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh”.

Già làng và thầy cúng người dân tộc Chơro tại xã Hàng Gòn, TX.Long Khánh thực hiện nghi thức dâng cúng lễ vật lên thần linh trong lễ hội Sayangva tại xã Hàng Gòn, TX.Long Khánh.                       Ảnh: VĂN TRUYÊN
Già làng và thầy cúng người dân tộc Chơro tại xã Hàng Gòn, TX.Long Khánh thực hiện nghi thức dâng cúng lễ vật lên thần linh trong lễ hội Sayangva tại xã Hàng Gòn, TX.Long Khánh. Ảnh: VĂN TRUYÊN

Mục tiêu tổng quát “sớm đưa đất nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp hiện đại”, bao hàm mục tiêu phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện tri thức - kỹ năng - đạo đức để làm chủ đồng thời hưởng thụ thành quả của sự nghiệp đổi mới.Mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” cốt lõi là mục tiêu văn hóa. Việc chủ động, tích cực hội nhập quốc tế cơ bản cũng bằng con đường văn hóa, hội nhập nhưng không hòa tan trên nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Trong 12 nhiệm vụ tổng quát, đáng lưu ý là nhiệm vụ “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, con người Việt Nam phát triển toàn diện, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”. Sâu thẳm trong các nhiệm vụ khác, hàm lượng văn hóa, giá trị văn hóa, thương hiệu văn hóa… cũng là những phẩm chất được yêu cầu cao trong phát triển.

Vui xuân bên ché rượu cần.                                                                                  Ảnh: KIỀU TÂN
Vui xuân bên ché rượu cần. Ảnh: KIỀU TÂN

Vận dụng quan điểm, thực hiện định hướng của Đại hội XII về văn hóa, người Đồng Nai suy ngẫm nhiều thứ. Về nhận thức, cần phải làm rõ để mọi người cùng hiểu đúng đắn, sâu sắc tầm quan trọng đặc biệt của văn hóa - con người trong mọi hoạt động lãnh đạo, quản lý, ứng xử; trong mọi dự án, công trình, kế hoạch. Tỉnh Đồng Nai đang hướng đến mục tiêu giàu đẹp, văn minh. Giàu đẹp chứ không chỉ là giàu sang. Không làm giàu bằng mọi giá. Làm giàu có văn hóa, bằng văn hóa chứ không phải bằng cách hủy diệt văn hóa, làm tổn hại giá trị và di sản văn hóa.

Nghị quyết 33 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về phát triển văn hóa và con người  đang được vận hành ở Đồng Nai có mục tiêu tập trung hướng con người đến CHÂN - THIỆN - MỸ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học; giữ gìn và phát huy bản sắc Đồng Nai trên nền văn hóa Việt Nam.

Việc vun đắp, xây dựng hệ giá trị văn hóa, hệ chuẩn mực văn hóa cho mọi lớp người đang sinh sống, làm việc ở Đồng Nai là việc hệ trọng, vừa khẩn thiết, vừa lâu dài. Đồng Nai là xứ sở của hội nhập đa hệ sinh thái, đa nguồn cư dân, đa tôn giáo, tín ngưỡng, sắc tộc. Tất cả cùng sống, làm việc trong khuôn khổ pháp luật, cùng hướng về mục tiêu phát triển trên cơ sở tôn trọng sự khác biệt trong nếp nghĩ, cách làm và ứng xử. Vậy nên, rất cần mẫu số chung là hệ giá trị, chuẩn mực về văn hóa Việt Nam phù hợp với Đồng Nai, vừa kết tinh truyền thống, vừa thích ứng thời đại. Ví dụ rõ nhất, có thể thấy ở văn hóa gia đình.

 Ngày 30-12-2015, tại Trung tâm hội nghị và tổ chức sự kiện tỉnh đã diễn ra chương trình giao lưu văn hóa ASEAN.
Ngày 30-12-2015, tại Trung tâm hội nghị và tổ chức sự kiện tỉnh đã diễn ra chương trình giao lưu văn hóa ASEAN.

