Năm 1997, Đồng Nai tiên phong trong cả nước trong việc đóng cửa rừng để phục hồi và phát triển rừng tự nhiên. Đến nay, đã mang lại nhiều kết quả nổi bật, Đồng Nai trở thành địa phương có diện tích rừng tự nhiên lớn nhất Nam bộ với nguồn tài nguyên phong phú, hệ sinh thái đa dạng.
Lực lượng kiểm lâm của Khu bảo tồn tăng cường tuần tra dài ngày trong rừng để ngăn chặn đối tượng xâm nhập rừng trái phép |
Hiện rừng Đồng Nai được xem là ‘lá phổi xanh’ của vùng miền Đồng Nam bộ, là tài sản vô cùng quý giá của quốc gia, dân tộc và thế giới, có ý nghĩa to lớn cho sự sống, cho giáo dục ý thức bảo vệ môi trường và đặc biệt là sự phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh một cách bền vững.
Sau giải phóng năm 1975, tỉnh Đồng Nai đã cho thành lập các lâm trường để khai thác, chế biến lâm sản. Từ đó, người dân từ khắp mọi miền đất nước đã tìm đến các lâm trường để tìm việc làm. Nhận thức về bảo vệ tài nguyên rừng của người dân lúc bây giờ còn những hạn chế nhất định nên dẫn đến tình trạng khai phá rừng, khai thác lâm sản thường xuyên xảy ra. Do vậy, rừng Đồng Nai đứng trước nguy cơ ngày càng cạn kiệt.
Công tác quản lý bảo vệ rừng được triển khai thực hiện bài bản, hiệu quả nên giá trị của rừng Đồng Nai ngày càng được nâng lên |
Trước bối cảnh trên, ngày 24-2-1997, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành quyết định về việc đóng cửa tất cả các loại rừng tự nhiên trên địa bàn. Đây là quyết định đóng cửa rừng tự nhiên sớm nhất cả nước, nhằm phục hồi, bảo vệ tốt diện tích rừng tự nhiên.
Đã không ít lần máu của kiểm lâm phải đổ vì sự chống trả của lâm tặc nhưng với tình yêu rừng đã giúp họ tiếp tục bám trụ để bảo vệ sự bình yên của những cánh rừng; trong ảnh: lực lượng kiểm lâm Khu bảo tồn đi tuần tra vùng giáp ranh với các tỉnh lân cận |
Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai (gọi tắt là Khu bảo tồn) Nguyễn Hoàng Hảo cho hay, năm 2004, tỉnh có chủ trưởng cho sáp nhập 3 lâm trường: Mã Đà, Hiếu Liêm, Vĩnh An để thành lập Khu bảo tồn và chuyển từ rừng sản xuất sang rừng đặc dụng để tiến hành quản lý, bảo vệ rừng, giữ gìn môi trường sống. Khu bảo tồn có trách nhiệm quản lý với tổng diện tích tự nhiên trên 100 ngàn ha, trong đó hơn 68 ngàn ha đất lâm nghiệp và hơn 32 ngàn ha mặt nước hồ Trị An. Để thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng, Khu bảo tồn đã thành lập 18 trạm kiểm lâm trong lâm phận nhằm giúp cho việc tuần tra, truy quét được thuận lợi.
Những cây cổ thụ quý giá ở trong rừng Khu bảo tồn thiên nhiên – văn hoá Đồng Nai |
Theo ông Nguyễn Hoàng Hảo, kiểm lâm của đơn vị thực hiện công tác bảo vệ rừng tại gốc nên thường xuyên ở tại rừng 24/24 giờ. Nhiều địa bàn vùng sâu, vùng xa không có điện lưới, sóng điện thoại khiến điều kiện đi lại, sinh hoạt của kiểm lâm gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa, việc lực lượng tổ chức tuần tra, canh phục ban đêm tại các điểm nóng thường phải trực tiếp đối mặt với nhiều hiểm nguy, vì các đối tượng vi phạm rất manh động, có sử dụng vũ khí tấn công xâm hại đến sức khỏe, đe dọa tới tính mạng của kiểm lâm.
