Khám phá "di sản xanh" của Đồng Nai trên bạt ngàn những cánh rừng ngập mặn
.

Khám phá "di sản xanh" của Đồng Nai trên bạt ngàn những cánh rừng ngập mặn

Minh Hạnh - Trần Duy
09:45, 10/11/2024
 

Rừng ngập mặn Nhơn Trạch - Long Thành, thuộc tỉnh Đồng Nai, từ lâu đã được ví như “lá phổi xanh” của vùng Đông Nam Bộ. Với diện tích gần 8 ngàn hécta, trong đó 4,9 ngàn hécta có rừng, không chỉ mang vẻ đẹp hoang sơ, mà còn là một hệ sinh thái phong phú và đa dạng.

Bên cạnh đó, rừng ngập mặn còn là nơi gắn bó mật thiết với cuộc sống mưu sinh của hàng trăm hộ dân “lớn lên cùng rừng”

 
 

Chuyến đi của chúng tôi bắt đầu từ bến cá Phước An, xã Phước An, huyện Nhơn Trạch. Đây là điểm xuất phát quen thuộc, từ đây ghe, vỏ lãi (xuồng nhỏ) và cano mới có thể len lỏi vào những con rạch sâu, xuyên qua những cánh rừng ngập mặn bạt ngàn.

Dẫn đoàn là Lực lượng Kiểm lâm Đồng Nai. Ảnh: Minh Hạnh

Vào khoảng 8h sáng, nước sông bắt đầu dâng cao, xuồng qua lại nhịp nhàng. Cảnh tượng mở ra trước mắt chúng tôi là một vùng sông nước bao la, những cánh rừng trải dài tĩnh lặng, nghe được cả tiếng gió thổi qua lá cây và những cơn sóng lăn tăn đập vào mạn thuyền.

Con người trở nên nhỏ bé trước thiên nhiên bao la, hùng vĩ. Ảnh: Minh Hạnh
Con người trở nên nhỏ bé trước thiên nhiên bao la, hùng vĩ. Ảnh: Minh Hạnh

Hệ thống sông ngòi tại khu vực rừng ngập mặn Nhơn Trạch - Long Thành vô cùng phức tạp và dễ khiến những người không quen dễ bị lạc. Nơi đây là điểm giao thoa của nhiều dòng chảy lớn như sông Đồng Nai, sông Soài Rạp, sông Thị Vải, sông Lòng Tàu, sông Cái, sông Đồng Tranh... Sự hội tụ của các dòng chảy này tạo thành một mạng lưới kênh rạch chằng chịt. Nước xanh ngát, hòa cùng sắc trời, tạo nên một bức tranh thiên nhiên thanh bình và đẹp đến nao lòng. Không chỉ có cảnh quan đẹp, nơi đây còn là bờ bao bảo vệ vùng phía Nam của tỉnh, ngăn mặn và phèn.

Chỉ có những người con vùng đất này, những người hàng ngày sinh sống, gìn giữ và bảo tồn thiên nhiên nơi đây mới hiểu được hệ sinh thái của rừng ngập mặn Nhơn Trạch - Long Thành phong phú và đa dạng đến nhường nào.

Điểm nổi bật nhất trong hệ sinh thái rừng ngập mặn Nhơn Trạch - Long Thành là các loài cây thân gỗ, cây bụi và cây cỏ. Dễ thấy nhất là cây đước, bần, mắm... Chúng có bộ rễ đặc biệt, thường là rễ chùm, lan rộng ra xung quanh giúp cây bám chắc vào nền đất sình lầy, tạo thành một hệ thống phòng thủ tự nhiên chống lại sự xói mòn từ dòng chảy.

Lực lượng Kiểm lâm Đồng Nai thường xuyên đo đạc, theo dõi sự sinh trưởng của cây rừng. Ảnh: ĐVCC
Lực lượng Kiểm lâm Đồng Nai thường xuyên đo đạc, theo dõi sự sinh trưởng của cây rừng. Ảnh: ĐVCC

Ngoài các loài cây đặc trưng, nơi đây còn là nơi sinh tồn của hàng trăm loài động vật. Từ những loài thú, chim, bò sát đến các loài tôm, cá, nhuyễn thể. Đặc biệt, hệ sinh thái rừng ngập mặn Nhơn Trạch - Long Thành còn là địa điểm lý tưởng cho các loài chim di cư, mỗi năm hàng trăm đàn chim bay về đây làm tổ, tạo nên một khung cảnh sống động với tiếng chim hót ríu rít khắp khu rừng.

