Loạt Megastory - Tháo gỡ vướng mắc về chính sách để Đồng Nai tăng tốc phát triển: Quốc hội giám sát để khơi thông các dự án
Bài 3: Hoàn thiện thể chế, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia
.

Loạt Megastory - Tháo gỡ vướng mắc về chính sách để Đồng Nai tăng tốc phát triển: Quốc hội giám sát để khơi thông các dự án
Bài 3: Hoàn thiện thể chế, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia

Hương Giang - Phạm Tùng - Hoàng Lộc - Hải Quân
09:21, 15/11/2024

 

 
 

Đồng Nai là một trong 5 tỉnh, thành phố sử dụng nhiều điện nhất cả nước. Gần đây, tại tỉnh xảy ra tình trạng đầy và quá tải hệ thống lưới điện, thiếu điện cục bộ nhưng việc đầu tư dự án lưới điện mới vẫn chậm trễ, phát triển nguồn năng lượng tái tạo vừa đáp ứng yêu cầu Net Zero vừa giảm áp lực cung ứng điện lại gặp khó khăn về cơ chế, thủ tục.

Những vướng mắc, bất cập và kiến nghị đã được các đại biểu Quốc hội tỉnh ghi nhận, đề xuất, kiến nghị trong Luật Điện lực sửa đổi.

 

Những năm qua, cung ứng điện trên địa bàn tỉnh ổn định, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Đây là kết quả của sự chỉ đạo điều hành kịp thời của tỉnh, sự nỗ lực lớn của ngành điện và cũng có yếu tố khách quan là lĩnh vực sản xuất công nghiệp - xây dựng (chiếm khoảng 70% trong cơ cấu sử dụng điện của tỉnh) tăng trưởng thấp, thậm chí có thời gian giảm.
 

Nhân viên Điện lực Đồng Nai kiểm tra kỹ thuật trước khi đóng điện Trạm biến áp
110kV Long Khánh. Ảnh: Hoàng Lộc
Nhân viên Điện lực Đồng Nai kiểm tra kỹ thuật trước khi đóng điện Trạm biến áp 110kV Long Khánh. Ảnh: Hoàng Lộc

Tuy nhiên gần đây, khi kinh tế phục hồi sau dịch thì nguy cơ quá tải và thiếu điện xuất hiện. Giám đốc Công ty TNHH Điện lực Đồng Nai Trương Đình Quốc cho biết, nhiều đường dây điện và trạm biến áp đang vận hành đầy và quá tải. Phương thức vận hành lưới điện 110kV đang phải nhận nguồn 110kV hỗ trợ từ các tỉnh Lâm Đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến an ninh năng lượng, an toàn cung cấp điện cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, ảnh hưởng đến môi trường thu hút đầu tư vào địa phương.

Lý giải cho thực tế trên, Điện lực Đồng Nai cho rằng, việc đầu tư các dự án điện mới chưa đáp ứng yêu cầu, chậm so với kế hoạch. Nguyên nhân là các quy định của pháp luật liên quan đến đầu tư xây dựng dự án điện phát sinh nhiều bất cập. Về bồi thường giải phóng mặt bằng, các dự án điện có tuyến đường dây đi qua nhiều địa bàn, nhiều vị trí đất, ảnh hưởng đến quá trình và thời gian khảo sát, thẩm định giá đất.

Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quản Minh Cường phát
biểu tại buổi giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh về việc thực hiện chính sách,
pháp luật về phát triển năng lượng tại Công ty TNHH MTV Điện lực Đồng Nai. Ảnh:
Hoàng Lộc
Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quản Minh Cường phát biểu tại buổi giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng tại Công ty TNHH MTV Điện lực Đồng Nai. Ảnh: Hoàng Lộc

Bên cạnh đó, do tính chất đặc thù của công trình lưới điện truyền tải khi đầu tư xây dựng chỉ thu hồi đất của các tổ chức, các hộ dân để xây dựng vị trí trạm và các vị trí móng trụ, phần hành lang dưới tuyến đường dây chỉ bồi thường hạn chế công năng, dẫn đến đa số các hộ dân không nhận tiền bồi thường và khiếu nại dẫn đến dự án kéo dài.

Về công tác quy hoạch, tình trạng không đồng bộ giữa quy hoạch phát triển điện lực tỉnh với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng của địa phương. Điều này khiến công tác thỏa thuận vị trí trạm, hướng tuyến mất nhiều thời gian, hệ quả kéo theo công tác thỏa thuận hiệp định cho vay vốn và tài trợ vốn cho dự án khó hơn, thậm chí bị chấm hợp đồng do vi phạm kéo dài thời gian.

 

Nhiều dự án điện còn gặp vướng mắc thiếu, chưa đồng bộ trong quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, quy hoạch chung đô thị, quy hoạch xây dựng. Các vị trí xây dựng trạm biến áp, vị trí các trụ điện chưa cập nhật đầy đủ vào các quy hoạch cũng gây ảnh hưởng tiến độ nhiều dự án điện. Sau này, muốn được cấp chủ trương đầu tư dự án năng lượng phải bổ sung, điều chỉnh, cập nhật để đảm bảo tính đồng bộ trong quy hoạch và đúng quy định.

