Loạt Megastory Đầu tàu kinh tế trong cuộc đua đến Net Zero:
Kỳ cuối: Những giải pháp để Đông Nam Bộ về đích sớm
.

Loạt Megastory Đầu tàu kinh tế trong cuộc đua đến Net Zero:
Kỳ cuối: Những giải pháp để Đông Nam Bộ về đích sớm

17:37, 29/03/2024
 
 

Vùng Đông Nam Bộ (ĐNB) đang có nhiều lợi thế để thu hút các nguồn lực trong và ngoài nước đầu tư thực hiện giảm phát thải khí nhà kính, phát triển năng lượng tái tạo và hình thành thị trường tín chỉ carbon. Hiện các tỉnh, thành trong vùng ĐNB đã liên kết triển khai các giải pháp, đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế xanh, giảm phát thải, về đích sớm trong lộ trình đến Net Zero.

Thời gian qua, không ít nhà đầu tư, tổ chức quốc tế lên tiếng sẵn sàng hỗ trợ, hợp tác với các địa phương trong vùng để thúc đẩy chuyển đổi xanh. Dưới đây là ý kiến của một số chính khách, chuyên gia, doanh nghiệp (DN).

 
Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4 (huyện Nhơn Trạch), dự án sử dụng nhiên
liệu khí LNG đầu tiên và lớn nhất tại Việt Nam ở hiện tại. Ảnh: Ban Mai
Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4 (huyện Nhơn Trạch), dự án sử dụng nhiên liệu khí LNG đầu tiên và lớn nhất tại Việt Nam ở hiện tại. Ảnh: Ban Mai
 

* Ông David Lewis, Tổng giám đốc Công ty Energy Capital Vietnam (trụ sở tại Hoa Kỳ) cho hay, chúng tôi đánh giá cao chủ trương phát triển xanh của tỉnh Đồng Nai. Vì vậy, công ty đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác tăng trưởng xanh với tỉnh. Trong thời gian tới công ty sẽ hỗ trợ Đồng Nai tiếp cận các dòng vốn xanh từ quỹ tài chính để thúc đẩy mục tiêu phát triển xanh, bền vững của tỉnh. Đồng thời, công ty có đơn vị tư vấn về các giải pháp để giảm thiểu carbon với từng ngành.

Có nhiều giải pháp, lĩnh vực để thực hiện giảm phát thải nhưng chúng tôi ưu tiên năng lượng vì đây là yếu tố đóng góp 40-60% lượng phát thải của khu công nghiệp. Chúng tôi sẽ xây dựng hệ thống năng lượng riêng từng khu công nghiệp, ở đó có sự kết hợp giữa năng lượng khí, mặt trời và pin lưu trữ đáp ứng nhu cầu điện sạch cho các nhà máy. Thực hiện được dự án này, mục tiêu giảm phát thải ròng của tỉnh sẽ khả thi hơn.

 

*Ông Lê Thanh Tùng, Giám đốc Công ty cổ phần tập đoàn Ecotree (trụ sở Thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ, Đồng Nai là tỉnh có diện tích rừng lớn, đa dạng sinh học cao nên công ty muốn xây dựng đề án lập tín chỉ carbon rừng trồng và rừng tự nhiên trên địa bàn tỉnh. Trước mắt, doanh nghiệp sẽ làm việc với các chủ rừng để khảo sát, thu thập thông tin phục vụ lập đề án; thực hiện trồng mới, trồng dặm, cải tạo chăm sóc, quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế.

Khi có đủ thông tin, công ty sẽ kết nối với các nhà khoa học quốc tế để đánh giá khối lượng carbon, kết nối với các bên có nhu cầu mua bán, đầu tư tín chỉ carbon trên địa bàn tỉnh. Việc này rất có lợi cho tỉnh khi xây dựng đề án, tham gia vào thị trường carbon.

 

* Ông Christopher David Scholl, Phó tổng Lãnh sự Cộng hòa Liên bang Đức tại Thành phố Hồ Chí Minh nhận xét, thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã có các cam kết, mục tiêu rõ ràng và nhất quán về môi trường, khí hậu. Chính phủ Đức đề cao các cam kết này, đồng thời quan tâm đến sự hợp tác của 2 bên để đạt mục tiêu chung phát triển bền vững. Việc Lãnh sự quán Đức đưa doanh nghiệp đến Đồng Nai tìm hiểu môi trường đầu tư, đề xuất triển khai dự án đốt rác thải sinh hoạt phát điện là cụ thể hóa cho mục tiêu trên.