Dưới nước, những loài tôm, cá, cua sinh sôi, phát triển mạnh mẽ, được đánh bắt có kiểm soát, đem lại thu nhập ổn định cho người dân.

Để giữ gìn sự đa dạng sinh thái cũng như môi trường tự nhiên cho “lá phổi xanh”, lực lượng Kiểm lâm Đồng Nai (trong đó lực lượng bảo vệ rừng thuộc Hạt kiểm lâm 2 huyện Long Thành, Nhơn Trạch và lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Long Thành) luôn đều đặn ngày đêm tuần tra bảo vệ rừng trong nhiều năm, hạn chế tối đa tình trạng khai thác trái phép, chặt cây phá rừng với mục tiêu quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Lực lượng Kiểm lâm Đồng Nai len lỏi trong các đám rừng đước, làm nhiệm vụ tuần tra bảo vệ rừng. Ảnh: ĐVCC
Lực lượng Kiểm lâm Đồng Nai len lỏi trong các đám rừng đước, làm nhiệm vụ tuần tra bảo vệ rừng. Ảnh: ĐVCC
 
 

Chia sẻ với phóng viên Báo Đồng Nai, Ông Phan Phi Phụng, nhân viên quản lý công tác tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Long Thành hơn 30 năm kể lại, trước đây cây giống được các bậc “tiền bối” lấy từ dưới Cà Mau về trồng, nhưng sau này bị dân tàn phá khá nhiều. Bản thân ông về công tác tại rừng ngập mặn năm 1992, thấy hiện trạng tiểu khu 20 và 218 bị mất mấy khoảnh, ông đã mua thêm cây giống từ Tam Hiệp và Cần Đước, Long An đưa về đây trồng.

Sau đó, thấy công việc trồng rừng của anh em vất vả, ban giám đốc đề nghị làm rừng giống, từ đó lấy trái giống phục vụ cho trồng rừng. “Giống lấy được từ rừng của mình giúp tiết kiệm rất nhiều chi phí, giảm bớt ảnh hưởng của môi trường, thời tiết và thổ nhưỡng đất đến cây giống” – ông Phụng nói.

Khu vực trồng rừng bảo vệ môi trường. Ảnh: Minh Hạnh

70 hécta cây giống gần khu vực Phân trường Phước An thuộc giống cây đước. Hàng năm, cứ vào tháng 9, rất nhiều trái giống sẽ rụng từ trên cây xuống. Các cán bộ bảo vệ rừng sẽ lấy những trái giống già đem ra trồng vào những diện tích trống để hình thành rừng mới.

Sau này, khi kinh tế đi lên, đời sống người dân càng gắn bó chặt chẽ hơn với rừng. Khi các lực lượng kiểm lâm triển khai tuyên truyền để bà con nhân dân hiểu rõ hơn chức năng và tác dụng của hệ sinh thái rừng ngập mặn thì hầu như không xuất hiện tình trạng người dân chặt phá rừng nữa, diện tích rừng cũng được mở rộng hơn.

Rừng ngập mặn Nhơn Trạch - Long Thành không chỉ có giá trị hiện tại mà còn mang tầm quan trọng trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu. Các dự án trồng thêm cây, mở rộng diện tích rừng trong những năm qua đã được triển khai, với mục tiêu bảo vệ đa dạng sinh học, chống xói mòn, duy trì nguồn lợi thủy sản và tăng độ che phủ của rừng.

Những cây con từ 5-7 năm tuổi đã bắt đầu phát triển, tạo nên các tầng rừng mới. Bằng mắt thường có thể thấy rõ nhiều tầng cây. Mỗi tầng rừng đều có vai trò riêng trong việc bảo vệ môi trường và duy trì sự đa dạng sinh học.

Anh Lê Đăng Khánh, Phân trưởng trưởng Phân trường Phước An, cũng là người dẫn đoàn cho chúng tôi chia sẻ: “Những cây rừng được trồng ở đây phát triển theo từng tầng, ở ngoài cùng nơi nước sâu nhất là cây bần, vào bên trong tí nữa thì là mắm, phía trong cùng là cây đước - loài cây này dễ trồng hơn và phát triển mạnh hơn”.

