Báo Đồng Nai điện tử
En

Cẩm Tiêm chờ điện

11:12, 01/12/2013

Chỉ vì vướng vườn cây cao su nên công trình đường điện trung thế, hạ thế vào khu Cẩm Tiêm đến nay vẫn chưa thể hoàn tất, gây bức xúc trong dư luận...

Chỉ vì vướng vườn cây cao su nên công trình đường điện trung thế, hạ thế vào khu Cẩm Tiêm đến nay vẫn chưa thể hoàn tất, gây bức xúc trong dư luận...

Từ ngày đơn vị chức năng tiến hành khảo sát đường điện vào khu Cẩm Tiêm, ấp Hoàn Quân, xã Long Giao (huyện Cẩm Mỹ), đến nay đã gần 10 năm. Khi mới triển khai dự án, người dân Cẩm Tiêm đều tích cực đóng góp tiền bạc và công sức để công trình sớm thực hiện. Nhiều gia đình còn tự nguyện chặt bỏ hàng trăm cây điều, tiêu đang trong mùa thu hoạch để giải phóng mặt bằng.

* Đường dây điện để... chim đậu

Công trình điện dẫn vào khu Cẩm Tiêm do UBND xã Long Giao làm chủ đầu tư. Tổng kinh phí thực hiện dự án khoảng 1,2 tỷ đồng. Trong đó, người dân đóng góp hơn 400 triệu đồng, bao gồm: chi phí lắp đặt đường dây hạ thế và tiền bồi thường thanh lý cây cao su. Theo thiết kế, công trình có chiều dài 1,9km, xây dựng 1 trạm biến áp 75kVA. Khi hoàn thành sẽ đáp ứng nhu cầu sử dụng điện cho 70 hộ dân. Sau thời gian thi công, công trình đã hoàn tất hơn 95% khối lượng, chỉ còn 9 trụ trung thế nằm ở vị trí đấu nối với lưới điện trên quốc lộ 56 chưa kéo dây được. Nguyên nhân vì vướng vườn cây cao su của Nông trường Cẩm Mỹ nên công trình phải... “đắp chiếu”.

Đường điện vào Cẩm Tiêm khi kéo đến vườn cao su của Nông trường cao su Cẩm Mỹ phải ngưng, chờ giải tỏa. Ảnh: K.Liễu
Đường điện vào Cẩm Tiêm khi kéo đến vườn cao su của Nông trường cao su Cẩm Mỹ phải ngưng, chờ giải tỏa. Ảnh: K.Liễu

Một trong những gia đình ở Cẩm Tiêm tiên phong trong việc giải phóng mặt bằng là hộ ông Đoàn Văn Tuấn. Ngay khi xã vận động, gia đình ông Tuấn đã chặt bỏ hơn 30 cây điều 10 năm tuổi đang chuẩn bị thu hoạch, chấp nhận thất thu hàng chục triệu đồng. Ngoài trường hợp ông Tuấn, nhiều gia đình khác cũng bị thiệt thòi khi phải bấm bụng chặt bỏ vườn cây đang cho thu hoạch để thực hiện công trình điện dân sinh. Một số bà con trong khu vực bức xúc khi nói về công trình điện dở dang này. “Do không có điện nên cuộc sống của người dân Cẩm Tiêm gặp không ít khó khăn vì hầu hết đều sử dụng bình ắc quy và đèn dầu để thắp sáng. Hôm ngành điện kéo đường dây, bà con mừng rơi nước mắt. Chúng tôi mong sớm có điện để các cháu nhỏ học hành đỡ cực, công việc làm ăn của người dân cũng thuận lợi hơn. Hàng ngày nhìn đường dây điện để cho chim đậu, chúng tôi rất sốt ruột” - bà Phạm Thị Ngọc Bích, đại diện các hộ dân ở khu vực, nói.

* Người dân còn chờ bao lâu?

Trước những thắc mắc của người dân, mới đây UBND huyện Cẩm Mỹ đã có văn bản giải trình, cho biết nguyên nhân chưa thể kéo điện là do Tổng công ty cao su Đồng Nai chưa đồng ý thanh lý cây cao su. Ngay khi lập xong phương án bồi thường, huyện có gửi văn bản đề nghị Tổng công ty cung cấp số tài khoản để chuyển tiền bồi thường phần diện tích cây cao su bị thanh lý trong dự án nhưng Tổng công ty không đồng ý. Trong khi đó, lãnh đạo Tổng công ty cao su Đồng Nai lại cho rằng, mãi đến ngày 9-10-2013, các bên liên quan trong việc thanh lý cây cao su nằm trên đất dự án mới thống nhất được diện tích đất thuộc hành lang tuyến cần giải tỏa. Mặt khác, căn cứ theo quy chế hoạt động của ngành cao su thì việc thanh lý cây phải do Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam quyết định mới thực hiện được. Ngày 18-10-2013, Tổng công ty đã có tờ trình về vấn đề này, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được ý kiến trả lời của tập đoàn.

Được biết, mới đây Tổng công ty cao su Đồng Nai có văn bản gửi Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Cẩm Mỹ, thông báo việc bồi thường cây cao su trong dự án đường điện Cẩm Tiêm phải căn cứ theo Quyết định số 67/2013/QĐ-UBND ngày 25-10-2013 của UBND tỉnh. Theo đó, giá bồi thường sẽ là 600 triệu đồng/hécta. Như vậy, với tổng diện tích bị giải tỏa hơn 2 hécta thì số tiền bồi thường sẽ trên 1,2 tỷ đồng, cao gấp nhiều lần so với mức Trung tâm phát triển quỹ đất huyện đã tính trước đây là 103 triệu đồng. Từ phát sinh này, UBND huyện đang đề xuất Tổng công ty và Tập đoàn cao su tính lại việc áp giá bồi thường cho phù hợp, bởi đây là công trình dân sinh.

Kim Liễu

 

Tin xem nhiều