Xưa, ông bà mình đấu tranh sinh tồn và đấu tranh giải phóng trong điều kiện nghèo, khó, khổ nhưng luôn có ý thức vun đắp và xây dựng hệ giá trị văn hóa, nhất là văn hóa gia đình. Gia đình là tổ ấm, là trường học đầu đời của mỗi người. Ở đó, ông bà - ba mẹ là người thầy trao truyền, rèn dạy. Truyền dạy bằng truyền khẩu, bằng mỹ tục, bằng nêu gương. Đạo lý, nhân nghĩa, chính trực, công tâm, vị quốc vong thân… là những giá trị cơ bản ở con người. Phẩm chất NGƯỜI được hình thành tự nhiên: Mình vì mọi người, cống hiến hơn là hưởng thụ, hướng thiện, ghét ác, trọng nghĩa khinh tài. Nhiều người tự giác thực hiện, tiếp nối, hợp thành khí phách Việt Nam. Hơn 300 năm qua, xứ Đồng Nai phát triển vẫn là máu thịt của Việt Nam nhưng đậm nét hào khí Đồng Nai, ấy là do giá trị văn hóa.

Nay, mỗi gia đình đều đủ điều kiện sinh nhai, đi lại, hưởng thụ. Nhưng, người giàu cũng khóc, nhà giàu cũng khổ, do bởi giá trị văn hóa gia đình đang biến đổi theo hướng “nhạt của mình, đậm của người”, gia đình quan hệ lỏng lẻo với nhà trường và xã hội, đo nhau bằng chuẩn của vật chất hơn là chuẩn giá trị văn hóa. Nhiều người nhận định: Người của gia đình thời nay giàu hơn, đẹp hơn nhưng cũng nhiều thói xấu hơn, thậm chí nhiều hành vi gian ác hơn xưa. Cho nên, việc kết tinh giá trị truyền thống, tiếp thu tinh hoa thời đại xây dựng, vun đắp hệ giá trị - chuẩn mực văn hóa, bắt đầu từ gia đình là việc làm khó, lâu dài, nhưng rất quan trọng và  cấp thiết.

Một cảnh trong chương trình nghệ thuật tái hiện 300 năm hình thành và phát triển của Văn miếu Trấn Biên.                                                                                                                                      Ảnh: LÂM CÓN
Một cảnh trong chương trình nghệ thuật tái hiện 300 năm hình thành và phát triển của Văn miếu Trấn Biên. Ảnh: LÂM CÓN

Thêm nữa, hệ giá trị, chuẩn mực văn hóa không chỉ hình thành ở mỗi người, mà còn phải làm cho thấm sâu vào đời sống. Hiểu chữ “thấm sâu” này theo nghĩa làm cho văn hóa tỏa sáng ở mọi nơi, mọi lúc, mọi hoạt động, mọi lĩnh vực, mọi sự kiện. Bởi vì, văn hóa đúng nghĩa không phải từ bên ngoài thấm vào mà từ nội sinh mà ra, gắn với đặc điểm hình thành, phát triển của từng bộ phận trong cộng đồng. Ở Đồng Nai, hiện nay, nhiều hoạt động, nhiều mối quan hệ mang tính “đặc sản” rất cần tỏa sáng giá trị và chuẩn mực văn hóa cộng đồng: Quan hệ lao động trong môi trường sản xuất, quan hệ người lao động và người sử dụng lao động, quan hệ cộng đồng đa tôn giáo, tín ngưỡng, quan hệ hợp tác với người nước ngoài; quan hệ trong giới trẻ; quan hệ trong sản xuất hàng hóa văn hóa, quan hệ trong lãnh đạo của Đảng, quản lý nhà nước, quản lý doanh nghiệp, kết nối xây dựng khối đoàn kết dân tộc… Mỗi cơ quan, đơn vị, trường học đều cần thiết xây dựng môi trường văn hóa với hệ giá trị, chuẩn mực của mình. Chính văn hóa là hạt nhân gắn kết con người với công việc ở cơ quan, đơn vị chứ không phải mệnh lệnh hành chính hay các biện pháp “câu like”.

Cho dù ở lĩnh vực văn hóa cộng đồng hay văn hóa cá nhân, mọi hoạt động đều phải phục vụ thiết thực cho công cuộc đổi mới, xây dựng Đồng Nai/ Việt Nam giàu đẹp, văn minh. Đó là mục tiêu, là động lực đồng thời cũng là thước đo giá trị của văn hóa.

PGS.TS Huỳnh Văn Tới

Ủy viên Ban TVTU, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều