Theo Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia, có đến 80% tai nạn đường sắt xảy ra ở những con đường bộ mở bất hợp pháp ngang qua đường sắt (còn gọi là đường ngang dân sinh). Do đó, bảo đảm ATGT ở các đường ngang dân sinh sẽ góp phần kéo giảm đáng kể tai nạn đường sắt.
Theo Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia, có đến 80% tai nạn đường sắt xảy ra ở những con đường bộ mở bất hợp pháp ngang qua đường sắt (còn gọi là đường ngang dân sinh). Do đó, bảo đảm ATGT ở các đường ngang dân sinh sẽ góp phần kéo giảm đáng kể tai nạn đường sắt.
Trong 6 tháng đầu năm 2015, trong khi tình hình tai nạn giao thông (TNGT) nói chung ở Đồng Nai giảm sâu cả 3 mặt về số vụ, số người chết và bị thương (giảm hơn 25% số vụ, hơn 42% số người chết và người bị thương giảm gần 8,5%) thì tai nạn đường sắt ở Đồng Nai chỉ giảm 1 vụ và giảm 2 người chết so cùng kỳ năm 2014 (xảy ra 7 vụ, chết 6 người, bị thương 2 người). Trong đó, riêng TP.Biên Hòa xảy ra 4 vụ, chết 5 người (tăng 2 người chết). Nguyên nhân gây tai nạn chủ yếu do người điều khiển phương tiện đường bộ vượt qua đường sắt mà không nhường quyền ưu tiên cho tàu hỏa.
* Vì tiện lợi, bất chấp an toàn
TP.Biên Hòa là địa bàn có nhiều khu dân cư phát triển nhất của tỉnh, trong đó có không ít khu dân cư nằm gần đường sắt. Người dân ở các khu dân cư này luôn tìm các lối đi tiện lợi, dù phải băng ngang đường sắt một cách nguy hiểm.
Đường ngang dân sinh ở phường Long Bình (TP.Biên Hòa), phía sau là khu tái định cư 500 hộ dân. Ảnh:T.Toàn |
Điển hình, hiện trên địa bàn thành phố có khu dân cư mới phía Nam đường Võ Thị Sáu (phường Thống Nhất) với hàng trăm nền nhà. Khu dân cư mới này kết nối với các khu dân cư khác bằng các tuyến đường chính thức và không chính thức, trong đó có đường ngang dân sinh kết nối KP.6, phường Thống Nhất và KP.3, phường Quyết Thắng. Đường ngang dân sinh này nối với đường khu phố ra địa bàn phường Quyết Thắng theo đường Nguyễn Thành Đồng. Trong khi đường ngang đường sắt trên đường Nguyễn Thành Đồng chưa được ngành đường sắt công nhận thì đường ngang mới phát sinh này lại tấp nập người qua lại vì tiện lợi.
Chị Nguyễn Thị Dần (ngụ phường Quyết Thắng) cho biết khi đi tắt bằng đường ngang này ra đường Võ Thị Sáu sẽ gần hơn vài cây số so với đi từ đường Nguyễn Thành Đồng ra đường Hà Huy Giáp rồi quẹo vào đường Võ Thị Sáu. Tuy nhiên, đường ngang dân sinh ở đây có điểm nguy hiểm do phía phường Quyết Thắng có một số nhà dân vi phạm hành lang đường sắt, che khuất tầm nhìn tàu hỏa từ hướng cầu Rạch Cát về ga Biên Hòa. Vậy mà vào giờ đi làm, giới công nhân và thợ hồ vẫn tấp nập đi qua đây.
Theo ông Hoàng Đông, Đội trưởng Đội Quản lý đường sắt Biên Hòa, tốc độ tàu hỏa chạy qua nội ô hiện được phép lên tới 80km/giờ, nên việc lưu thông qua đường ngang dân sinh này tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn rất cao.
Về trách nhiệm tổ chức cảnh giới hoặc chốt gác đường ngang dân sinh dưới 3m, chính quyền các xã, phường tỏ ra rất băn khoăn về khoản kinh phí để duy trì thường xuyên lực lượng cảnh giới, trực gác. Còn nếu tổ chức trực gác đường ngang, thì lại đặt vấn đề trách nhiệm của chính quyền khi chẳng may xảy ra tai nạn đường sắt ở nơi đó. Vừa phải lo kinh phí để tổ chức cảnh giới (hoặc chốt gác), vừa phải chịu trách nhiệm nếu có tai nạn xảy ra, đây là điều khó hợp lý để thực hiện của địa phương. |
Một đường ngang dân sinh khác cũng đang làm đau đầu những người có trách nhiệm, đó là đường ngang dân sinh ở km1689 của đường sắt, nối khu dân cư phường Long Bình ra đường Điểu Xiển (gần khu vực Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh, phường Tân Biên, TP.Biên Hòa).