“Thời gian qua, trong những lần làm nhiệm vụ đã không ít lần lực lượng giữ rừng tại gốc đã phải đổ máu vì sự chống trả của lâm tặc. Tuy nhiên với tình yêu rừng, anh em vẫn bám rừng và quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao” - ông Hảo tâm sự.
Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai Ngô Văn Vinh cho biết thêm, bên cạnh tăng cường tuần tra bảo vệ rừng, các cơ quan, đơn vị chủ rừng còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật đến người dân trong lâm phận. Hàng ngày, cán bộ, kiểm lâm viên thường xuống địa bàn để động viên, giải thích nhằm giúp bà con hiểu được ý nghĩa, mục đích của việc đóng cửa rừng và bảo vệ nguồn tài nguyên rừng. Bên cạnh đó, các đơn vị còn quan tâm và tạo công ăn việc làm cho người dân trong lâm phận như: tham gia tuần tra, QLBVR, trồng rừng, PCCCR vào mùa khô… Đến nay, đại bộ phận người dân đã hiểu và tích cực tham gia thực hiện công tác bảo vệ rừng.
Ngoài ra, các cơ quan, đơn vị chủ rừng còn triển khai công tác trồng rừng và chăm sóc rừng trồng gỗ lớn bản địa, nuôi dưỡng rừng tự nhiên; ra sức bảo vệ các loài động, thực vật quý hiểm trên lâm phần của đơn vị quản lý... Nhờ vậy, rừng Đồng Nai ngày càng phát triển và nâng giá trị tài nguyên như hôm nay.
Trước khi đóng cửa rừng, rừng Ðồng Nai chủ yếu là rừng nghèo (loại rừng 1A, 1B). Thế nhưng sau hơn 26 năm thực hiện chủ trương đóng cửa rừng thì chất lượng rừng ngày càng được nâng lên; trong đó, nhiều khu rừng nghèo kiệt đã được phục hồi, phát triển thành rừng tự nhiên với các loài động, thực vật ngày càng đa dạng và phong phú.
Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai Ngô Văn Vinh cho biết, tính đến ngày 31-12-2022, tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp tỉnh Đồng Nai trên 199 ngàn ha; trong đó, tỷ lệ che phủ rừng đạt 29,24% và tăng 3,76% so với năm 1999. Đặc biệt, từ năm 2010 đến nay, rừng Đồng Nai luôn đảm bảo chỉ tiêu theo nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh đề ra (28,3%).
Voọc chà vá chân đen quý hiếm tại núi Chứa Chan |
“Rừng Đồng Nai có được kết quả tốt là nhờ sự quyết tâm của của cả hệ thống chính trị, của HĐND, UBND tỉnh, chính quyền các cấp, các đơn vị chủ rừng, kiểm lâm, lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng và sự đồng lòng của người Đồng Nai” - ông Vinh tâm sự.
Ngày 29-6-2011, Khu Dự trữ sinh quyển Đồng Nai được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thứ 580 của thế giới và là một trong 9 khu dự trữ sinh quyển thế giới của Việt Nam. Điều đó cho thấy, rừng Đồng Nai là tài sản vô cùng quy giá của quốc gia, dân tộc và thế giới.
Theo Giám đốc Khu bảo tồn Nguyễn Hoàng Hảo, đặc trưng của rừng Đồng Nai là có diện tích rừng mưa ẩm nhiệt đới cuối cùng còn sót lại ở miền Nam Việt Nam, đặc biệt là ở Đồng Nai còn lưu giữ và bảo tồn các nguồn gen động, thực vật rừng quý hiếm. Đến nay, theo kết quả của đề tài khoa học “Nghiên cứu diễn thế phục hồi hệ sinh thái rừng tại khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai” đã ghi nhận được 2.376 loài thực vật và 2.824 loài động vật hoang dã, trong số đó có nhiều loài nguy cấp, quý hiếm nằm trong Sách đỏ Việt Nam, Danh lục đỏ IUCN 2015. Đặc biệt, nơi đây còn có nhiều loài động vật đặc hữu của Việt Nam và Đông Dương như: voi, bò tót, vượn đen má vàng, gà so cổ hung, chích chạch má xám, ngan cánh trắng, chà vá chân đen, hoẵng Nam bộ…
Các hệ sinh thái ở Khu Dự trữ sinh quyển Đồng Nai đóng vai trò then chốt đối với môi trường khu vực như đảm bảo chức năng điều hòa nước vùng thượng nguồn sông Đồng Nai, cung cấp nước ngọt vào mùa khô và khống chế ngập lụt vào mùa mưa cho cả một vùng rộng lớn miền Đông Nam bộ, kể cả TP.HCM, các khu chế xuất, khu công nghiệp, dân cư.