Những cây con mọc lên, phát triển thành nhiều tầng tại khu trồng rừng thích ứng biến đổi khí hậu. Ảnh: Minh Hạnh
Những cây con mọc lên, phát triển thành nhiều tầng tại khu trồng rừng thích ứng biến đổi khí hậu. Ảnh: Minh Hạnh

Trong tương lai, với sự chung tay của người dân, chính quyền và các tổ chức, rừng ngập mặn Nhơn Trạch - Long Thành sẽ tiếp tục phát triển bền vững, góp phần vào công cuộc bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu. Những nỗ lực hàng ngày hôm nay sẽ là nền tảng vững chắc cho một tương lai xanh và bền vững mai sau.

 

Những người dân ở khu vực rừng ngập mặn Nhơn Trạch - Long Thành, phần lớn sinh sống bằng nghề đánh bắt và nuôi trồng thủy hải sản. Họ được giao khoán diện tích mặt nước không có khả năng trồng được rừng trong quy hoạch 3 loại rừng, vừa bảo vệ rừng, vừa có nguồn thu nhập ổn định mà vẫn bảo vệ được môi trường tự nhiên.

Hộ nuôi hàu ở rừng ngập mặn. Ảnh: Minh Hạnh
Hộ nuôi hàu ở rừng ngập mặn. Ảnh: Minh Hạnh

Ông Nguyễn Thành Trung, quê tỉnh Tiền Giang, đã chọn Nhơn Trạch, Đồng Nai làm nơi lập nghiệp. Tại khu vực Tắc Ông Quắn, xã Phước An, huyện Nhơn Trạch, ông ký hợp đồng nhận khoán đất với Ban Quản lý rừng phòng hộ Long Thành. Ông vừa nuôi trồng thủy sản, vừa có nhiệm vụ bảo vệ rừng. Diện tích mà ông Trung được giao gồm 9 mẫu 8, trong đó có 5 mẫu mặt nước để nuôi tôm, cá, hàu và 3 mẫu 8 đất rừng. Hợp đồng này kéo dài 5 năm, với mức phí 2,5 triệu đồng, 1 hécta, 1 năm.

Nghề nuôi tôm sú là nghề mang lại thu nhập chủ yếu cho gia đình ông. Con giống được mua từ Vũng Tàu, Bình Thuận, Mũi Né, sau khi đưa đi kiểm tra mầm bệnh sẽ được ươm giống và cho ăn 15 ngày, sau khi tôm đã quen thuộc với môi trường sống thì thả tự do để chúng tự kiếm ăn. Hộ nuôi tôm nào có điều kiện có thể dặm thêm mồi, phương pháp này được gọi là bán quảng canh dưới cánh rừng. Theo ông, tôm khi thu hoạch đạt chất lượng tốt và sản lượng cao, giá bán khoảng 100 ngàn/kg, cao hơn các sản phẩm nuôi công nghiệp vài chục ngàn.

Ông Nguyễn Trung Dũng, anh trai của ông Nguyễn Thành Trung, cũng làm nghề nuôi tôm sú tại khu vực Tắc Ông Quắn, xã Phước An, huyện Nhơn Trạch kể lại: “Hồi năm 97,98 với năm 2000 là lúc trúng tôm và giá rất là cao, tính ra một đêm phải thu được 2 cây vàng.”

Nhờ điều kiện tự nhiên thuận lợi, việc nuôi trồng thủy sản của ông Trung và ông Dũng mang lại thu nhập ổn định cho gia đình. Dù công việc vất vả, nhưng ai cũng cảm thấy tự hào khi được đóng góp vào việc bảo vệ rừng ngập mặn, một phần quan trọng của hệ sinh thái địa phương.

Việc nuôi tôm dưới tán rừng không chỉ giúp nhiều hộ dân có thu nhập ổn định, mà còn góp phần đáng kể trong việc bảo vệ rừng ngập mặn, thích ứng với biến đổi khí hậu, lấy kinh tế nước mặn thuận theo tự nhiên làm đòn bẩy phát triển sinh kế.

Cũng lựa chọn rừng ngập mặn Nhơn Trạch – Long Thành làm nơi phát triển kinh tế, ông Lưu Nhật Nam, 48 tuổi đã gắn bó với vùng đất này vài chục năm, và xem mảnh đất này như quê hương thứ hai của mình.

“Con người ở đây ai cũng vui vẻ, ban lãnh đạo lâm trường luôn hỗ trợ người dân. Nếu có bị bể đùng thì báo, họ sẽ giúp đỡ cho mình đắp lại. Ở đây mình cũng canh giữ phụ mấy anh em cán bộ bảo vệ rừng, nếu phát hiện trường hợp có ai phá cây thì báo lại cho họ xử lý. Ở đây lâu rồi thì đây cũng giống như quê hương của mình” - ông Nam tâm sự.

