Nâng cao vai trò giám sát của Quốc hội trong lĩnh vực thuế, tín dụng doanh nghiệp: Từ nghị trường đến địa phương
.

Nâng cao vai trò giám sát của Quốc hội trong lĩnh vực thuế, tín dụng doanh nghiệp: Từ nghị trường đến địa phương

hoàng Hải - Ngọc Liên
08:00, 30/11/2023
 

Thời gian qua, hoạt động chất vấn, giám sát liên quan đến các vấn đề về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN), nhất là trong lĩnh vực thuế, tín dụng là một đề tài “nóng” trên nghị trường Quốc hội.

Bên cạnh đó, tại các địa phương có nhiều khu công nghiệp, DN sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu như Đồng Nai, hoạt động khảo sát, giám sát được Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh, HĐND tỉnh triển khai thường xuyên, liên tục để kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, góp phần tháo gỡ khó khăn cho DN trong bối cảnh hoạt động sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng bởi những tác động từ sau dịch bệnh Covid-19, tình hình thế giới có nhiều biến động…

 
 

Đồng Nai là tỉnh nằm trong tốp đầu cả nước về thu ngân sách nhà nước (NSNN) trên cả hai lĩnh vực xuất nhập khẩu và nội địa. Để kịp thời nắm bắt tình hình chung trong công tác quản lý thu và chống thất thu thuế, tháng 4-2023, Đoàn ĐBQH tỉnh do đồng chí Quản Minh Cường, Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh làm trưởng đoàn đã có buổi giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật trong công tác quản lý thu, chống thất thu thuế giai đoạn 2020-2022 trên địa bàn tỉnh đối với các đơn vị liên quan đến thu NSNN.

 

Để nắm bắt đúng và kịp thời nhất công tác quản lý thu và chống thất thu thuế, Đoàn giám sát của ĐBQH tỉnh đã chọn những đơn vị có số thu lớn của tỉnh, như: Chi cục Hải quan Nhơn Trạch, Chi cục Thuế khu vực Biên Hòa - Vĩnh Cửu; Cục Hải quan, Cục Thuế tỉnh, UBND tỉnh. Qua đó, ghi nhận tình hình chỉ đạo, điều hành trong công tác quản lý thu và chống thất thu thuế trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2022. Cụ thể như công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách thuế đến các cá nhân và tổ chức nộp thuế trên địa bàn tỉnh được cơ quan thuế và hải quan thực hiện đa dạng các hình thức thông tin tuyên truyền chủ trương, chính sách pháp luật về thuế đến người nộp thuế. Kịp thời nắm bắt những vướng mắc, khó khăn để nhanh chóng giải đáp, tháo gỡ hoặc ghi nhận báo cáo các cấp thẩm quyền. Trong công tác chỉ đạo, triển khai các giải pháp thu và chống thất thu thuế, hỗ trợ người nộp thuế, ngành thuế và hải quan luôn chủ động ban hành những kế hoạch trong công tác thanh tra, kiểm tra.

Doanh nghiệp làm thủ tục thuế tại Cục Thuế Đồng Nai. (Ảnh: Ngọc Liên)
Doanh nghiệp làm thủ tục thuế tại Cục Thuế Đồng Nai. Ảnh: Ngọc Liên

Ông Phạm Quang Quốc, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Nhơn Trạch cho biết, Chi cục Hải quan Nhơn Trạch đang quản lý các DN xuất, nhập khẩu trên địa bàn huyện Nhơn Trạch, bao gồm 10 khu, cụm công nghiệp và 3 cảng tổng hợp nằm giáp với sông Sài Gòn thuộc xã Phú Hữu và Phước Khánh. Nguồn thu ngân sách chủ yếu từ thuế giá trị gia tăng (chiếm trên 90% trong tổng thu NSNN), chủ yếu thu từ nhập khẩu máy móc, thiết bị của các dự án đầu tư mới, dự án đầu tư mở rộng sản xuất, thu từ hàng hóa của các DN nhập khẩu nguyên liệu, vật tư về để sản xuất hàng hóa tiêu thụ trong nước phải chịu thuế. Năm 2022, tổng thu NSNN của Chi cục Hải quan Nhơn Trạch đạt trên 10,8 ngàn tỷ đồng, tăng trên 20% so với cùng kỳ năm 2021. Trong giai đoạn từ năm 2020-2022, Chi cục Hải quan Nhơn Trạch không phát sinh nợ thuế khó thu, không phát sinh nợ thuế quá hạn.

