Báo Đồng Nai điện tử
En

Huyện Trảng Bom: Chăm lo đời sống cho người lao động

10:10, 05/10/2015

Thực hiện việc chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động, những năm qua huyện Trảng Bom đã giải quyết tốt nhu cầu về nhà ở và nâng cao mức hưởng thụ văn hóa cho đội ngũ công nhân trên địa bàn.

Thực hiện việc chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động, những năm qua huyện Trảng Bom đã giải quyết tốt nhu cầu về nhà ở và nâng cao mức hưởng thụ văn hóa cho đội ngũ công nhân trên địa bàn.

Cha mẹ đón con sau giờ tan ca tại một nhà trẻ dành riêng cho con công nhân trong khu ký túc xá của Công ty Việt Vinh. Ảnh: K.Liễu
Cha mẹ đón con sau giờ tan ca tại một nhà trẻ dành riêng cho con công nhân trong khu ký túc xá của Công ty Việt Vinh. Ảnh: K.Liễu

Huyện Trảng Bom hiện có 4 khu công nghiệp và 1 cụm công nghiệp đang hoạt động với hơn 100 ngàn lao động, trong đó có 60% là người ngoài tỉnh. Thời gian qua, xác định việc giải quyết nhu cầu nhà ở cho công nhân là một trong những nhiệm vụ quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội nên UBND huyện Trảng Bom tập trung nhiều nguồn lực nhằm thực hiện vấn đề này.

Hiện tại huyện Trảng Bom có gần 1.800 hộ kinh doanh nhà trọ với hơn 18 ngàn  phòng, đáp ứng trên 50 ngàn chỗ ở cho công nhân. Các nhà trọ tập trung chủ yếu ở các xã giáp ranh khu công nghiệp, như: Hố Nai 3, Bắc Sơn, Sông Trầu, thị trấn Trảng Bom. Ngoài ra, 8 khu nhà trọ văn hóa không có tệ nạn xã hội và 6/12 dự án xây dựng nhà ở công nhân được hoàn thành đưa vào sử dụng, giải quyết chỗ ở cho hơn 2 ngàn công nhân và chuyên gia tại các công ty, xí nghiệp. Bên cạnh đó, công tác chăm lo đời sống tinh thần cho người lao động được huyện quan tâm. Thời gian qua, các ban, ngành chức năng của huyện đã tổ chức hơn 300 buổi biểu diễn văn nghệ, chiếu phim lưu động phục vụ công nhân tại các khu công nghiệp; trang bị gần 4 ngàn đầu sách với nhiều thể loại giúp công nhân tìm hiểu, học tập nâng cao trình độ văn hóa, kiến thức xã hội.

Chị Đỗ Thị An, đang làm việc tại Công ty Việt Vinh II, cho biết vợ chồng chị làm việc ở Khu công nghiệp Sông Mây hơn 10 năm nay. So với trước đây thì đời sống vật chất và tinh thần của công nhân đã được cải thiện nhiều. Theo chị An, các dịp lễ, tết Liên đoàn Lao động huyện và Phòng Văn hóa - thông tin và thể thao huyện đều tổ chức các buổi văn nghệ, chiếu phim và tặng quà cho công nhân; tổ chức các phiên chợ Công nhân để người lao động có dịp tiếp cận với thị trường hàng Việt giá rẻ... Ngoài ra, Công đoàn cơ sở đứng ra tín chấp với ngân hàng cho số công nhân khó khăn vay vốn làm kinh tế. “Nhờ được các ngành, các cấp quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện nên đội ngũ công nhân lao động đã có cuộc sống tốt hơn. Từ đó, nhiều gia đình không còn chạy vạy mượn nợ với lãi suất cao như trước. Đáng kể là một số khu vực còn xây dựng nhà trẻ dành riêng cho con công nhân nên cha mẹ đỡ vất vả và an tâm hơn khi đưa con gửi vào đây” - chị An nói.

Gia đình chị Đỗ Thị An hiện ở tại khu ký túc xá của Tập đoàn Phong Thái trong Khu công nghiệp Sông Mây.
Gia đình chị Đỗ Thị An hiện ở tại khu ký túc xá của Tập đoàn Phong Thái trong Khu công nghiệp Sông Mây.

Nhận định về công tác chăm lo đời sống cho người lao động, ông Cao Văn Hưng, Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Trảng Bom, cho biết qua 4 năm thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy, Huyện ủy về lĩnh vực này thì đời sống vật chất, tinh thần của công nhân lao động trên địa bàn huyện ngày càng được nâng cao. Điều này đã góp phần đảm bảo ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.

Kim Liễu

 

 

 

Tin xem nhiều