Kể từ khi Trạm thu phí BOT cầu Đồng Nai nằm trên quốc lộ 1 (TP.Biên Hòa) tạm dừng hoạt động (vào chiều 24-8), lượng xe chạy qua khu vực này tăng vọt. Xe cộ đông đúc cùng với tốc độ lưu thông cao khiến nguy cơ mất an toàn giao thông luôn hiện hữu.
Kể từ khi Trạm thu phí BOT cầu Đồng Nai nằm trên quốc lộ 1 (TP.Biên Hòa) tạm dừng hoạt động (vào chiều 24-8), lượng xe chạy qua khu vực này tăng vọt. Xe cộ đông đúc cùng với tốc độ lưu thông cao khiến nguy cơ mất an toàn giao thông luôn hiện hữu.
Sau khi tạm dừng thu phí, phương tiện giao thông các loại đổ về Trạm thu phí BOT cầu Đồng Nai rất lớn. Ảnh: T.Hải |
Ghi nhận của phóng viên Báo Đồng Nai vào những ngày gần đây cho thấy, phương tiện giao thông đi qua khu vực này rất đông, khác hẳn với trước đây khi lượng xe được chia sẻ bớt bởi đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Không chỉ vào giờ cao điểm mà bất cứ thời gian nào trong ngày, xe cộ cũng đổ dồn về, các làn đường tại đây đều chật kín phương tiện.
* Xe đổ dồn về trạm thu phí
Ông Nguyễn Văn Tài lái tài xế xe tải chở hàng đi TP.HCM cho biết, bình thường xe của ông sẽ xuất phát từ H.Thống Nhất đi lên đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây để về cảng Cát Lái (TP.HCM), nhưng mấy ngày qua ông chọn lộ trình lưu thông trên quốc lộ 1. Nguyên nhân một phần do tình trạng kẹt xe trên đường cao tốc xảy ra liên tục nên so với lưu thông trên quốc lộ 1 thì thời gian không chênh lệch nhiều.
“Ngoài ra, khi Trạm thu phí BOT cầu Đồng Nai dừng hoạt động thì chi phí đi lại có thể tiết kiệm đáng kể. Giao thông qua đây cũng thông suốt, không còn xảy ra ùn tắc tại hai đầu cầu Đồng Nai như trước” - ông Tài nói.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu chủ đầu tư là Tổng công ty Xây dựng Số 1 - CC1 tiếp tục thực hiện công tác quản lý, bảo trì công trình, hoàn thành công tác quyết toán các hạng mục sửa chữa định kỳ phục vụ công tác quyết toán hợp đồng dự án gửi Tổng cục Đường bộ Việt Nam trước ngày 30-9. |
Vào giờ cao điểm buổi sáng, ghi nhận cho thấy xe tải và xe container chạy dày đặc trên đường, đặc biệt là nhiều xe tải chạy dàn hàng ngang khiến các ô tô con chạy phía sau phải bóp còi inh ỏi xin nhường đường. Bên cạnh đó, nhiều xe container chạy với tốc độ chậm khiến những xe khác không thể vượt lên.
Ông Trịnh Minh Đạt (ngụ P.Long Bình Tân, TP.Biên Hòa) nhận xét, đường không còn thu phí nên mật độ xe tải và xe container tăng lên dày đặc. Nguy cơ sẽ biến thành “đường làng” nếu không có sự quản lý chặt của cơ quan chức năng. Vào ban đêm, khu vực này cũng ít đèn chiếu sáng nên phương tiện lưu thông qua đây sẽ gặp khó khăn.
Theo ông Đạt, người dân điều khiển xe máy, xe ô tô con thực sự lo lắng bởi nhiều xe tải hạng nặng, xe container chạy với tốc độ cao. Mỗi lần xe chạy từ TP.Biên Hòa đi TP.HCM lưu thông trên cầu vượt ngã tư Vũng Tàu đổ dốc xuống là mỗi lần các xe nhỏ chạy phía trước bất an. Đa số những xe này có trọng tải lớn nên tốc độ khi đổ dốc cũng tăng lên nếu lái xe không tuân thủ đúng quy định.
