Báo Đồng Nai điện tử
En

Để tai nạn giao thông giảm hơn nữa

09:11, 02/11/2015

Trong vài năm gần đây, dù cả nước (trong đó có Đồng Nai) đã kéo giảm được tai nạn giao thông TNGT ở cả 3 chỉ số về: số vụ, số người chết, số người bị thương do tai nạn, nhưng số người chết vì tai nạn giao thông vẫn còn nhiều.

Trong vài năm gần đây, dù cả nước (trong đó có Đồng Nai) đã kéo giảm được tai nạn giao thông TNGT ở cả 3 chỉ số về: số vụ, số người chết, số người bị thương do tai nạn, nhưng số người chết vì tai nạn giao thông vẫn còn nhiều.

Trong tháng 10-2015, cả nước có 667 người chết vì TNGT (xảy ra gần 2 ngàn vụ, bị thương gần 1,9 ngàn người). Trong đó, Đồng Nai xảy ra 25 vụ TNGT làm chết 23 người, bị thương 13 người. Đây là những con số đau lòng không ai muốn có. Làm gì để kéo giảm những con số đau thương này là mong muốn của mọi người.

* Nhường nhịn  để an toàn

Về việc ngăn ngừa TNGT, người ta thường nói với nhau: “Thà chậm một giây, còn hơn gây tai nạn”. Ý câu nói muốn nhắc nhở mọi người khi tham gia giao thông nên nhường nhịn nhau, còn hơn tranh giành nhau chỉ hơn một giây để có thể bị TNGT. Hoặc như khẩu hiệu tuyên truyền an toàn giao thông (ATGT) ở khắp các ngã đường: “Nhường nhịn nhau khi đi đường là thể hiện văn hóa giao thông”…

Người đi xe 2 bánh trong ảnh chở cồng kềnh nhưng luôn tranh đường để vượt lên, thậm chí lấn sang phần đường dành cho ô tô, dẫn đến tình huống dễ bị TNGT (ảnh chụp trên quốc lộ 51).
Người đi xe 2 bánh trong ảnh chở cồng kềnh nhưng luôn tranh đường để vượt lên, thậm chí lấn sang phần đường dành cho ô tô, dẫn đến tình huống dễ bị TNGT (ảnh chụp trên quốc lộ 51).

Nhưng trên thực tế, không hiếm cảnh từ người đi xe đạp cho đến ô tô đều sẵn sàng vượt đèn đỏ. Khi đèn vàng sáng lên, đa số người cố điều khiển xe chạy thật nhanh để không phải dừng lại nhường cho người ở phần đường đèn xanh lưu thông. Những người không chịu nhường nhịn này đã tạo ra các tình huống nguy hiểm dẫn đến TNGT. Và hậu quả đã xảy ra, trong những tai nạn gần đây có nhiều trường hợp người lái ô tô cố vượt đèn đỏ đã đâm xe vào hàng loạt người đi xe 2 bánh đang chấp hành dừng xe chờ đèn đỏ.

Trong nhiều tình huống giao thông, có thể thấy tình trạng cố tranh giành để đi nhanh hơn rất dễ dẫn đến TNGT. Chẳng hạn, người tham gia giao thông băng qua đường, từ trong lề đường họ đã qua phần đường dành cho xe ô tô để sang phần đường bên thuận chiều. Thế nhưng, đa số người đi xe 2 bánh đều lấn ra phần đường ô tô để cố vượt người đang qua đường. Vì sao họ không chấp hành giữ nguyên việc lưu thông trong làn xe 2 bánh để người qua đường (đã ra đến làn xe ô tô) lưu thông an toàn. Những người lái xe thiếu nhường nhịn này luôn tạo ra các tình huống dễ dẫn đến TNGT.

Thông tin về TNGT hàng ngày trên các phương tiện thông tin đại chúng cho thấy nhiều trường hợp người lái xe khách, xe tải cố vượt xe đi trước bất kể điều kiện mất an toàn dẫn đến tai nạn.