Dự án mà nhà đầu tư Đức mang đến Đồng Nai sử dụng 100% công nghệ tiên tiến có thể giúp tỉnh đạt được cả 2 mục tiêu là xử lý rác thải và tạo ra điện sạch. Thông qua dự án, Chính phủ Đức mong muốn góp phần cùng Việt Nam hiện thực hóa cam kết ứng phó với biến đổi khí hậu, đạt mục tiêu net zero vào năm 2050.

 

*Bà Emily Hamblin, Tổng lãnh sự Anh tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Chính phủ Anh đánh giá cao cam kết của Việt Nam đồng thời sẽ hỗ trợ về tài chính, đào tạo nguồn nhân lực, phát triển hạ tầng để thực hiện tham vọng net zero. Có 3 yếu tố các bạn cần quan tâm đó là: hoàn thiện khung thể chế chính sách; tiếp cận toàn dân và nhiều góc nhìn về phát triển bền vững; tận dụng các mối quan hệ hợp tác với tư nhân để có nguồn tài chính xanh.

Chính phủ Anh sẽ mở rộng hợp tác với Việt Nam và vùng Đông Nam Bộ trong lĩnh vực năng lượng nhằm đẩy nhanh việc chuyển đổi sang sử dụng năng lượng tái tạo đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững

 
Đồng Nai hình thành Khu đô thị xanh tại cù lao Ông Cồn xã Đại Phước, huyện Nhơn Trạch. Ảnh: Hương Giang
Đồng Nai hình thành Khu đô thị xanh tại cù lao Ông Cồn xã Đại Phước, huyện Nhơn Trạch. Ảnh: Hương Giang
 

* Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có nhu cầu sử dụng năng lượng mặt trời để đạt các chứng chỉ, chứng nhận xanh, đủ điều kiện xuất khẩu hàng hóa vào các thị trường lớn và tiết kiệm tiền điện. Nếu đơn giản hóa thủ tục về xây dựng, môi trường, phòng cháy chữa cháy chắc chắn nhiều doanh nghiệp sẽ đầu tư lắp đặt điện mặt trời để sử dụng.

Tỉnh đã nhiều lần kiến nghị Bộ Công thương có hướng dẫn cụ thể, chi tiết về điều kiện, thủ tục đối với các dự án điện mặt trời theo hình thức tự sản xuất, tự tiêu thụ. Ngoài ra, tỉnh cũng kiến nghị bổ sung thêm chỉ tiêu công suất điện mặt trời cho tỉnh vì nhu cầu sử dụng lớn, tiềm năng sẵn có. Giải quyết được bài toán này các mục tiêu: phát triển năng lượng tái tạo, giảm phát thải, ứng phó với biến đổi khí hậu sẽ sớm đạt được.

 

Ông Lê Như Linh, Tổng giám đốc Tổng công ty điện lực dầu khí Việt Nam (PV Power) cho hay, PV Power đang triển khai dự án Nhà máy điện Nhơn Trạch 3& 4 tại Đồng Nai. Đây là dự án nhiệt điện sử dụng nhiên liệu khí LNG đầu tiên và lớn nhất tại Việt Nam. Dự án có tổng mức đầu tư 1,4 tỉ USD, công suất 1.500 MW, hiện đã thi công đạt hơn 80% khối lượng, dự kiến phát điện thương mại lần lượt là quý IV-2024 và quý II-2025. Khi đi vào hoạt động, các dự án sẽ bổ sung 9 tỉ kWh điện/năm, góp phần đảm bảo cung cấp điện cho khu vực miền Nam nói riêng và hệ thống an ninh năng lượng quốc gia nói chung; thúc đẩy chuyển dịch năng lượng sạch tại Việt Nam và thực hiện cam kết phát thải về 0 vào năm 2050. Đồng thời, dự án này đi vào vận hành cũng nâng cao vị thế cho PV Power, tỉnh Đồng Nai và vùng Đông Nam Bộ khi sở hữu dự án nhà máy điện LNG đầu tiên trong chuỗi dự án điện khí LNG được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quy hoạch điện VIII. Tuy nhiên, muốn dự án sớm đưa vào khai thác, những vướng mắc về thủ tục của doanh nghiệp cần được tỉnh, các bộ ngành tháo gỡ sớm.

 

*TS Trương Minh Huy Vũ, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, hướng phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh là “xanh và số”. Năm 2023, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố, trong đó có rất nhiều công cụ để thúc đẩy chuyển đổi xanh, kinh tế xanh, giảm dần phát thải tiến đến net zero. Sau khi thí điểm cơ chế, chính sách thành công thành phố sẽ đề xuất nhân rộng ra trong vùng Đông Nam Bộ và các khu vực khác. Mục tiêu là để phát triển kinh tế bền vững.

 
Từ khóa:

Net Zero

Xem thêm bình luận