 

Chi cục trưởng Chi cục Thuế khu vực Biên Hòa - Vĩnh Cửu Lê Hữu Nghĩa cho biết, Chi cục hiện đang quản lý trên 16 ngàn DN, hộ cá nhân hoạt động kinh doanh. Tổng thu NSNN từ năm 2020-2022 đạt gần 13,8 ngàn tỷ đồng. Những năm qua, ngành thuế tăng cường giám sát, chống thất thu, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thu thập thông tin, phân tích rủi ro. Đồng thời, nâng cao chất lượng, hiệu quả kiểm tra thuế, tăng cường giám sát các doanh nghiệp có rủi ro thuế cao, xử lý các trường hợp vi phạm thuế nghiêm trọng… Qua đó, kịp thời kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý hàng loạt DN có dấu hiệu hoặc hành vi mua bán hóa đơn, trốn thuế, gian lận trong hoàn thuế. Tuy nhiên, công tác quản lý và chống thất thu nợ thuế còn gặp nhiều khó khăn. Công tác ủy nhiệm thu còn hạn chế, ảnh hưởng đến cách xử lý công việc quản lý thu.

 

Qua hoạt động giám sát, Đoàn ĐBQH tỉnh đã ghi nhận một số vấn đề trong công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý thu và chống thất thu thuế một cách cụ thể, đúng thực tế. Cụ thể, trong những năm từ 2020-2022, các cơ quan thuế và hải quan đã chủ động nhiều giải pháp trong tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế. Cơ cấu thu NSNN chuyển biến tích cực, thu nội địa chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong tổng thu NSNN. Kết quả thu NSNN vượt so với chỉ tiêu ban đầu. Công tác thanh tra, kiểm tra thuế vượt 11% chỉ tiêu; công tác xử lý nợ thuế cũng đạt nhiều hiệu quả tích cực, góp phần giảm hụt thu NSNN.

Báo cáo với đoàn giám sát, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Đồng Nai Nguyễn Toàn Thắng cho biết, trong giai đoạn 2020-2022, dịch bệnh Covid-19 đã có nhiều tác động đến DN, người nộp thuế. Do đó, Cục Thuế đã chỉ đạo xây dựng kế hoạch và phương án thu hồi, cưỡng chế nợ phù hợp theo từng thời điểm phát sinh dịch bệnh trên địa bàn, đặc biệt là hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người nộp thuế. Riêng các trường hợp chây ỳ nộp thuế, cơ quan thuế phối hợp với cơ quan truyền thông địa phương công khai thông tin các đơn vị, cá nhân nợ thuế.

Lãnh đạo Cục Hải Quan Đồng Nai lắng nghe chia sẻ của các doanh nghiệp tại một hội nghị kết nối hải quan - doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh năm 2023. Ảnh: Ngọc Liên

Tại Cục Hải quan tỉnh Đồng Nai, nhiều năm qua, Cục Hải quan tỉnh đã tập trung rà soát, nắm chắc tình hình nợ thuế tại địa bàn quản lý, phân loại từng nhóm nợ có khả năng thu và không có khả năng thu để có hướng đôn đốc, xử lý kịp thời, không để phát sinh thành nợ chây ỳ, khó thu mới.

Qua giám sát, Đoàn ĐBQH tỉnh cũng ghi nhận những khó khăn, hạn chế trong công tác quản lý thu và chống thất thu thuế. Cụ thể, vẫn còn xảy ra tình trạng sai phạm trong kê khai, nộp thuế. Số nợ thuế vẫn còn ở mức cao qua từng năm. Cụ thể, năm 2020 số nợ trên 1,9 ngàn tỷ đồng, thì đến năm 2021 con số trên đã tăng lên trên 2,3 ngàn tỷ đồng và đến năm 2022 trên 2,4 ngàn tỷ đồng.

Ông Bùi Xuân Thống, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh cho biết, đoàn giám sát đã tổng hợp những ý kiến, kiến nghị để gửi về các cơ quan cấp trên. Cụ thể, đối với Quốc hội, các cơ quan quản lý thuế kiến nghị sửa đổi các luật như: Luật Quản lý thuế, Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt. Đối với Chính phủ và các bộ, ngành trung ương, các cơ quan quản lý thuế kiến nghị ban hành các giải pháp hỗ trợ, miễn, giảm, giãn thời hạn nộp thuế, phí và tiền thuê đất năm 2023; kiến nghị Chính phủ có những chính sách, giải pháp hỗ trợ người nộp thuế cũng như cụ thể hóa một số nội dung trong các nghị định, thông tư như: Nghị định 15/2022 của Chính phủ; sửa đổi Thông tư số 39/2015 về trị giá hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu… cùng một số thông tư liên quan đến chính sách thuế nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế…

 
 
Từ khóa:

doanh nghiệp

tháo gỡ khó khăn

chất vấn

Xem thêm bình luận