Như nhiều địa phương khác trên cả nước, quản lý và sử dụng đất đai tại Đồng Nai cũng là lĩnh vực “nóng”, cần các giải pháp quản lý, sử dụng chặt chẽ, hiệu quả, nhằm bố trí hợp lý cho phát triển kinh tế - xã hội, hạn chế việc mua bán đất đai khi chưa đầy đủ tính pháp lý - một trong những vấn đề đau đầu của nhiều địa phương trên cả nước.
Bên cạnh đó, dù là một trong 5 trung tâm công nghiệp lớn nhất Việt Nam nhưng nhiều năm qua, tỉnh luôn xác định phải chú trọng trong xây dựng nông thôn mới (NTM), nâng cao đời sống nông dân và quá trình này “không có điểm dừng”.
* Thưa ông, quản lý đất đai luôn là vấn đề “nóng”, đặc biệt là Đồng Nai - nơi có nhiều dự án bất động sản đang triển khai xây dựng. Trong năm 2023 đã xảy ra tình trạng một số người dân khiếu nại liên quan đến các dự án khu dân cư. Năm 2024, tỉnh sẽ làm gì để quản lý chặt hơn về đất đai, hạn chế việc người dân khiếu nại?
Trong những năm qua, công tác quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh luôn được Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm, chỉ đạo kịp thời. UBND tỉnh đã đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật theo phân cấp để triển khai thi hành Luật Đất đai, ban hành các văn bản nhằm tăng cường công tác quản lý đất đai. Các chủ trương, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã được các cấp, các ngành thực hiện, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh.
Phó chủ tịch UBND tỉnh tham quan gian giới thiệu ứng dụng Dongnai.lis tại triển lãm giới thiệu các ứng dụng, công nghệ số tại Tuần lễ Chuyển đổi số Đồng Nai năm 2023. Ảnh: Khắc Giới |
Tuy nhiên, công tác quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số hạn chế trong quản lý quy hoạch chưa có sự giám sát chặt chẽ và xử lý kịp thời bất cập ở một số địa phương dẫn đến việc người dân tự ý tách thửa, sử dụng đất chưa đúng mục đích. Đồng thời, có trường hợp đất được giao, cho thuê chậm đưa vào sử dụng, công tác thanh tra, xử lý vi phạm còn hạn chế. Tại một số dự án khu dân cư trên địa bàn tỉnh còn xảy ra tình trạng người dân khiếu nại vì chủ đầu tư chưa thực hiện đúng cam kết.
Để khắc phục tình trạng trên, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 20 của UBND tỉnh ngày 29-12-2023 về công tác tăng cường quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh làm cơ sở để các sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện. Trong đó, giao trách nhiệm cụ thể cho các Sở: TN-MT, Xây dựng, KH-ĐT và UBND các huyện, TP.Biên Hòa, TP.Long Khánh.
* Ông đã nhiều lần nhắc đến việc công khai các dự án bất động sản trên địa bàn tỉnh để người dân biết rõ, tránh mua phải sản phẩm chưa đầy đủ pháp lý. Vậy gần 300 dự án bất động sản của tỉnh sẽ được công khai trong năm nay?
Về nội dung trên, UBND tỉnh đã có 3 văn bản vào tháng 6, tháng 11 và tháng 12 vừa qua, giao Sở Xây dựng, Sở TN-MT căn cứ vào chức năng nhiệm vụ đã được UBND tỉnh phân công nhằm tổ chức thực hiện xây dựng, duy trì hệ thống thông tin, cung cấp thông tin, dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh theo quy chế được ban hành.
Theo đó, Sở Xây dựng thông báo đến các chủ đầu tư dự án bất động sản, sàn giao dịch bất động sản, tổ chức kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản có trách nhiệm cung cấp thông tin và công khai thông tin, vị trí dự án.
Sở KH-ĐT công khai thông tin các dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị được phê duyệt chủ trương đầu tư trên trang thông tin điện tử của tỉnh và Sở KH-ĐT.
Sở TN-MT công bố các dự án kinh doanh bất động sản được giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất. Thông báo dự án đủ điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất trên trang thông tin điện tử của Sở TN-MT.
Báo Đồng Nai cũng sẽ triển khai thực hiện đăng thông tin và cập nhật thông tin dự án trên báo theo đúng quy định.
Về phía UBND các huyện, thành phố công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên trang thông tin điện tử của UBND huyện, thành phố và tại trụ sở các UBND xã, phường, thị trấn. Phối hợp với các đơn vị liên quan giám sát tiến độ dự án, khi phát hiện tình trạng kinh doanh bất động sản chưa đủ điều kiện thì báo cơ quan chuyện môn để ngăn chặn xử lý…
* Kết thúc năm 2023, Đồng Nai xếp thứ 2 cả nước về số xã NTM nâng cao. Ông có thể chỉ rõ những kết quả đạt được từ phong trào xây dựng NTM của tỉnh?