Phó giám đốc Sở Công thương Thái Thanh Phong cho rằng, tình trạng quá tải lưới điện, thiếu điện cục bộ tại một số nơi do triển khai đầu tư các dự án mới gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, việc triển khai các dự án năng lượng tái tạo đáp ứng nhu cầu tại chỗ lại gặp không ít khó khăn do các văn bản hướng dẫn thi hành pháp luật của bộ, ngành còn chung chung, chưa xác định cụ thể trình tự, thủ tục giấy phép xây dựng, phòng cháy chữa cháy, đất đai, môi trường…

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng chia sẻ ý kiến tại buổi giám sát của
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển
năng lượng tại UBND tỉnh. Ảnh: Hoàng Lộc
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng chia sẻ ý kiến tại buổi giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng tại UBND tỉnh. Ảnh: Hoàng Lộc

Liên quan đến phát triển nguồn điện tái tạo, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng nhấn mạnh, Đồng Nai có nhiều lợi thế phát triển điện mặt trời mái nhà. Đó là, tổng số giờ nắng trung bình hàng năm của tỉnh cao so với nhiều địa phương, có hệ thống mái nhà xưởng từ 31 khu công nghiệp đang hoạt động, các doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng điện tái tạo ngày càng nhiều…
 

 

Theo bà Hoàng, Đồng Nai đang khuyến khích doanh nghiệp phát triển các nguồn năng lượng này, đặc biệt là điện mặt trời mái nhà phục vụ sản xuất, góp phần giảm phát thải khí thải nhà kính. Thế nhưng, việc triển khai các dự án điện mặt trời không dễ do bị khống chế bởi chỉ tiêu nguồn điện được phân bổ trong kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII. Bên cạnh đó, thủ tục đầu tư dự án điện mặt trời phức tạp và mất nhiều thời gian. Đồng thời, chính sách đấu nối và giá mua bán điện mặt trời đã hết từ năm 2020 đến nay chưa được ban hành mới.
 

 

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã khẳng định, Việt Nam đã và đang có các giải pháp đồng bộ về nguồn điện, tải điện, phân phối, sử dụng điện và giá điện để đảm bảo không xảy ra thiếu điện, an ninh năng lượng cho sản xuất và tiêu dùng.

Tuy nhiên, Thủ tướng Chính phủ cũng thẳng thắn thừa nhận, trong năm 2023, Việt Nam có thiếu hụt điện cục bộ tại một số thời điểm, một số nơi do tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, cụ thể là El Nino; do vận hành các nhà máy điện gặp sự cố; công tác đàm phán mua nguyên liệu sản xuất điện từ nước ngoài kéo dài, các dự án đầu tư xây dựng công trình điện mới chậm hơn so với kế hoạch...

Dự án Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4 tại huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai sẽ đi vào
vận hành vào năm 2025. Ảnh: Hoàng Lộc
Dự án Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4 tại huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai sẽ đi vào vận hành vào năm 2025. Ảnh: Hoàng Lộc

Vào tháng 5-2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII). Gần 1 năm sau, tháng 4-2024, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII.

Hiện nay, dự án Luật Điện lực sửa đổi đang trong quá trình thẩm tra, hoàn thiện để trình Quốc hội thông qua nhằm tạo cơ sở pháp lý cũng như đảm bảo tính đồng bộ và thống nhất trong quá trình triển khai các dự án điện và thực thi pháp luật về năng lượng.

 

Khảo sát, làm việc với UBND tỉnh phục vụ thẩm tra dự án Luật Điện lực sửa đổi vào ngày 5-9-2024, ông Tạ Đình Thi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội cho biết, Quốc hội đang trong quá trình thẩm tra Dự án Luật Điện lực sửa đổi. Quá trình này, đoàn của Quốc hội sẽ đi làm việc với một số địa phương, trong đó có Đồng Nai, để lắng nghe các kiến nghị, đặc biệt kiến nghị về cơ chế chính sách để hoàn thiện dự án luật, tạo hành lang pháp lý hoàn chỉnh cho các dự án năng lượng.

Những tồn tại, vướng mắc tỉnh Đồng Nai nêu ra cũng là vấn đề mà nhiều địa phương gặp phải. Nguyên nhân đến từ 2 phía, thứ nhất các quy định của pháp luật chưa bao quát, thậm chí văn bản luật xung đột, chồng chéo dẫn đến khó thực hiện; hai là cách tổ chức thực hiện chưa linh hoạt.

 

Vào ngày 13-9-2024, khi họp trực tiếp kết họp trực tuyến với các bộ, ngành, địa phương, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã chỉ đạo phải nhanh chóng hoàn thiện dự thảo luật này để trình Quốc hội xem xét cho ý kiến trong kỳ họp tháng 10- 2024.

Phó thủ tướng Chính phủ lưu ý, Luật Điện lực sửa đổi cần tập trung 3 nhóm chính sách là: phát triển thị trường điện theo thể chế kinh tế thị trường, cạnh tranh, minh bạch từ lựa chọn các nhà đầu tư dự án điện, đến phương án tính giá điện bán cho người dùng; chuyển đổi nguồn điện năng lượng hóa thạch sang điện năng lượng tái tạo, năng lượng mới; nghiên cứu phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số đối với ngành công nghiệp điện lực, đồng thời hình thành các trung tâm công nghiệp điện năng lượng tái tạo, điện gió ngoài khơi.

 

Liên quan đến nguồn điện tái tạo mà nhiều địa phương, doanh nghiệp có ý kiến thông qua các đợt giám sát của Quốc hội, đợt lấy ý kiến dự thảo Luật Điện lực sửa đổi, đầu tháng 10-2024, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong tháng 10 nghiên cứu, bổ sung nguồn điện tái tạo vào Quy hoạch điện VIII nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân tham gia vào sản xuất, tiêu thụ điện, đáp ứng yêu cầu tăng trưởng xanh và xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường yêu cầu phải sử dụng năng lượng sạch, giảm phát thải khí nhà kính.
 

 
 

 

Từ khóa:

điện

thiếu điện

năng lượng tái tạo

cung ứng điện

quy hoạch chung đô thị

trạm biến áp

Xem thêm bình luận