Báo Đồng Nai điện tử
En

Hạn chế tai nạn trong mùa mưa

08:04, 22/04/2023

Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Đồng Nai, mùa mưa năm nay sẽ bắt đầu từ tháng 5. Tuy nhiên, trong tháng 4 đã xuất hiện những cơn mưa trái mùa gây mưa to, gió lớn.

Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Đồng Nai, mùa mưa năm nay sẽ bắt đầu từ tháng 5. Tuy nhiên, trong tháng 4 đã xuất hiện những cơn mưa trái mùa gây mưa to, gió lớn.

Một cây lớn trên đường Điểu Xiển (P.Long Bình, TP.Biên Hòa) bất ngờ bật gốc đổ thẳng xuống lề đường trong cơn mưa lớn tối 15-4. Ảnh: CTV
Một cây lớn trên đường Điểu Xiển (P.Long Bình, TP.Biên Hòa) bất ngờ bật gốc đổ thẳng xuống lề đường trong cơn mưa lớn tối 15-4. Ảnh: CTV

Để đảm bảo an toàn cho người đi đường, hạn chế tai nạn giao thông do trôi xe, ngập nước; phòng ngừa cây xanh ngã đổ vào thời điểm giao mùa, các đơn vị chức năng của TP.Biên Hòa đang ráo riết hoàn thành các kế hoạch ứng phó với mưa lũ.

* Phòng ngừa cây xanh ngã, đổ

Theo số liệu thống kê của Phòng Quản lý đô thị TP.Biên Hòa, các con đường nội ô trong thành phố hiện có hơn 12 ngàn cây xanh. Thời gian qua, việc chăm sóc, cắt tỉa cành cây xanh trên địa bàn luôn được các đơn vị chức năng quan tâm.

Trưởng phòng Quản lý đô thị TP.Biên Hòa Trương Vĩnh Hiệp cho hay, thành phố chỉ đạo đơn vị chức năng thường xuyên tuần tra, kiểm tra kịp thời để phát hiện, lập danh sách cây xanh bị sâu bệnh, cây bị chết, không có khả năng phục hồi, có nguy cơ đổ ngã, cây nguy hiểm, không đảm bảo an toàn để trình cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định. Đồng thời, trồng thay thế các cây xanh bị chết; chống, dựng cây xanh bị nghiêng đổ… Công việc này do Trung tâm Dịch vụ công ích thành phố và Công ty CP Môi trường Sonadezi phụ trách.

Theo Phòng Quản lý đô thị TP.Biên Hòa, ngoài cắt tỉa cây xanh, đơn vị chức năng của TP.Biên Hòa cũng đang triển khai kế hoạch nạo vét hệ thống thoát nước để hạn chế tình trạng ngập nước tại các tuyến đường trong thành phố. Đồng thời, các dự án chống ngập úng khu vực suối Chùa, suối Bà Lúa và suối Quan cũng đang được thành phố triển khai.

Đề cập đến phương hướng chăm sóc, cắt tỉa cây xanh đề phòng, xử lý cây ngã đổ… trong mùa mưa bão sắp tới, ông Trương Vĩnh Hiệp cho biết, TP.Biên Hòa đã có kế hoạch bố trí kịp thời nhân lực, phương tiện, máy móc bảo đảm hoạt động tốt trong trường hợp cấp thiết ứng phó với các tình huống thiên tai, khắc phục hậu quả sau thiên tai; xử lý kịp thời các trường hợp cây đổ, cành gãy; thường xuyên theo dõi, thông báo kịp thời những trường hợp cây đổ, cành gãy gây mất an toàn giao thông trên các tuyến đường.

Phó trưởng phòng Hạ tầng Công ty Dịch vụ công ích Biên Hòa Nguyễn Thế Vương cho biết, đơn vị đang thực hiện cắt tỉa những cây xanh trồng trên vỉa hè có nguy cơ ngã đổ, vướng đường dây điện tại trên đường Huỳnh Văn Nghệ. Trước đó, đã cắt tỉa cành cây xanh trên các tuyến đường: Dương Tử Giang, 30-4, Võ Thị Sáu… Từ nay đến hết ngày 31-7, 100% cây xanh trong nội ô TP.Biên Hòa sẽ được cắt tỉa hoàn toàn theo quy định.