Rừng Đồng Nai có đàn voi là loài động vật đặc hữu của Việt Nam và Đông Dương rất quý hiếm |
Đây cũng là một trong những khu sinh quyển đặc biệt nhất của Việt Nam vừa có rừng, đất ngập nước nội địa, di tích văn hóa lịch sử cấp quốc gia (Trung ương Cục miền Nam, Khu ủy miền Đông Nam bộ, Địa đạo Suối Linh, Di chỉ khảo cổ Suối Tiên); có nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp, như: thác Ràng, công viên Đá, hồ Trị An, khu Ramsar bàu Sấu, thác Mai; nhiều đặc sản địa phương, như: bưởi Tân Triều, làng nuôi Hươu Nai, nghề dệt thổ cẩm... Ngoài ra, vùng đất này còn ẩn chứa cả một kho tàng văn hóa phong phú và đa dạng, là nơi giao thoa văn hóa của 30 dân tộc anh em. Trong kháng chiến, đây là khu căn cứ cách mạng “Chiến khu Đ” với truyền thống anh dũng bất khuất, rừng miền Đông Nam bộ góp phần quan trọng vào chiến thắng vinh quang của dân tộc.
Đến nay, tỉnh Đồng Nai là một trong những địa phương giữ rừng rất tốt trên cả nước. Có được kết quả này là nhờ Ðồng Nai trong thời gian qua đã có những chủ trương, chính sách và chiến lược phát triển rừng bền vững. Điều đó cho thấy, lãnh đạo Đồng Nai đã có cách nghĩ và việc làm mang tính khoa học, thời đại và có trách nhiệm đối với môi trường.
Phát biểu tại hội thảo tăng cường quản lý Khu Dự trữ sinh quyển Đồng Nai mới đây, Phó chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai Võ Văn Phi nhấn mạnh, Đồng Nai là tỉnh công nghiệp phát triển nằm trong khu vực kinh tế trọng điểm các tỉnh phía Nam và là tỉnh có tốc độ phát triển công nghiệp nhanh. Quan điểm phát triển phải đi đôi với bảo vệ môi trường, phát triển bền vững là quan điểm xuyên suốt của lãnh đạo chính quyền và nhân dân tỉnh nhà qua các thời kỳ. Nhờ vậy, đến nay, Đồng Nai là một trong ít địa phương còn giữ được diện tích rừng tự nhiên rộng lớn với hơn 150 ngàn ha rừng liền mạch, nơi đã được các nhà khoa học đánh giá là “điểm nóng” về đa dạng sinh học của khu vực và quốc tế.
Đàn bò tót tại rừng Vườn Quốc gia Cát Tiên, H.Tân Phú |
Cũng tại hội thảo, bà Hoàng Thị Thanh Nhàn, Phó cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học (Bộ TN-MT) đã đánh giá rất cao những kết quả đã đạt được của Khu Dự trữ sinh quyển Đồng Nai thời gian qua. Trong đó, Khu Dự trữ sinh quyển Đồng Nai được đánh giá một trong những khu dự trữ đã thiết lập được cơ chế để có thể tham gia của các cơ quan có liên quan và có sự phối hợp, điều phối rất chặt chẽ trong thực hiện rất nhiều mô hình sinh kế gắn với bảo tồn và gắn với các hoạt động phục hồi, phát triển rừng…
“Được công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới thì không chỉ là niềm tự hào mà còn thể hiện trách nhiệm quốc gia của địa phương trong việc giữ gìn và phát huy giá trị của khu dự trữ sinh quyển, quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên nhằm đóng góp vào mục tiêu phát triển bền vững của địa phương cũng như của đất nước. Vì vậy, chúng tôi mong muốn Khu Dự trữ sinh quyển Đồng Nai tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được trong thời gian tới”- bà Nhàn chia sẻ.