Ở Đồng Nai, trong tháng 10-2015, có ít nhất 3 vụ TNGT có nguyên nhân do người lái xe đụng chết người lưu thông cùng chiều (đụng từ sau tới), trong đó có phần người lái xe phía sau không quan sát kỹ, cố giành đường vượt người đi cùng chiều dù điều kiện lúc đó không an toàn.

Như vụ TNGT xảy ra sáng 20-10 tại vòng xoay dưới chân cầu Hóa An (xã Hóa An, TP.Biên Hòa). Xe tải mang biển số 60M-9387 đi từ hướng xã Tân Hạnh qua chợ Hóa An đã tông vào một phụ nữ đang đi xe máy cùng chiều, làm người phụ nữ đi xe máy bị cán chết tại chỗ.

* Nâng cao ý thức hơn nữa

Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật giao thông hiện nay rất được chú trọng, từ trường lớp cho đến tận nhà máy, xí nghiệp, khu dân cư… đều được các ban, ngành, đoàn thể liên quan tổ chức thực hiện. Thế nhưng, tình trạng vi phạm giao thông cũng còn nhiều (9 tháng của năm 2015, lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) xử lý trên 332 ngàn trường hợp vi phạm).

Mới đây, Bộ Giao thông - vận tải đã soạn thảo dự định tăng mức xử phạt vi phạm giao thông lên nhiều hơn mức xử phạt hiện nay. Tuy nhiên, một số cán bộ CSGT cho biết, đối với đối tượng lái xe 2 bánh (chiếm tỷ lệ cao trong các vụ TNGT), nếu mức phạt cao quá giá trị xe vi phạm, người lái xe sẵn sàng bỏ xe để không đóng phạt. Và ở tâm trạng người không còn gì để mất, những người vi phạm bị phạt nặng này có thể quay lại chống người thi hành công vụ; việc xử lý vi phạm giao thông vì vậy càng thêm phức tạp, dễ gây mất lòng dân.

Có nhiều trường hợp ô tô biển số trắng lưu thông theo kiểu ưu tiên. Trên các xe này, ngoài một vài tài xế ngang ngạnh điều khiển xe bất chấp pháp luật giao thông, còn có một số người làm trong ngành pháp luật ỷ vào việc quen biết lực lượng tuần tra kiểm soát giao thông mà lưu thông thiếu gương mẫu. Những kiểu lưu thông thiếu gương mẫu như vậy cần phải được chấm dứt, để cho tinh thần nhường nhịn nhau khi lưu thông được ngày càng phát triển.

Vấn đề ở đây là làm sao để việc “nhường nhịn nhau khi đi đường” ngày càng phát triển trong tâm thế mọi người tham gia giao thông. Có lẽ, cần phát động cán bộ, nhân viên của cơ quan, đoàn thể nhà nước nêu gương nhường nhịn nhau khi đi đường.

Trên thực tế, người đi đường thường thấy cảnh xe biển số xanh (xe công) luôn giành quyền ưu tiên đi trên đường. Người dân thắc mắc, xe ưu tiên đã có quy định về đèn chớp, còi cảnh báo..., nếu không có các điều kiện trên thì “xe nhà nước” nên nêu gương nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật để người dân đi đường mà noi theo.

Người dân cũng mong lực lượng CSGT giám sát việc chấp hành pháp luật của người đi đường cần chú trọng xử lý các hành vi vượt đèn đỏ, đua xe lạng lách, nẹt pô (xe 2 bánh gắn pô khủng), phóng nhanh vượt ẩu của xe tải… Không gì bức xúc bằng người dân đi đường bị phạt vì quẹo phải quên mở đèn xi nhan, nhưng khi đến đoạn đường khác hoặc về đến nhà lại gặp những đối tượng “đầu xanh, đầu đỏ” chạy xe nẹt pô gây mất trật tự đường phố vẫn vô tư đi lại trên đường.

Thanh Toàn

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều