Báo Đồng Nai điện tử
En

Vì sao dân phản ứng làm đường?

09:10, 06/10/2015

Cuối tháng 6 vừa qua, dự án nâng cấp đường giao thông nông thôn Cây Xanh, ấp Đất Mới, xã Long Phước (huyện Long Thành) vừa tiến hành đã bị người dân nơi đây phản ứng gay gắt...

Cuối tháng 6 vừa qua, dự án nâng cấp đường giao thông nông thôn Cây Xanh, ấp Đất Mới, xã Long Phước (huyện Long Thành) vừa tiến hành đã bị người dân nơi đây phản ứng gay gắt...

Đường Cây Xanh trước đây được người dân đóng góp để nâng cấp nhưng nay đã xuống cấp.
Đường Cây Xanh trước đây được người dân đóng góp để nâng cấp nhưng nay đã xuống cấp.

Lý do các hộ dân đưa ra là chính quyền địa phương chưa bàn bạc với dân; không công khai, minh bạch chi phí đầu tư xây dựng; chưa lấy ý kiến về vai trò giám sát công trình của người dân.

Đường Cây Xanh dài khoảng 2km nối từ quốc lộ 51 vào cánh đồng mẫu lớn của xã Long Phước. Đây là đường chính để đi lại, vận chuyển nông sản của cư dân trong và ngoài xã. Trước đây, khoảng 700m đường từ đầu quốc lộ 51 vào được người dân trong ấp vận động, đóng góp trên 100 triệu đồng và UBND xã nhận trách nhiệm tổ chức thi công. Tuy nhiên, do mặt đường chỉ được trải đá và đổ một lớp mỏng nhựa phế phẩm nhưng không có cống thoát nước hai bên nên chỉ sau thời gian ngắn, đoạn đường này bị hư hỏng nặng.

Mới đây, UBND huyện Long Thành chủ trương nâng cấp đường Cây Xanh kinh phí lấy từ ngân sách huyện là 893 triệu đồng. Dự án được giao cho xã Long Phước thực hiện sửa chữa đoạn 700m xuống cấp; đồng thời làm thêm 200m đường nối tiếp với mặt đường rộng 3,5m, hành lang mỗi bên 0,75m, chịu được tải trọng 6 tấn, kết cấu bê tông nhựa nóng. Dự kiến, sau này khi có kinh phí thì huyện sẽ tiếp tục cho nâng cấp đoạn 1 ngàn m còn lại. Thế nhưng, dự án đã không được người dân đồng thuận.

Nhận định về dự án nâng cấp đường Cây Xanh, ông Trần Xuân Bắc, đại diện người dân ở khu vực này, phân tích: “Đây là con đường trọng điểm phục vụ đi lại của người dân vùng lúa chính huyện Long Thành mà mặt đường chỉ rộng 3,5m thì không thể chịu nổi lưu lượng xe ô tô, gắn máy qua lại rất đông, nhất là trong thời điểm mùa vụ. Người dân chúng tôi đồng tình với chủ trương của huyện trong việc xây dựng công trình này, nhưng đề nghị mở rộng mặt đường ra 5,5m”.

Trong khi đó, nói về nguyện vọng nâng cấp đường Cây Xanh của người dân ấp Đất Mới, Chủ tịch UBND xã Long Phước Trần Văn Mừng cho rằng nếu làm đường theo yêu cầu của người dân sẽ phát sinh những khó khăn là phải cần thêm khoảng 3 ngàn m2 đất, kinh phí đầu tư chắc chắn sẽ tăng lên (khoảng 2,44 tỷ đồng). Theo quy định về mức đóng góp thực hiện xã hội hóa giao thông, người dân sẽ phải đóng 30% kinh phí, tương đương với 732 triệu đồng, điều này liệu dân có “kham” được? Hơn nữa, hiện khu vực này UBND huyện đang đầu tư 2 con kênh với tổng kinh phí hơn 54 tỷ đồng nhằm hỗ trợ việc đi lại, vận chuyển nông sản cho người dân ở một số địa phương, trong đó có dân khu vực ấp Đất Mới. Do đó, việc làm một con đường lớn như vậy trở nên lãng phí, thậm chí không phù hợp với quy hoạch.

Theo ông Trần Ngọc Khải, Phó trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Long Thành, UBND huyện đã chỉ đạo UBND xã Long Phước lắng nghe nguyện vọng của người dân ấp Đất Mới trong việc làm đường Cây Xanh; đồng thời thỏa thuận với bà con ở địa phương về mức đóng góp 30%; phải tiếp tục tổ chức họp dân lấy ý kiến về việc vận động hiến đất làm đường. Trường hợp không vận động được người dân tự nguyện hiến đất thì dự trù chi phí giải phóng mặt bằng để lãnh đạo huyện xem xét.

Trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai về dự án nâng cấp đường Cây Xanh, nhiều hộ dân ở đây khẳng định họ sẵn sàng hiến đất để mở rộng đường. Tuy nhiên, ông Võ Văn Đi, đại diện người dân, thắc mắc là những con đường dân sinh khác đều thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” nhưng dân chỉ phải đóng 10%. 2 đường dân sinh ở tổ 22 và 26 và đường ở ấp Tập Phước là ví dụ. Trong khi đó, đoạn đường Cây Xanh thời gian qua người dân thường xuyên đóng góp để sửa chữa, nền móng đã khá vững chắc thì việc họ phải đóng thêm 30% là vô lý.

 Người dân ấp Đất Mới bức xúc về việc làm đường nhưng không bàn bạc với dân.
Người dân ấp Đất Mới bức xúc về việc làm đường nhưng không bàn bạc với dân.

Về việc sử dụng đường giao thông và vận chuyển từ 2 con kênh đang xây dựng, ông Lưu Văn Chế nói: “Mô hình này hoàn toàn không thuận lợi khi người dân ấp Đất Mới phải đi vòng tới 6-7km mới tới kênh và phải đi ngược quốc lộ. Vì vậy, việc mở rộng đường Cây Xanh là hoàn toàn hợp lý”.  Đồng tình với những nhận định của bà con về hướng xây dựng đường Cây Xanh cho phù hợp với thực tế, ông Phạm Văn Bồng, 76 tuổi, cán bộ lão thành cách mạng trăn trở: “Trong kháng chiến chống Mỹ, đây là vùng căn cứ cách mạng, người dân ở đây đã nuôi giấu cán bộ và vận chuyển lương thực nuôi bộ đội. Mấy chục năm qua, Nhà nước chưa đầu tư làm đường ở vùng này, nay phải có sự ưu tiên mới bảo đảm công bằng. Khi đã có chủ trương rồi thì phải nghe dân trình bày ước nguyện chính đáng, có vậy thì bà con mới đồng thuận, công trình mới có ý nghĩa”.

Phương Liễu

 

 

 

 

Tin xem nhiều