Chiều 24-8, sau khi Trạm thu phí BOT cầu Đồng Nai tạm dừng hoạt động, Công ty CP Đầu tư xây dựng cầu Đồng Nai đã cắm biển báo cấm xe máy lưu thông lên cầu vượt ngã tư Vũng Tàu. Tuy nhiên, lo ngại về khả năng xung đột giao thông xảy ra, sau đó không lâu biển báo cho xe máy lưu thông lên cầu vượt lại được khôi phục như bình thường.
Xe 2 bánh khi qua Trạm thu phí BOT cầu Đồng Nai để về vòng xoay Tam Hiệp phải chạy thẳng lên cầu, cắt ngang hàng loạt ô tô đang đổ về đây rất dễ dẫn đến va chạm giao thông. Trong khi nhiều ô tô cũng phóng nhanh chạy ẩu, sẵn sàng ép xe máy để qua cầu khiến người đi xe máy trở nên mất an toàn hơn bao giờ hết.
“Trước đây, nếu còn thu phí thì kẹt xe kéo dài thường xảy ra. Xe cộ qua đây chạy rất chậm, muốn đi nhanh cũng không được nên người đi xe máy khá yên tâm. Bây giờ, chúng tôi chạy xe lên cầu vượt cũng lo mà đi phía dưới cũng nguy hiểm không ít” - ông Đạt nói.
* Tăng cường công tác đảm bảo an toàn
Trạm thu phí BOT cầu Đồng Nai nằm trên quốc lộ 1 (TP.Biên Hòa) hoạt động từ tháng 4-2015 nhằm thu hồi vốn dự án Cầu Đồng Nai mới và tuyến hai đầu cầu. Dự án BOT cầu Đồng Nai mới gồm các hạng mục: nút giao ngã tư Tân Vạn, cầu Đồng Nai mới, nút giao ngã tư Vũng Tàu (bao gồm cầu vượt, hầm chui), nâng cấp cầu Đồng Nai cũ và đường gom kết nối vào dự án.
Khu vực ngã tư Vũng Tàu trở thành nút giao thông quan trọng, là cửa ngõ để phương tiện giao thông các nơi đổ về Đồng Nai. Việc đưa ra các phương án phân luồng, cũng như bố trí hệ thống biển báo, đèn tín hiệu giao thông khoa học, phù hợp với tình hình giao thông thực tế tại đây là vô cùng quan trọng.
Trong suốt một thời gian dài, giao thông tại khu vực ngã tư Vũng Tàu thường xuyên xảy ra tình trạng mất an toàn và ùn tắc giao thông. Nguy cơ xảy ra tai nạn, xung đột giao thông giữa các phương tiện luôn hiện hữu. Do đó, khi Trạm thu phí BOT cầu Đồng Nai tạm ngưng hoạt động nỗi lo càng tăng lên. Vì vậy, rất cần các ngành chức năng sớm đưa ra biện pháp giải quyết kịp thời.
Ông Nguyễn Văn Thành, Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ IV (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho biết, ngay sau khi trạm thu phí tạm dừng hoạt động, giao thông qua đây không còn cảnh ùn tắc kéo dài như trước đây. Tuy nhiên, tốc độ xe lưu thông qua các làn xe qua trạm rất nhanh. Cục đã phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh Đồng Nai và chủ đầu tư họp đưa ra phương án phân luồng đảm bảo an toàn cho người và phương tiện lưu thông qua đây như: lắp đèn chớp vàng, biển báo phản quang khu vực bệ trạm thu phí, biển hạn chế tốc độ 50km/h…
Ông Não Thiên Anh Minh, Phó trưởng ban chuyên trách Ban An toàn giao thông tỉnh cho biết, đơn vị đã thực hiện công tác triển khai một số giải pháp an toàn như tuyên truyền cho các lái xe chấp hành pháp luật về giao thông khi lưu thông trên đường; đồng thời tăng cường phối hợp với lực lượng tuần tra, kiểm soát để kịp thời điều tiết, phân luồng phương tiện tránh xảy ra ùn tắc vào giờ cao điểm.
Thanh Hải