Ông Bùi Đức Nam, Chủ tịch UBND phường Long Bình, cho biết ở đây có khu tái định cư 500 nền nhà (bố trí tái định cư cho nhiều dự án của TP.Biên Hòa). Nếu khu tái định cư này lấp đầy dân cư thì khả năng đường ngang dân sinh này rất khó bị xóa bỏ.
Quan sát thực tế của phóng viên cho thấy, hiện tại người dân chấp nhận băng ngang đường đi bất hợp pháp này để ra đường Điểu Xiển hơn là phải đi vòng khoảng 1km để ra đường ngang hợp pháp, có gác chắn. Điều đáng nói là, đường ngang này băng qua mương sâu nhưng chỉ được lót bằng một mảnh bê tông nhỏ hẹp, rất dễ bị té ngã vào lúc trời mưa gió.
Đơn vị quản lý đường sắt đã nhiều lần đóng đường ngang này, nhưng ngay sau đó người dân mở lại để đi cho tiện lợi. Đáng chú ý, tốc độ tàu chạy ở đây được phép lên đến 90km/giờ, nên mức độ nguy hiểm càng tăng lên khi xe cộ lưu thông qua đây.
* Giải pháp nào?
Theo thống kê, toàn tỉnh có 60 đường ngang dân sinh, nhiều nhất là ở TP.Biên Hòa với 15 đường. Vào năm 2013, Bộ Giao thông - vận tải và UBND tỉnh đã ký kết quy chế phối hợp trong việc bảo đảm trật tự ATGT tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt. Trong đó, có quy định các lối đi dân sinh phục vụ từ hộ dân cho đến cộng đồng đều có trách nhiệm tham gia của chính quyền địa phương. Đặc biệt, các đường ngang dân sinh rộng dưới 3m thì chính quyền cấp xã, phường chịu trách nhiệm tổ chức cảnh giới hoặc chốt gác khi có nguy cơ mất ATGT.
Đường ngang dân sinh ở KP.3, phường Tân Hiệp (TP.Biên Hòa) nối nhiều khu dân cư phát triển, khó có thể xóa bỏ. |
Về vấn đề này, lãnh đạo UBND một phường thuộc TP.Biên Hòa cho biết, nếu chính quyền tổ chức cảnh giới hoặc chốt gác thì hóa ra chính quyền địa phương công nhận đường ngang dân sinh và người dân sẽ hiểu đường ngang bất hợp pháp trở thành hợp pháp. Điều này sẽ tạo tiền lệ là người dân cứ mở đường ngang để đi nếu thấy tiện và sử dụng lâu ngày sẽ được chính quyền công nhận (cho người trực gác). Như thế sẽ khó ngăn chặn tình trạng người dân tùy tiện mở đường ngang và giải pháp này có vẻ không ổn.
Ở đường ngang rộng từ 3m trở lên, chính quyền cấp huyện cũng được quy định thực hiện giống như trách nhiệm của chính quyền cấp phường, xã đối với đường ngang dân sinh rộng dưới 3m. Tuy nhiên, ở loại đường này có các loại ô tô tham gia giao thông (chỉ cho xe dưới 9 chỗ và xe dưới 2,5 tấn), tình hình giao thông ở đường ngang loại này khá phức tạp, lực lượng cấp huyện cũng khó lo cho xuể.
Trong quy chế phối hợp nói trên có biện pháp giảm dần các lối đi dân sinh bằng giải pháp xây dựng đường gom và hàng rào bảo vệ, dẫn đường lưu thông đến các đường ngang có gác chắn hợp pháp. Đây có thể là cách làm căn cơ và hiệu quả để giảm sự phát triển của các đường ngang bất hợp pháp. Các công trình này có loại do Tổng công ty đường sắt Việt Nam đầu tư, có loại do địa phương đầu tư. Trong tình hình khó khăn về vốn đầu tư hiện nay, có lẽ cần phải thêm giải pháp đầu tư làm đường gom và hàng rào bảo vệ bằng phương án xã hội hóa, Nhà nước và nhân dân cùng làm, hoặc đổi đất lấy hạ tầng… mới mong nhanh chóng thực hiện được giải pháp thực sự an toàn và hiệu quả này.
Đường ngang dân sinh ở phường Long Bình (TP.Biên Hòa) bị ngành đường sắt đóng lại nhiều lần nhưng đều bị người dân mở lại ngay sau đó. |
Trên thực tế, với sự phát triển kinh tế - xã hội của Đồng Nai, việc ngăn cấm phát triển các khu dân cư gần như là không thể. Nếu các khu dân cư mới nằm gần đường sắt, tất yếu người dân sẽ tìm đường đi lại thuận tiện dù phải băng qua đường sắt. Vấn đề là ngành đường sắt cần phối hợp cùng địa phương tăng cường đầu tư các công trình bảo đảm an toàn, qua đó hoạt động kinh doanh, phát triển của ngành sẽ thuận lợi và bền vững hơn.
Thanh Toàn