Báo Đồng Nai điện tử
En

Để các phương tiện thủy không còn chở quá tải

08:09, 14/09/2015

Chi cục Đường thủy nội địa phía Nam (Cục Đường thủy nội địa Việt Nam) vừa có văn bản yêu cầu các tỉnh, thành chấn chỉnh phương tiện thủy chở cát quá tải, không bốc xếp cát quá tải lên phương tiện thủy để bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

Chi cục Đường thủy nội địa phía Nam (Cục Đường thủy nội địa Việt Nam) vừa có văn bản yêu cầu các tỉnh, thành chấn chỉnh phương tiện thủy chở cát quá tải, không bốc xếp cát quá tải lên phương tiện thủy để bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

* Vi phạm chở quá tải trên sông phổ biến

Thực tế trên sông Đồng Nai hiện nay không chỉ chở cát quá tải, mà tình trạng các phương tiện thủy chở vật liệu xây dựng (chủ yếu là cát, đá) quá vạch dấu mớn nước an toàn (quá tải) xảy ra khá phổ biến. Từ các loại ghe bầu nhỏ vài mươi tấn cho đến các loại sà lan cả ngàn tấn, đa số đều chở lút thành ghe, lút mặt boong, chỉ còn chừa lại be gió.

Sà lan tự hành chở đá xây dựng quá vạch dấu mớn nước an toàn vẫn xuất bến ở gần khu vực Văn phòng đại diện chi nhánh Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực III tại Đồng Nai. Ảnh: T.TOÀN
Sà lan tự hành chở đá xây dựng quá vạch dấu mớn nước an toàn vẫn xuất bến ở gần khu vực Văn phòng đại diện chi nhánh Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực III tại Đồng Nai. Ảnh: T.TOÀN

Muốn xử lý triệt để nạn chở quá tải trên sông, lực lượng cảnh sát đường thủy, thanh tra giao thông đường thủy lại gặp khó khăn, vì không thể hạ tải phương tiện vi phạm trên sông. Lực lượng kiểm soát giao thông đường thủy lại không có bến bãi đủ sức chứa, thuận tiện để neo đậu phương tiện vi phạm nhằm xử lý triệt để các trường hợp quá tải. Việc xử lý phổ biến hiện nay là xử phạt rồi cho phương tiện tiếp tục lưu thông. Do vậy, các chủ phương tiện vẫn vô tư chở hàng lút mớn nước an toàn, dù bị phạt nhưng vẫn lợi hơn nhờ được chở quá tải. Nếu gặp sự cố thì sức máy (ghe, sà lan tự hành, hoặc có tàu lai dắt) của phương tiện không đủ khống chế lực quán tính do quá tải tạo nên, tạo ra nguy cơ dễ dẫn đến tai nạn.

Thực hiện kiểm tra, xử lý tình trạng chở quá tải trên sông theo chủ đề của Năm An toàn giao thông 2015 “Siết chặt quản lý kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện”, với mục tiêu “Tính mạng con người là trên hết”, Sở Giao thông - vận tải đã tổ chức cho chủ các cảng, bến thủy nội địa trong tỉnh ký cam kết không xếp hàng quá tải lên phương tiện. Tuy nhiên, việc xử lý các cảng, bến không thực hiện cam kết nói trên chưa được thực thi nên tình trạng ghe tàu trên sông Đồng Nai chở quá tải vẫn xảy ra hàng ngày.

 * Nên giao quyền quản lý cho địa phương

Trong khi việc kiểm tra, xử lý tình trạng chở quá tải đối với các phương tiện thủy trên một số tuyến sông (ở Đồng Nai) thuộc sự quản lý của Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực III còn gặp nhiều khó khăn thì tình hình ở các đoạn sông thuộc sự quản lý của Cảng vụ Đường thủy nội địa Đồng Nai khả quan hơn. Nhiều phương tiện thủy từ các đoạn sông thuộc sự quản lý của Cảng vụ Đường thủy nội địa Đồng Nai (như: sông Cái cặp Khu công nghiệp Biên Hòa 1; sông Đồng Môn ở Long Thành - Nhơn Trạch…) rời bến với sức chở luôn đúng vạch dấu mớn nước an toàn.

Ông Nguyễn Văn Hai, Phó giám đốc Cảng vụ Đường thủy nội địa Đồng Nai, cho biết ở các bến thuộc quyền quản lý của đơn vị thì đại diện cảng vụ không cấp phép rời bến cho các phương tiện không đảm bảo an toàn giao thông, trong đó có hành vi chở quá vạch dấu mớn nước an toàn.

Sà lan chở quá tải (phải) và sà lan không tải đang lưu thông trên sông Đồng Nai.
Sà lan chở quá tải (phải) và sà lan không tải đang lưu thông trên sông Đồng Nai.

Được biết, các cảng, bến thủy nội địa trên sông Đồng Nai đang thuộc quyền quản lý của Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực III. Trong đó, Văn phòng đại diện chi nhánh Cảng vụ khu vực III nằm bên bờ sông Đồng Nai (xã Hóa An, TP.Biên Hòa), ngay bên cạnh các bến cát, đá xây dựng với hàng trăm ghe bầu, sà lan đi, đến hàng ngày.

Ông Nguyễn Đình Sơn, Trưởng đại diện chi nhánh Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực III ở Đồng Nai, cho biết đơn vị cũng nhận được chỉ đạo của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam về việc các cảng, bến thủy phải cam kết không xếp hàng quá tải lên phương tiện. Nhưng khi phóng viên Báo Đồng Nai hỏi vì sao tình trạng phương tiện thủy chở quá tải lưu thông trên sông Đồng Nai vẫn còn xảy ra thì ông này lại bỏ ngỏ.

Theo thông tin phóng viên nắm được, lực lượng cảng vụ hàng ngày đều đi thu phí ở các cảng, bến thủy nội địa. Như vậy, việc ngăn chặn hành vi chở quá tải ngay từ gốc (không chất hàng quá tải xuống phương tiện thủy) sẽ được thực hiện thuận tiện bởi lực lượng cảng vụ đường thủy nội địa.

Giữa tháng 12-2014, Bộ Giao thông - vận tải có văn bản chỉ đạo 2 Sở Giao thông - vận tải Đồng Nai và TP.Hồ Chí Minh “trong phạm vi quản lý của mình có trách nhiệm tổ chức quản lý nhà nước đối với các cảng, bến thủy nội địa trong vùng nước cảng biển, tuyến luồng sông Đồng Nai, đoạn từ rạch Ông Nhiêu đến hạ lưu cầu Đồng Nai, theo quy định của pháp luật”.

Đến cuối tháng 12-2014, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam có văn bản chỉ đạo Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực III bàn giao công tác quản lý cảng, bến thủy nội địa trên tuyến sông Đồng Nai cho Sở Giao thông - vận tải Đồng Nai và TP.Hồ Chí Minh theo nội dung chỉ đạo của Bộ Giao thông - vận tải. Thế nhưng, đến nay các cảng, bến thủy nội địa được Cục Đường thủy nội địa Việt Nam yêu cầu bàn giao cho các địa phương vẫn chưa được thực hiện.

Thanh Toàn

 

 

Tin xem nhiều