Năm 2023, tỉnh đặt ra mục tiêu 8 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 4 xã đạt NTM kiểu mẫu và H.Xuân Lộc hoàn thành NTM nâng cao. Do đó, ngay từ đầu năm UBND tỉnh đã đưa ra nhiều giải pháp như: tổ chức hội nghị giao ban nông nghiệp và xây dựng NTM quý I-2023 để rút kinh nghiệm, nhân rộng những mô hình hay; làm việc trực tiếp với UBND các huyện Xuân Lộc, Tân Phú, Định Quán, Cẩm Mỹ, Thống Nhất để kịp thời xử lý, giải quyết những khó khăn, vướng mắc.Kết quả, đến ngày 31-12-2023, mọi chỉ tiêu về xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu đều vượt mục tiêu Nghị quyết Tỉnh ủy. H.Xuân Lộc đã trình Bộ NNPTNT hồ sơ đề nghị công nhận huyện NTM nâng cao.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh và Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi thăm vườn sầu riêng của nông dân sản xuất giỏi ở H.Định Quán. Ảnh: Lê Quyên |
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện xây dựng NTM vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc là tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung còn thấp, nhất là các huyện Long Thành, Tân Phú, Trảng Bom. Một số địa phương tuy đã đạt chuẩn nhưng tính bền vững chưa cao ở một vài tiêu chí như: tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế, phân loại rác tại nguồn… Vẫn còn xã chưa chú trọng hoàn thành các tiêu chí liên quan đến cảnh quan môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp.
* Năm 2024, kế hoạch của tỉnh là sẽ có 2 huyện đạt NTM nâng cao, trong tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay, tỉnh xác định giải pháp gì để đạt được kế hoạch?
Năm nay, để hoàn thành chỉ tiêu Tỉnh ủy giao là sẽ có 2 huyện đạt NTM nâng cao, UBND tỉnh đã triển khai 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp.
Cụ thể từ đầu năm, UBND tỉnh đã giao kế hoạch cho 3 huyện sẽ hoàn thành NTM nâng cao là Thống Nhất, Cẩm Mỹ, Vĩnh Cửu (cao hơn 1 huyện so với chỉ tiêu của Tỉnh ủy). Cuối tháng 1-2024, UBND tỉnh đã làm việc với các địa phương trên để xác định rõ các giải pháp nhằm triển khai thực hiện hiệu quả.
Chúng tôi cũng tổ chức rà soát, xây dựng kế hoạch duy trì, cập nhật, nâng cao chất lượng kết quả thực hiện các chỉ tiêu, tiêu chí NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu theo Bộ tiêu chí giai đoạn 2021-2025, nhất là các xã được công nhận đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí giai đoạn 2016-2020 và các địa phương phấn đấu hoàn thành NTM nâng cao đến năm 2025.
Đồng thời, vận động, huy động các nguồn lực từ người dân, doanh nghiệp xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân vùng nông thôn.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Trung và Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi tham quan gian hàng trưng bày sầu riêng của doanh nghiệp Đồng Nai tại lễ xuất khẩu sầu riêng cuối năm 2023. Ảnh: Bình Nguyên |
* Nhiều năm liền được xác định là một trong những lá cờ đầu của cả nước về xây dựng NTM, Đồng Nai có đặt ra đích đến cao hơn là đạt NTM kiểu mẫu cho cấp huyện hay không, thưa ông?
Hiện nay, Trung ương chưa ban hành Bộ tiêu chí NTM kiểu mẫu, nhưng năm 2018, H.Xuân Lộc đã được Trung ương chọn là một trong 4 địa phương thí điểm xây dựng NTM kiểu mẫu. Ngày 8-1-2019, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 69/QĐ-UBND phê duyệt Đề án xây dựng H.Xuân Lộc đạt NTM kiểu mẫu theo hướng “Phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp bền vững” giai đoạn 2018-2025. Thời gian qua, H.Xuân Lộc đang khẩn trương thực hiện và dự kiến đến năm 2025 sẽ trình công nhận hoàn thành mục tiêu đề án.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã đề xuất Bộ NN-PTNT tham mưu Chính phủ sớm ban hành Bộ tiêu chí huyện NTM kiểu mẫu. Để từ đó, Đồng Nai xây dựng kế hoạch thực hiện theo quy định.
* Xin cảm ơn ông!