Ông Lưu Nhật Nam, người dân nhận khoán rừng và sống bằng nghề nuôi cá tôm.
Ông Lưu Nhật Nam, người dân nhận khoán rừng và sống bằng nghề nuôi cá tôm. Ảnh: Minh Hạnh

Những hộ dân nhận giao khoán đất rừng được yêu cầu phải bảo vệ cây rừng hiện có và không được phép khai thác bừa bãi. Họ được hỗ trợ về kỹ thuật, hướng dẫn cách nuôi trồng thủy sản bền vững, đảm bảo nguồn lợi tự nhiên không bị suy giảm. Theo ông Nguyễn Đình Trình, Phó giám đốc phụ trách Ban Quản lý rừng phòng hộ Long Thành: “Thời gian giao khoán là 5 năm, với bình quân mỗi hộ gia đình nuôi trồng thủy sản có từ 2-3 lao động, tạo thành một lực lượng hỗ trợ bảo vệ rừng từ 200 đến 300 người, là những người trông giữ rừng ngoài thực địa đã hạn chế rất nhiều các vụ mất rừng hoặc các vụ vi phạm phát hiện kịp thời”.

Chính nhờ mối quan hệ cộng sinh này mà trong những năm gần đây, diện tích rừng không bị sụt giảm, cây cối nơi đây vẫn xanh tốt, duy trì hệ sinh thái phong phú.

 
 

Không chỉ là câu chuyện về bảo tồn thiên nhiên và an cư lạc nghiệp của người dân, mà trong tương lai, rừng ngập mặn Nhơn Trạch - Long Thành còn mang trong mình tiềm năng phát triển du lịch sinh thái vô cùng lớn. Khu vực 2 huyện Long Thành, Nhơn Trạch có kinh tế phát triển, giao thông thuận lợi.

Tỉnh Đồng Nai có 34 khu công nghiệp được thành lập với tổng diện tích hơn 11 ngàn hécta, trong đó có 32 khu công nghiệp đang hoạt động, riêng 2 huyện Long Thành và Nhơn Trạch đã chiếm phần lớn các khu công nghiệp. Trong đó, có thể kể đến như Khu công nghiệp Nhơn Trạch I,II,II; Khu công nghiệp Lộc An – Bình Sơn, Khu công nghiệp Long Thành,... Sở hữu nhiều khu công nghiệp và hàng trăm ngàn công nhân, là nguồn khách hàng tiềm năng song trên địa bàn 2 huyện Long Thành, Nhơn Trạch lại thiếu những điểm đến du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và giải trí.

Bên cạnh đó, giao thông cũng là thế mạnh của địa phương khi nơi đây có mạng lưới giao thông kết nối với nhiều tuyến đường huyết mạch trên cả nước, bao gồm quốc lộ 51, cao tốc thành phố Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây, sân bay Long Thành, cảng Cát Lái,…

Trong thời gian tới, khi Sân bay Quốc tế Long Thành chính thức được khánh thành và đi vào hoạt động, đây sẽ là bước phát triển vượt trội khiến Đồng Nai trở thành một trong những trung tâm trung chuyển hàng hóa nội địa và quốc tế. Việc di chuyển sẽ trở nên thuận tiện hơn cho du khách trong nước và ngoại quốc. Đầu tư vào phát triển du lịch cho khu vực rừng ngập mặn Nhơn Trạch – Long Thành có thể khai thác tối đa nguồn lợi từ hạ tầng giao thông mang lại.

 

Ban Quản lý rừng phòng hộ Long Thành hiện đang hoàn thiện đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và giải trí để trình lên Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn thẩm định, sau đó trình UBND tỉnh phê duyệt.

Một trong những điểm nhấn mà đề án du lịch sinh thái đang hướng tới là việc tạo ra trải nghiệm du lịch trên sông nước, tương tự như các tour du lịch sông nước ở miền Tây. Du khách sẽ được ngồi thuyền dạo sông, tận mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp hoang sơ của những cánh rừng ngập mặn xanh mát, những hàng cây thẳng tắp, dừng chân thưởng thức các món ăn từ thủy sản tươi sống được đánh bắt ngay tại chỗ.

 
 
Từ khóa:

di sản xanh

lá phổi xanh

Đông Nam Bộ

rừng ngập mặn

Xem thêm bình luận