* Xử lý nhanh các sự cố

Sự cố cây xanh lớn trên đường Điểu Xiển (P.Long Bình, TP.Biên Hòa) bất ngờ bật gốc đổ thẳng xuống lề đường trong cơn mưa lớn kèm theo dông, lốc chiều 15-4 vừa qua đã gây lo lắng cho nhiều người đi đường. Rất may, trong thời điểm cây đổ không có ai ở gần đó nên không xảy ra thương vong.

Để không xảy ra các trường hợp tương tự, bà Trần Diệu Hằng (ngụ P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa) đề xuất, ngoài việc cắt tỉa cành cây xanh trên các trục đường chính, đơn vị chức năng cần quan tâm đến việc gia cố cọc chống những cây nghiêng ngả, mất cọc chống. Song song đó, rà soát số lượng cây xanh, cây trồng lấy bóng mát có nguy cơ mất an toàn trong các trường học trên địa bàn để hạn chế xảy ra tình trạng cây gãy cành, ngã trong mùa mưa bão gây tai nạn cho học sinh.

Đồng quan điểm, bà Phạm Thị Thanh Nguyệt (ngụ P.Long Bình, TP.Biên Hòa) cho rằng, hiện nay cây xanh đô thị (do cơ quan chức năng quản lý) đã được quan tâm cắt tỉa chăm sóc, còn các cây xanh ven đường, trong khu dân cư do các hộ dân tự trồng chưa được cắt tỉa cành, kiểm tra rễ… thường xuyên nên vẫn còn nguy cơ gãy, đổ khi có mưa to, gió lớn. Vì vậy, cơ quan chức năng cũng cần có giải pháp hỗ trợ xử lý để phòng tránh sự cố.

Ngoài lo ngại nguy cơ mất an toàn vào mùa mưa xuất phát từ cây xanh đô thị thì nỗi lo về ngập nước mỗi khi trời mưa lớn luôn trở thành nỗi ám ảnh của người tham gia giao thông. Những năm gần đây, sau những cơn mưa lớn nhiều tuyến đường trong thành phố bị ngập diện rộng, kéo dài.

Điển hình như khu vực ngã ba Trảng Dài (giao giữa đường Bùi Trọng Nghĩa với đường Đồng Khởi), khu vực vòng xoay Cổng 11 (giao giữa đường Bùi Văn Hòa và Võ Nguyên Giáp), ngã ba Phát Triển (giao quốc lộ 1 và đường Hoàng Văn Bổn)… nhiều nơi nước ngập không chỉ gây ùn tắc giao thông kéo dài hàng giờ mà ngập cả khu dân cư, trường học gần đó, gây hư hỏng nhiều tài sản.

Bà Lưu Thị Hương (ngụ KP.Miễu, P.Phước Tân, TP.Biên Hòa) bày tỏ mong muốn ngành chức năng của thành phố khắc phục tình trạng ngập nước, trôi xe ở khu vực vòng xoay Cổng 11 mỗi khi mưa to, gió lớn để người dân lưu thông qua đây an toàn hơn.

Để ngăn ngừa tai nạn trong mùa mưa, bên cạnh quan tâm đến công tác chống ngập, UBND TP.Biên Hòa còn yêu cầu UBND 30 phường, xã theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thiên tai trên các bản tin dự báo, cảnh báo (bằng việc sử dụng: biển hiệu, tín hiệu, rào chắn…) cho người dân các khu vực cầu dân sinh không có lan can, tay vịn; khu vực giáp ranh các tuyến suối có nguy cơ mất an toàn cao, không đảm bảo an toàn cho người lưu thông; chủ động phương án ứng phó, phòng tránh thiệt hại do mưa lớn cục bộ, dông, lốc, sét, mưa đá, gió giật mạnh gây ra trong thời kỳ mưa chuyển mùa.

Kim Liễu

Tin xem nhiều